Việc hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Đan Mạch được kỳ vọng sẽ mang đến sự thịnh vượng cho hai quốc gia trong lĩnh vực kinh tế xanh.
>>Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nghiêm trọng hơn vì biến đổi khí hậu
Hiện nay, gần 70% lượng khí thải nhà kính ở Việt Nam là từ sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Do vậy, các biện pháp và hành động cụ thể trong lĩnh vực năng lượng đóng vai trò mấu chốt trong quá trình chuyển đổi xanh nền kinh tế Việt Nam.
Trong đó, năng lượng gió ngoài khơi và sử dụng năng lượng hiệu quả đóng vai trò quan trọng hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Đây cũng là hai lĩnh vực mà các doanh nghiệp Đan Mạch có những giải pháp và công nghệ hàng đầu đã được kiểm chứng trong thực tế.
Trao đổi tại Diễn đàn Thượng đỉnh Năng lượng Bền vững Việt Nam Đan Mạch, Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik cho biết Việt Nam và Đan Mạch có xuất phát điểm về kinh tế khác nhau nhưng có chung tầm nhìn về các vấn đề biến đổi khí hậu.
“Hiện đang 135 doanh nghiệp Đan Mạch đang có mặt tại Việt Nam. Mặc dù hai nước có xuất phát điểm khác nhau nhưng cùng chung tầm nhìn trong giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. Chúng ta cùng chia sẻ hoài bão là phát triển hướng tới tương lai xanh hơn, phát thải ròng bằng 0. Do đó, doanh nghiệp Đan Mạch đến đây để hỗ trợ Việt Nam vì một tương lai xanh hơn,” Thái tử nhấn mạnh.
Hiện tại cường độ năng lượng trong nền kinh tế nói chung và trong ngành công nghiệp nói riêng tại Việt Nam đã giảm đi trong thời gian vừa qua nhưng vẫn còn ở mức cao, hiện cao hơn 1,4 lần so với Thái Lan và 1,6 lần so với Malaysia.
Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Theo ông Stig Uffe Pedersen, Cục phó Cục Năng lượng Đan Mạch cho biết, các doanh nghiệp cần có lộ trình cụ thể để tiến hành chuyển đổi xanh. Với cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra đang tạo bước tiến mạnh trong dài hạn để thực hiện chuyển đổi xanh, Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội trong cuộc khủng hoảng để tăng tốc trong việc hướng đến các mục tiêu tham vọng đã đặt ra tại Hội nghị COP 26.
Trên thực tế, Việt Nam đã có khung chính sách toàn diện về thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng. Đây là xuất phát điểm thuận lợi để khai thác tiềm năng năng lượng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Pedersen cho rằng, để thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, cần tập trung vào các chính sách về sủ dụng hiệu quả năng lượng để tăng cường khả năng cạnh tranh trong bối cảnh giá cả năng lượng cao.
>>“Thúc đẩy vai trò khu vực tư nhân trong hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu”
Đặc biệt, sự liên kết giữa khu vực doanh nghiệp tư nhân và Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi hướng tới một xã hội phát thải các bon thấp.
Đồng thời, các doanh nghiệp tư nhân cần được tham gia trong những quan hệ đối tác về khí hậu để cung cấp thông tin đầu vào quan trọng cho quá trình hoạch định chính sách và nhắm tới đạt được mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu. "Khu vực công và khu vực tư nhân phải cùng nhau kiến tạo tương lai xanh để đảm bảo việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả hơn", ông Pedersen đánh giá.
Từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, với vai trò là cơ quan đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam cam kết và triển khai mạnh mẽ hơn hoạt động kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm, trong những năm vừa qua VCCI đã phối hợp chặt chẽ cùng các đối tác trong nước, quốc tế triển khai hàng loạt các sáng kiến, dự án thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Đặc biệt, với hạt nhân là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), VCCI đã tiên phong trong hoạt động lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn, tích cực thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn, qua đó giúp giảm thiểu tối đa lượng chất thải ra môi trường, đồng thời cũng góp phần đáng kể vào việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Với việc Việt Nam đưa ra những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030; cùng nhiều cam kết, tuyên bố khác, Phó Chủ tịch VCCI thông tin, trong thời gian tới, VCCI, VBCSD sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác với các đối tác Bộ, ngành, các tổ chức xã hội trong nước, quốc tế.
Đồng thời khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp chung tay mạnh mẽ hơn nữa trên lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, qua đó thúc đẩy hiệu quả hơn việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Phó Chủ tịch VCCI nhận định, với những hỗ trợ tích cực của các đối tác trong nước, quốc tế, đặc biệt là Hoàng gia và Chính phủ Đan Mạch, nền kinh tế xanh nói chung và bức tranh năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại Việt Nam nói riêng sẽ không phải là tương lai xa vời, mà hoàn toàn có thể thực thi.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển bền vững gắn liền quản trị rủi ro chuẩn quốc tế
15:28, 29/10/2022
9 giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản
00:45, 25/10/2022
ESG thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững
00:40, 23/10/2022
Phát triển bền vững từ tâm của người lãnh đạo
07:13, 13/10/2022
Văn hóa, đạo đức là nền tảng phát triển bền vững
05:12, 13/10/2022