Xây dựng thương hiệu cho dệt may Việt Nam

NGUYỄN VIỆT thực hiện 28/09/2023 13:53

Doanh nghiệp dệt may mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Chiết Giang trong đó có Hàng Châu để xây dựng thương hiệu riêng cho dệt may Việt Nam.

>>Việt Nam là điểm “dừng chân” lý tưởng của các doanh nghiệp Chiết Giang

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ với DĐDN tại Triển lãm Thương mại quốc tế Chiết Giang 2023 và Hội chợ hàng hóa xuất khẩu Chiết Giang tại Việt Nam lần thứ 11, diễn ra từ ngày 28-30/9 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Hà Nội. 

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

- Ông đánh giá như thế nào về thị trường Trung Quốc nói chung, thị trường Chiết Giang nói riêng đối với ngành dệt may Việt Nam?

Thị trường Trung Quốc nói chung, thị trường Chiết Giang nói riêng có vai trò rất quan trọng đối với ngành dệt may Việt Nam. Vì đây là nơi cung cấp nguyên phụ liệu lớn cho ngành dệt may Việt Nam.

Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 50% số lượng vải sử dụng, với các nguyên phụ liệu khác như sợi cũng nhập khẩu phần lớn từ Trung Quốc.

Tôi hy vọng với tín hiệu thuận lợi khi Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường nhập khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các địa phương Trung Quốc; chúng ta sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Trung Quốc vào ngành dệt may tại Việt Nam mà không phải nhập khẩu. Bởi nếu chủ yếu nhập khẩu từ thị trường này thì lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do sẽ không còn nhiều.

- Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác gì tại cuộc triển lãm này, thưa ông?

Thứ nhất, mục tiêu của các doanh nghiệp dệt may khi tham gia triển lãm là giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của nhau. Đặc biệt, Chiết Giang có thủ phủ là Hàng Châu là nơi có truyền thống và sự phát triển về ngành dệt may rất mạnh, họ phát triển những mặt hàng dệt may có thương hiệu và đẳng cấp.

Một trong những mục tiêu mà ngành dệt may đặt ra là làm sao để thu hút các doanh nghiệp sản xuất dệt may Trung Quốc nói chung, Chiết Giang nói riêng vào Việt Nam.

Thứ hai, doanh nghiệp dệt may mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Chiết Giang trong đó có Hàng Châu để xây dựng thương hiệu riêng cho dệt may Việt Nam. Sau đó xuất khẩu với chính thương hiệu Việt Nam.

>>Chiết Giang (Trung Quốc) đẩy mạnh hút du khách Việt Nam

>>Việt Nam là điểm “dừng chân” lý tưởng của các doanh nghiệp Chiết Giang

Triển lãm Thương mại quốc tế Chiết Giang 2023 và Hội chợ hàng hóa xuất khẩu Chiết Giang tại Việt Nam lần thứ 11, diễn ra từ ngày 28-30/9 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Hà Nội.

Triển lãm Thương mại quốc tế Chiết Giang 2023 và Hội chợ hàng hóa xuất khẩu Chiết Giang tại Việt Nam lần thứ 11, diễn ra từ ngày 28-30/9 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Hà Nội.

- Theo dự báo, 4 tháng cuối năm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với nhiều loại hàng hóa sẽ được cải thiện. Vậy, ngành dệt may sẽ chủ động đón bắt cơ hội này như thế nào, thưa ông?

Tình hình dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam cho đến thời điểm này còn khá khó khăn. Tính đến hết 8 tháng năm  2023, kim ngạch xuất khẩu giảm 15%, 4 tháng cuối năm có thể tốt hơn, nhưng theo dự báo của ngành dệt may Việt Nam, năm 2023 chỉ đạt hơn 41 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2022.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu hàng may mặc cũng không nhiều, chỉ trên 1 tỷ USD. Cho nên, việc xuất khẩu hàng may mặc còn khá khiêm tốn. Chỉ có sợi xuất khẩu sang Trung Quốc là có quy mô lớn, tuy nhiên từ năm 2022 và 2023 kim ngạch xuất khẩu của sợi vào thị trường này cũng đã giảm nhiều.

- Đây cũng là một thị trường được đánh giá rất có tiềm năng, vậy ngành dệt may Việt Nam sẽ có chiến lược như thế nào để 'đi tắt đón đầu" thị trường lớn này, thưa ông?

Trung Quốc là một thị trường rất có tiềm năng đối với ngành dệt may Việt Nam. Bởi, dệt may Trung Quốc dần chuyển dịch sang các nước khác với nhiều nguyên nhân.

Một là, thu nhập của người Trung Quốc hiện nay cũng khá cao, cho nên ngành dệt may phù hợp với những nước có thu nhập ở mức vừa phải như Việt Nam. Do đó, họ sẽ phải chuyển dần các khâu, công đoạn thu hút nhiều lao động sang các nước khác. Đây có thể được coi là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam.

Hai là, ngành dệt may Trung Quốc trong tương lai sẽ hướng đến công nghệ cao cho nên cũng sẽ giảm dần sản xuất trong chính nước họ, và có nhu cầu nhập khẩu từ các nước bên ngoài, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để dệt may Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường Trung Quốc.

- Ông kỳ vọng gì từ cuộc triển lãm lần này?

Đây là lần thứ 11 Triển lãm Thương mại quốc tế Chiết Giang 2023, Hội chợ hàng hóa xuất khẩu Chiết Giang được tổ chức tại Việt Nam. Tôi nhận thấy, sau mỗi lần tổ chức Triển lãm Thương mại quốc tế Chiết Giang 2023, Hội chợ hàng hóa xuất khẩu Chiết Giang đều có những sự cải tiến, đổi mới.

Do đó, tôi kỳ vọng đây chính là cơ hội để cho các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam và doanh nghiệp dệt may Trung Quốc tăng cường giao lưu, giao thương, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm của nhau. Sau đó đi đến kết nối hợp tác với nhau.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á -Châu Phi (Bộ Công Thương): Tiềm năng hợp tác Việt Nam - Chiết Giang còn rất lớn

Trong tổng thể hợp tác với Trung Quốc, Bộ Công Thương rất coi trọng vai trò của tỉnh Chiết Giang – địa phương cửa ngõ quan trọng ở khu vực phía Đông Trung Quốc. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Chiết Giang đứng thứ 4 trong số các địa phương Trung Quốc có quan hệ thương mại với Việt Nam và chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc.  

Với thế mạnh và quy mô kinh tế của tỉnh Chiết Giang, có thể thấy tiềm năng, nhu cầu hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam và tỉnh Chiết Giang vẫn còn rất lớn.

Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với quyết tâm và sự nỗ lực chung của hai bên, quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc sẽ không ngừng phát triển đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thực của hai bên và nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Bà Zhu Hong, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Triển lãm quốc tế Viễn Đại (Chiết Giang): Việt Nam là đối tác hợp tác quan trọng của Chiết Giang

Việt Nam là đối tác hợp tác quan trọng của Chiết Giang trong khu vực ASEAN, ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do ASEAN khởi xướng đã chính thức có hiệu lực, thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu, hợp tác giữa hai nước.

Chiết Giang và Việt Nam có nền tảng thương mại vững chắc, các ngành công nghiệp bổ sung lẫn nhau và triển vọng hợp tác rộng lớn, đến năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa tỉnh Chiết Giang và Việt Nam đạt 20,56 tỷ USD, tăng 16,85% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu của Chiết Giang sang Việt Nam là 14,49 tỷ USD, tăng 17,99% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam là 6,07 tỷ USD, tăng 14,21% so với cùng kỳ năm trước.

Chúng tôi hy vọng Triển lãm sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc nâng cao mức độ hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Chiết Giang.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhận diện đúng, trúng, kịp thời thị trường Trung Quốc

    19:39, 29/04/2023

  • Thị trường Trung Quốc mở cửa, cổ phiếu dệt may hưởng lợi

    05:17, 21/03/2023

  • Chiến lược giành lại thị trường Trung Quốc của Volkswagen

    11:00, 28/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng thương hiệu cho dệt may Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO