Với tham vọng lọt vào top 50 doanh nghiệp thép toàn cầu, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) cần có mức độ tăng trưởng tương xứng và chất lượng hơn về quản trị rủi ro và phát triển thương hiệu.
Bất chấp những thông tin lùm xùm trong thời gian qua, HPG vẫn đạt kết quả kinh doanh tích cực so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Nhóm ngành chính đi lên
Theo báo cáo tài chính quý I/2018, doanh thu của HPG đạt 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 25% và 14% so với cùng kỳ năm trước. Động lực mang đến tăng trưởng chính của HPG vẫn là nhóm ngành thép.
Theo công bố thông tin của HPG, sự tăng trưởng từ thị trường xây dựng trong nước là một yếu tố đáng kể. Ở thép xây dựng, quý I/2018, HPG giữ thị phần 24% và tiếp tục dẫn đầu. Trong mảng xuất khẩu, sản lượng thép cán cũng tăng mạnh với các thị trường quan trọng như Australia, Mỹ, châu Á và Canada. Riêng ống thép ghi nhận tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, tiến sâu vào thị trường miền Nam, nơi đang có nhiều đối thủ ngành ống thép cát cứ.
2.200 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế của CTCP Tập đoàn Hòa Phát trong quý I/2018, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự là sản phẩm tôn. Với việc cho ra sản phẩm tôn mạ màu, HPG tiếp tục cạnh tranh trực tiếp cùng Tập đoàn Hoa Sen, đang dẫn đầu thị phần tôn gắn liền thương hiệu Tôn Hoa Sen. Ngoài ra còn có Tôn Đông Á, Thép Nam Kim… đều đang sản xuất tôn mạ màu phục vụ cho các công trình xây dựng công nghiệp.
Các mảng khác vào giai đoạn ổn định
Sau khi sắp xếp lại mô hình hoạt động của các Cty thành viên còn 11 đơn vị, HPG đang có các mảng chính là công nghiệp nặng, bất động sản (BĐS), nông nghiệp, công nghiệp nhẹ.
Năm 2018, với dự báo thị trường địa ốc chưa có nguy cơ bong bóng, mảng địa ốc của HPG tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực.
Với các tỷ trọng và trọng điểm đầu tư đã nêu, không có gì lạ khi trong ĐHCĐ 2018, ông Trần Đình Long- Chủ tịch HĐQT, ông Trần Tuấn Dương- Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HPG, đã liên tục trả lời cổ đông phần lớn về thép và nói về hoạt động đầu tư, sản xuất công nghiệp nặng. Hay nói cách khác, dù nhìn ở góc độ đầu tư đa ngành, HPG sau tinh gọn, vẫn gắn với thép và dấu ấn công nghiệp nặng.
Điều đó cũng đồng nghĩa HPG chịu rủi ro của các vấn đề phát sinh từ đầu tư công nghiệp nặng như: Nguy cơ tác hại môi trường, giá nguyên vật liệu từ thị trường thế giới; tác động chính sách từ xu hướng bảo hộ trở lại của chính quyền Trump…
Một yếu tố nền tảng hứa hẹn tích cực trong kinh doanh ngành lõi của HPG, theo CTCK Bảo Việt (BVSC), là Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động với công suất và triển vọng tiêu thụ lạc quan. Tuy nhiên, dự kiến đến cuối năm 2019, HPG mới có thể chạy thử hai giai đoạn đồng bộ tại dự án này.
Trên thực tế, việc chạy thử các giai đoạn trong một dự án đầu tư liên hợp sản xuất thép có thể đưa ra những kết quả sai số, như trường hợp chạy thử của Formosa Hà Tĩnh trước đây, hay giai đoạn 2 bế tắc của Gang Thép Thái Nguyên hiện nay…
Bởi vậy, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, nhiều nhà đầu tư trên thị trường đang coi cổ phiếu HPG như một “game” của năm 2019.
Thông tin tiêu cực
Kinh doanh tích cực nhưng tăng trưởng giá cổ phiếu HPG chỉ đạt mức trên 35% từ cuối tháng 12/2017-18/5/2018, không phản ánh và đồng nhịp với mức tăng mạnh mẽ của VN-Index và nhiều bluechips, nhất là trong 3 tháng đầu năm. Sở dĩ nhà đầu tư có phần thận trọng với HPG là do doanh nghiệp này còn nhiều thông tin không mấy tích cực. Đó là Dự án đầu tư tại Hải Dương còn tồn tại nhiều vấn đề có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường (theo Báo cáo của UBND huyện Kinh Môn -tỉnh Hải Dương từ kết luận Thanh tra số 136/KL-TCMT ngày 16/01/2018 của Tổng Cục môi trường về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Cty CP Thép Hòa Phát). Cũng tại dự án này, thông tin 3 công nhân tử vong trong quá trình vận hành Lò thổi 2 vừa xảy ra trong tháng 5/2018, dẫn đến những quan ngại về an toàn cho người lao động và trách nhiệm của doanh nghiệp. Thậm chí, thị trường còn có thời điểm xuất hiện tin đồn Chủ tịch Tập đoàn, tỷ phú đô la mới của Việt Nam theo xếp hạng Forbes 2018 qua đời, hay tin HPG “buôn tiền” bằng phương thức vay ưu đãi gửi lãi cao...
Với tham vọng lọt vào top 50 doanh nghiệp thép toàn cầu, đã đến lúc HPG cần một “độ nở” tương xứng, chất lượng hơn về quản trị rủi ro trong kinh doanh và thương hiệu.
Xuất khẩu thép đối mặt rủi ro Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành thép Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép và tôn mạ. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã tăng công suất sản xuất thép từ 1,5 triệu tấn lên hơn 20 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, ngành thép Việt Nam lại thiếu sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) và thép chất lượng cao cho ngành thép chế tạo. Sự gia nhập của Formosa, và gần đây là Hòa Phát trong lĩnh vực sản xuất HRC có thể sẽ thay đổi phần nào bức tranh này trong thời gian tới. Áp lực nhập khẩu các sản phẩm thép của Việt Nam từ Trung Quốc- thị trường cung cấp thép lớn nhất thế giới, đã giảm cả về sản lượng lẫn giá trị. Nguyên nhân do nguồn cung của Trung Quốc bị siết lại, giảm lượng dư thừa thép, đồng thời Việt Nam đã có các chính sách cần thiết đối với thép nhập khẩu kém chất lượng. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thép. Khối lượng xuất khẩu các sản phẩm thép của Việt Nam đã tăng từ 1,9 triệu tấn năm 2012 lên 5,5 triệu tấn năm 2017. Đặc biệt, xuất khẩu thép của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2018 đã đạt 1,91 triệu tấn, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang dư thừa nguồn cung thép, các sản phẩm thép của Việt Nam sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều với các biện pháp bảo hộ thương mại của các quốc gia khác. Đến nay, ngành thép Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất với 27 vụ việc, chiếm tỷ trọng khoảng 21%. Ngoài ra, việc Mỹ áp thuế nhập khẩu thép lên tới 25%, cũng như đang xem xét áp thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ giá 256,44% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam được sản xuất bằng nguyên liệu Trung Quốc, cũng sẽ khiến các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam đã và đang gặp không ít khó khăn. Những tác động tiêu cực nói trên sẽ khiến các đối tác chiến lược trở nên thận trọng hơn khi đầu tư vào các doanh nghiệp ngành thép Việt. |