Mới đây, Bộ Xây dựng trả lời tỉnh Hưng Yên về đề nghị hướng dẫn hợp thức hoá dự án Vườn Vạn Tuế đã từng bị thanh tra, phạt vì xây, bán "chui" 200 căn biệt thự.
Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định tại Điều 14 của Luật Nhà ở 2014 thì dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và có trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng giai đoạn.
Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 22 và Điều 23 của Luật Nhà ở 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật Đầu tư số 61/2020/QH14) đã quy định cụ thể về các hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại.
Mặt khác, hiện nay theo Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 cũng thống nhất một thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Do đó, việc điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư dự án này được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở và pháp luật khác có liên quan.
Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên đối chiếu quy định của pháp luật nhà ở, pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan để hướng dẫn Công ty Đại Hưng thực hiện điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư dự án này theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh về khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden tại xã Phụng Công (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) do Công ty CP thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (Công ty Đại Hưng) làm chủ đầu tư. Trong đó, hồi tháng 4/2020, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã công bố kết luận thanh tra về dự án.
Cụ thể, khu đất hiện nay được Công ty Đại Hưng xây dựng dự án Sago Palm Garden trước đây được UBND tỉnh Hưng Yên cho thuê đất 50 năm để xây dựng nhà máy sản xuất gạch Tuynel.
Tuy nhiên, chỉ sau chưa đến 1 năm có quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch ngói Tuynel (ngày 29/2/2016) Công ty Đại Hưng đã xin chuyển đối mục đích sử dụng đất xây dựng nhà máy thành đất xây dựng đô thị và được UBND tỉnh Hưng Yên đồng ý về chủ trương, điểu chỉnh tên, mục tiêu dự án đầu tư.
Dù chỉ mới được đồng ý về chủ trương, song chủ đầu tư dự án Sago Palm Garden đã xây dựng và hoàn thiện xong phần thô hơn 200 căn biệt thự liền kề có diện tích từ 80 – 200 m2/căn.
Từ năm 2018, Công ty Đại Hưng đã ký hợp đồng mua bán với khách hàng mua các căn biệt thự, liền kề của dự án Vườn Vạn Tuế. Đại diện bên bán là ông Nguyễn Công Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Hưng.
Kết quả thanh tra cũng cho biết, Công ty Đại Hưng còn tồn tại một số sai phạm về việc thực hiện báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư; báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện đầu tư theo quy định; chưa đăng ký biến động thay đổi tên pháp nhân; vi phạm quy định pháp luật về đất đai; vi phạm pháp luật về đầu tư; vi phạm quy định pháp luật về xây dựng”, kết luận thanh tra chỉ rõ.
Ngoài ra, qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế và các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước cho thấy, Công ty Đại Hưng còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước về tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Trên thực tế, thời gian qua rất nhiều công trình lớn xây dựng không phép, sai phép nhưng thay vì bị đập, bị cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu thì lại được hợp thức hóa các sai phạm và cho tồn tại.
Điều này làm suy giảm tính nghiêm minh về kỷ cương trật tự xây dựng. Liên quan đến việc xử lý các công trình xây dựng không phép, theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng có quy định “phạt và cho phép tồn tại” sau khi chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép.
Tuy nhiên, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản đã bỏ quy định “phạt cho tồn tại,” mà buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.
Theo luật sư Nguyễn Vân Trường (Đoàn luật sư TP.HCM), việc cơ quan chức năng làm ngơ, cho tồn tại các dự án vi phạm người được hưởng lợi nhiều nhất là chủ đầu tư, là những tổ chức, cá nhân đã bảo kê cho sai phạm này. Còn khách hàng đã bỏ tiền ra mua theo giá thị trường chẳng lợi lộc gì.
"Chính vì thế, việc hợp pháp hóa các sai phạm đang khiến tình trạng vi phạm ngày càng nở rộ bởi nguồn lợi đến từ việc bán lúa non dự án cao hơn rất nhiều so với mức phạt. Do đó, cần siết chặt, nâng cao mức phạt đối với các công trình xây dựng không phép tránh tình trạng chủ đầu tư cố tình vi phạm để được hợp thức hóa dự án, gây ảnh hưởng đến quy hoạch và hoạt động kinh doanh bất động sản " - vị Luật sư cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Hưng Yên: Hơn 200 căn biệt thự “xây chui, bán trộm” như thế nào?
15:00, 13/04/2020
“Phạt cho tồn tại”: Chuyện xử lý trách nhiệm đang bị "bỏ quên"?
11:50, 01/07/2020
Sửa Luật Xây dựng: Tránh tình trạng phạt cho tồn tại
00:04, 24/05/2020
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà: Không cho phép phạt cho tồn tại
17:25, 18/09/2019