Huy động vàng trong dân: Không dễ!

LÊ MỸ thực hiện 22/04/2024 03:36

Với đặc thù của vàng có lúc là tiền tệ, lúc là hàng hóa, và cơ bản với nhiều gia đình là tài sản đo lường tích lũy, thì việc huy động vàng liệu có nên, cũng như có dễ dàng?

>>> Huy động vàng trong dân: Cần nghĩ thoáng và bền vững hơn

Trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng cao, các quan điểm về việc việc làm thế nào để huy động vàng trong dân, tạo nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội,  lại được đặt ra.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), Cố vấn Hội đồng Vàng Thế giới - trao đổi với DĐDN.

- Thị trường vàng trong nước đang chờ đợi hiệu ứng từ các biện pháp nhằm tăng cung vàng miếng của cơ quan quản lí. Ở góc độ của Hiệp hội và là một chuyên gia về vàng, ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Ngoài vấn đề đấu thầu vàng miếng SJC nhằm tăng cung vàng miếng mà NHNN đang triển khai, tôi cho rằng hai vấn đề cốt lõi cần tính toán và chắc chắn/ nên hướng đến là:

Thứ nhất, sửa Nghị định 24/2012/NQ-CP (Nghị định 24). Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong các công điện và NHNN cũng đang tiến hành. Chúng tôi (Hiệp hội) cũng đã có văn bản kiến nghị góp ý về sửa Nghị định 24.

Thứ hai, vấn đề về Sàn Giao dịch vàng quốc gia. Điều này phụ thuộc vào nội dung sửa Nghị định 24 như thế nào, cũng như chủ trương của Chính phủ và NHNN đối với mở cửa thị trường vàng. Hiện nay, Chính phủ và cơ quan chưa có ý kiến về vấn đề này. Do đó, chúng tôi cũng không thể góp ý kiến trước vì sẽ không sát với thực tế của thị trường nước ta.

- Với thực tế thị trường hiện nay, các nội dung góp ý cơ bản về Nghị định 24 có gì thay đổi hay không, thưa ông?

Trong phạm vi kiến nghị sửa đổi Nghị định 24, chúng tôi vẫn cho rằng một trong những sửa đổi quan trọng là có biện pháp tạo nguồn cung cho thị trường. Hiện NHNN đang thực hiện biện pháp đó bằng cách đấu thầu vàng miếng với một số lượng từ dự trữ vàng miếng nhằm tăng cung.

Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị cho phép nhập khẩu nguyên liệu cho một số doanh nghiệp nhập vàng miếng. Tuy nhiên, theo tôi được biết, NHNN đang cân nhắc có nên bỏ độc quyền vàng miếng hay không. Quan điểm của chúng tôi là thị trường sẽ đa dạng giá cả và bình ổn hơn, cạnh tranh theo cơ chế thị trường khi có nhiều doanh nghiệp tham gia. Tương tự như vậy, rất khó để có thể nói về câu chuyện huy động vàng nên hay chăng khi chưa có chủ trương.

>>> 16.800 lượng vàng miếng sẽ được đấu thầu chính thức ra

Điểm quan trọng nhất chúng tôi cho rằng cơ quan quản lý cần cho phép nhập khẩu nguyên liệu cho chế tác vàng trang sức, mỹ nghệ. Căn cứ trên nhu cầu chúng ta mà cho phép theo năm. Và như chúng tôi kiến nghị có thể thí điểm cho SJC, PNJ, DOJI nhập khẩu với mỗi doanh nghiệp khoảng 500 kg, tổng là 1,5 tấn vàng. Sau đó tiến tới cho phép nhiều doanh nghiệp khác cũng được nhập khẩu nguyên liệu chế tác vàng mỹ nghệ, vì thị trường có rất nhiều đơn vị khác nhau tham gia chế tác trang sức, mỹ nghệ cung ứng nội địa và xuất khẩu.

Chúng tôi cho rằng vàng không phải là mặt hàng chiến lược nên không nhất thiết độc quyền. Tuy nhiên, điều này vẫn phụ thuộc của nhà quản lý.

 Diễn biến giá vàng SJC - Đơn vị tính: Triệu đồng/ lượng. Nguồn: NLD

Diễn biến giá vàng SJC - Đơn vị tính: Triệu đồng/ lượng. Nguồn: NLD

- Theo kinh nghiệm của ông, chúng ta liệu có thể học tập mô hình hay kinh nghiệm quản lý từ thị trường nào có đặc thù gần với thị trường nước ta?
Nếu nói về quốc gia có đặc thù gần với kinh tế, thể chế, xã hội… Việt Nam, thì gần nhất là Trung Quốc. Trung Quốc có những điểm tương đồng với kinh tế Việt Nam dù họ là nền kinh tế thị trường phát triển hơn.

Trước năm 2002, Trung Quốc quản lý thị trường vàng rất chặt, NHTW Trung Quốc cung ứng vàng và đặt chốt giá giao dịch sáng chiều. Tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trên thị trường sẽ giao dịch theo giá NHTW đặt giá. Đến 2002, Trung Quốc có sửa đổi trong cơ chế quản lý thị trường, thành lập Sàn giao dịch vàng Thượng Hải do NHTW quản lý, các nhà điều hành sàn là từ NHTW mà ra. Thành viên giao dịch của Sàn là 4 NHTM lớn nhất. Đó cũng là nơi mà các doanh nghiệp giao dịch mua bán theo giá niêm yết đầu giờ sáng và đầu giờ trưa. 10 năm sau kể từ 2002, NHTW Trung Quốc lại mở cửa cho Sàn giao dịch vàng giao dịch trên quy mô quốc tế, với các đơn vị quốc tế. Theo đó, mặc dù NHTW vẫn theo dõi nhưng không quản lý chặt chẽ như trước đây nữa. Quản lý vàng theo cơ chế thị trường không chỉ có ở Trung Quốc mà nhiều quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng thực hiện, với việc xem vàng như hàng hóa (commodities).

Ngoài ra, trở lại sàn giao dịch vàng Trung Quốc, họ cũng triển khai cho các ngân hàng lớn nhất, có vốn quốc doanh, phát hành chứng chỉ vàng. Các chứng chỉ này được bảo hộ với Sàn giao dịch vàng quốc gia. Các thành viên giao dịch cũng được phân thành 2,3 cấp độ để giao dịch theo giá ấn định. Theo đó, người dân có thể tham gia giao dịch, mua bán trên vàng chứng chỉ. Chỉ khi cần nhu cầu rút vàng phục vụ chế tác, trao tay vật chất, mới thực sự giao dịch vàng vật chất.

- Vậy, liệu có nên, và có thể áp dụng huy động vàng trong dân, bằng chứng chỉ, thưa ông?

Vấn đề này phụ thuộc vào Chính phủ và NHNN chủ trương, quyết định. Theo tôi thì việc huy động được nguồn lực vàng trong dân, đạt được thì rất hay, nhưng nói thật là không dễ. Bởi điều đó lại phụ thuộc vào niềm tin của người dân để gửi vàng vật chất vào.

Những năm trước đây, NHNN cũng cho phép các tổ chức tín dụng huy động vàng, nhưng lại triển khai không như định hướng. Có những TCTD huy động vàng của dân xong đem bán gửi lãi tiết kiệm lấy chênh lệch, lỗ trạng thái... rủi ro rất lớn. Rủi ro này không chỉ cho TCTD làm như vậy, cho hệ thống ngân hàng mà cả thị trường vàng. Vì vậy, nếu có chủ trương và nhắm làm được, thì mô hình sàn giao dịch TW như Thượng Hải vẫn đảm bảo hơn.

- Theo ông, đâu là những kỳ vọng lớn nhất đối với việc sửa đổi, tăng cường các biện pháp quản lý phù hợp thị trường?

Thứ nhất, như tôi đề cập, tôi mong vàng mỹ nghệ chế tác và hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu cho vàng mỹ nghệ cần được xem là hàng hóa bình thường, do Bộ Công Thương quản lý.

Thứ hai, cơ quan quản lý là NHNN sẽ chỉ quản lý vàng miếng tiền tệ.

Thứ ba, các cơ quan quản lý chung tay để triệt tiêu hiện tượng nhập lậu vàng. Hiện tượng này hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế quốc gia. Việc quản lý, triệt tiêu không chỉ bằng các biện pháp hành chính mà được, mà cần sự can thiệp cung cầu phù hợp.

Cuối cùng, cũng như đề cập, tôi cho rằng việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng trong sửa đổi Nghị định 24, từ phía cơ quan quản lý, sẽ chưa diễn ra hay thậm chí là xa vời. Nhưng cơ quan quản lý cũng nên cho có lộ trình cho vấn đề này.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Đấu thầu vàng miếng và cân đo giải pháp nhập khẩu vàng

    Đấu thầu vàng miếng và cân đo giải pháp nhập khẩu vàng

    04:00, 18/04/2024

  • Thận trọng mục tiêu đấu thầu vàng miếng

    Thận trọng mục tiêu đấu thầu vàng miếng

    15:47, 17/04/2024

  • Ngân hàng Nhà nước tăng cường biện pháp quản lý thị trường vàng

    Ngân hàng Nhà nước tăng cường biện pháp quản lý thị trường vàng

    13:08, 16/04/2024

  • Có nên đầu tư vàng giữa lúc thị trường đang đầy biến động?

    Có nên đầu tư vàng giữa lúc thị trường đang đầy biến động?

    12:16, 16/04/2024

  • Coca-Cola Việt Nam “lọt” vào Top 10 giải thưởng Rồng Vàng 2024

    Coca-Cola Việt Nam “lọt” vào Top 10 giải thưởng Rồng Vàng 2024

    08:24, 16/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Huy động vàng trong dân: Không dễ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO