Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) tận dụng lợi thế từ cây trồng chủ lực

An Chi 23/06/2020 22:28

Những năm gần đây, đời sống nông dân huyện Cai Lậy ngày một khấm khá nhờ vào chủ trương chuyển đổi sản xuất từ cây lúa độc canh sang trồng sầu riêng chất lượng cao, giá trị kinh tế lớn.

 Ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao đổi với bà Đinh Thị Hạnh ấp 2, xã Cẩm Sơn.

Ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao đổi với bà Đinh Thị Hạnh ấp 2, xã Cẩm Sơn.

Ông Nguyễn Văn Bằng – Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết, địa phương nằm về phía nam quốc lộ 1, trong vùng quy hoạch phát triển kinh tế vườn cây ăn quả đặc sản. Tháng 8/2019, thông tin “sầu riêng” Cai Lậy được trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể là niềm vui chung của nông dân chuyên canh sầu riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Đây được xem là “giấy thông hành” để sản phẩm sầu riêng vương đến thị trường các nước trong khu vực và quốc tế.

Vui chung từ…. trái sầu riêng!

Theo ông Bùi Ngọc Ẩn – Chủ tịch Hội nông dân huyện Cai Lậy, thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất, Hội Nông dân huyện Cai Lậy đã phối hợp cùng các ngành hữu quan, trong các năm qua mở hàng trăm cuộc tập huấn, tuyên truyền khuyến nông, chuyển giao

kỹ thuật thâm canh sầu riêng thu hút hàng nghìn lượt bà con. Trong đó, huyện chú trọng các khâu như lên líp, mật độ trồng, chọn giống tốt, các giải pháp kỹ thuật thâm canh, xử lý cho trái rải vụ… nhằm giúp nông dân tổ chức sản xuất thành công, hình thành vùng trồng sầu riêng chuyên canh trên qui mô toàn huyện.

Nhờ có những nỗ lực của chính quyền địa phương, đưa nước ngọt về hỗ trợ nông dân, nhiều diện tích cây sầu riêng tại Huyện Cai Lậy đã được cứu kịp thời, giảm thiệt hại cho nhà vườn.

Chủ trương đúng được nông dân hưởng ứng tích cực trong đó có hộ gia đình ông Lê Văn Sơn, nhà ở ấp 1 xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy. Ông đã chuyển đổi khoảng 1ha đất trồng lúa sang trồng sầu riêng. Đất đai thích hợp với cây trồng mới, bên cạnh đó việc vận dụng kỹ thuật đúng và khoa học, vườn sầu riêng lớn nhanh, sau 4 năm bắt đầu cho trái. Mỗi năm, gia đình ông Sơn thu hàng tỷ đồng lợi nhuận từ cây sầu riêng. Từ chỗ cuộc sống khó khăn, quanh năm chạy vạy lo toan cơm áo, ông Sơn đã trở thành tỷ phú.

Hiện nay, khu vực xã chúng tôi phần đông nhà cửa bà con đều xây kiên cố, khang trang. Người dân giàu lên sau vài năm gắn bó với cây sầu riêng” – Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn Nguyễn Văn Út vui mừng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng ấp 4 cho hay, ấp có tổng diện tích canh tác trên 370 ha. Trước đây, vùng này địa hình bưng trũng, chủ yếu trồng lúa mỗi năm 1 vụ, năng suất bấp bênh, đại bộ phận nông dân nghèo khó. Nhiều hộ dân phải đi làm thuê, làm mướn nơi xa kiếm sống. Việc trồng sầu riêng đã thay đổi cuộc sống của bà con. Với năng suất sầu riêng đạt từ 20 - 30 tấn/ha, mỗi năm, trừ chi phí, nông dân lãi từ 200 - 300 triệu đồng/ha. Đến nay, toàn bộ diện tích đất canh tác của ấp 4 cơ bản chuyển sang trồng sầu riêng. Trong năm qua có nhiều nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, thu nhập cao từ cây trồng đặc sản như Huỳnh Văn On, Nguyễn Văn Cẩn, Đinh Thị Hạnh, Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Văn Hảo….

Hiện xã Cẩm Sơn có 4 ấp với gần 1.000 ha đất canh tác đã cơ bản trồng sầu riêng. Sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 20.000 tấn quả cung ứng cho thị trường trong ngoài nước. Theo ông Nguyễn Văn Mới, chính nhờ vào việc hình thành vùng trồng sầu riêng đã mở ra hướng phát triển kinh tế - xã hội vững chắc cho quê hương.

Quả ngọt từ sự đồng hành của chính quyền

Toàn huyện Cai Lậy hiện có khoảng 14.400 ha cây ăn trái, trong đó trên 10.450 ha sầu riêng. Thời gian qua, tình hình hạn mặn xâm nhập sâu và kéo dài, điều này ảnh hưởng đặc biệt tới cây sầu riêng do đây là loại cây mẫn cảm với độ mặn. Song, nhờ có những giải pháp phù hợp kịp thời, nhiều diện tích cây sầu riêng đã được cứu kịp thời, giảm thiệt hại cho nhà vườn.

Để cứu cây trồng nói chung và cây sầu riêng nói riêng, huyện Cai Lậy đã xây dựng phương án phòng, chống hạn, mặn phù hợp với tình hình từng xã theo phương châm 4 “tại chỗ”, thi công các công trình phòng, chống hạn, mặn cho vùng chuyên canh, với tổng kinh phí 7,68 tỷ đồng.

Đặc biệt, giữa tháng 3/2020, UBND tỉnh đã thực hiện phương án hỗ trợ nước ngọt cho người dân trồng sầu riêng. Đến nay, các xã đã tiến hành cấp khoảng 420 ngàn m3 cho trên 15.000 hộ dân, phục vụ tưới trên 8.000 ha vườn chuyên canh sầu riêng. Nhờ phương án phù hợp, nhiều diện tích sầu riêng được cứu sống kịp thời, người dân giảm thiệt hại.

Bà Đinh Thị Hạnh (ấp 2, xã Cẩm Sơn) chia sẻ, nhờ nguồn nước ngọt cung cấp kịp thời của chính quyền, 5 công trồng sầu của gia đình bà được “cứu sống” kịp thời. Bà Hạnh phấn khởi chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền cung cấp nguồn nước ngọt kịp thời mà vườn sầu riêng của gia đình tôi hết héo, rũ lá, cây cho trái bình thường”.

Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Đức Trương Văn Chinh cho biết, từ khi thực hiện phương án của UBND tỉnh, xã Hiệp Đức đã cấp trên 26.000 m3 nước ngọt cho người dân tưới sầu riêng, người dân rất đồng tình và phấn khởi, an tâm sản xuất trước sợ hỗ trợ kịp thời của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) tận dụng lợi thế từ cây trồng chủ lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO