Với 58,35 điểm, Chi Lăng đang là huyện đứng đầu khối địa phương về chỉ số DDCI - Lạng Sơn 2017.
Chi Lăng đã và đang đem đến cho doanh nghiệp, nhà đầu tư những góc nhìn thú vị trong sự phát triển kinh tế tại một địa phương cấp huyện.
Huyện Chi Lăng, tên gọi đã là một thương hiệu. Hơn thế, nhắc đến Chi Lăng là nhắc đến loại cây “trăm tỷ” na dai.
Làm giàu từ cây na
Na dai là loại cây được người Chi Lăng mệnh danh là “cây nông thôn mới” hay “cây làm giàu”, còn lãnh đạo huyện nhận định: việc xây dựng, phát triển thương hiệu na dai, xây dựng chỉ dẫn địa lý, doanh thu từ loại cây này sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa. Riêng vụ mùa 2017, loại cây ăn trái này đã đưa về cho người dân huyện Chi Lăng trên 400 tỷ đồng (gấp 4 lần so với năm 2014), tăng trưởng cao, giúp người dân làm giàu, đem đến sự “phấn khích” không nhỏ cho người dân Chi Lăng.
Làm giàu từ Na dai, người dân chung tay xây dựng hệ thống ròng rọc đưa na “hạ sơn”. Từ đỉnh núi, đỉnh đồi Chi Lăng, từng trái na qua hệ thống ròng rọc xuống đến chân núi trước khi ra tới chợ đầu mối phục vụ cho xuất khẩu, còn du khách thì hóm hỉnh gọi đây là “na đu dây”.
Vườn mẫu Na Chi Lăng.
Không chỉ có na, Chi Lăng là huyện có thế mạnh về cây ăn trái, chăn nuôi, kinh tế rừng… Chỉ tính riêng đàn trâu, bò, hiện nay huyện đã có trên 25 ngàn con, đàn lợn 34 ngàn con...
Phát huy những thế mạnh này, từ tháng 7/2016, BCH Đảng bộ huyện ra nghị quyết đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chưa đầy một năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, các xã, thị trấn trong huyện đã xác định được cây, con vật nuôi chủ lực, cùng với đó là việc tìm kiếm thị trường, bảo đảm đầu ra cho nông sản.
Tăng cường kỷ cương hành chính
Là huyện đứng đầu khối địa phương về chỉ số DDCI, thời gian qua Chi Lăng đã đẩy mạnh cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp. Năm 2017, Chi Lăng là huyện đầu tiên tổ chức thanh tra công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính nâng lên rõ rệt. Công tác cải cách hành chính đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương.
Đến nay, Chi Lăng đã có 47 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn huyện với tổng vốn điều lệ đạt khoảng 390 tỷ đồng. Sự đóng góp của các doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang góp sức đưa kinh tế - xã hội Chi Lăng phát triển. Trong đó, phải kể đến các đự án như: dự án lò đốt bằng không khí tự nhiên của công ty TNHH Xây dựng Thành Linh trị giá đầu tư gần 39,5 tỷ đồng; Khu chăn nuôi tập trung theo công nghệ an toàn sinh học của Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát với tổng mức đầu tư 430,83 tỷ đồng…
Chờ đón con đường nghìn tỷ
Có tiềm năng về kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, vật liệu xây dựng, hiện tại huyện Chi Lăng đang chuẩn bị đón con đường cao tốc trị giá hơn 12 ngàn tỷ đồng sắp chạy qua địa bàn huyện: Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Đường cao tốc sẽ nối liền Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn với Thủ đô Hà Nội. Đường cao tốc này dự kiến sẽ đấu nối với tuyến cao tốc Hữu Nghị Quan - Nam Ninh (thủ phủ tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc). Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn mở ra khả năng kết nối giao thương mạnh mẽ, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Chi Lăng.
Lãnh đạo huyện Chi Lăng nhận định: Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là con đường của thịnh vượng, con đường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của những công dân trẻ tuổi tại địa phương. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để doanh nghiệp thành công tại Chi Lăng. Chi Lăng hứa hẹn là vùng đất đầy sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.