Từ một huyện nghèo, thuần nông, hằng năm phải nhận viện trợ của Trung ương, nay đã vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển của tỉnh.
Sáng ngày 20/8, Huyện ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên tổ chức lễ kỷ niệm 420 năm Danh xưng Duy Xuyên (1604-2024). Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng nhằm ôn lại lịch sử hào hùng, truyền thống vẻ vang của đất và người Duy Xuyên, khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, khẳng định quyết tâm, khát vọng và ý chí vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp.
Trên hành trình khai lập của xứ Quảng, vùng đất Duy Xuyên đã tạo lập được các giá trị lịch sử, văn hoá với sự giao thoa tiếp biến của nền văn hóa Sa Huỳnh-Chăm pa- Đại Việt, đóng góp lớn vào tiến trình của lịch sử Quảng Nam và lịch sử dân tộc, trở thành vùng đất giàu các giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá, anh hùng cách mạng,... Địa phương có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như khu đền tháp Mỹ Sơn, kinh thành Trà Kiệu, khu lăng mộ các bà hoàng Chúa Nguyễn, lễ hội Bà Chiêm Sơn,... đã được bảo tồn và lưu giữ đến ngày nay.
Ông Phan Xuân Cảnh – Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên thông tin, từ một huyện bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, hố bom chồng lên hố bom, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn khắc phục, bộ mặt nông thôn đã từng bước thay da đổi thịt. Từ một huyện nghèo, thuần nông, hằng năm phải nhận viện trợ của Trung ương, nay đã vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển của tỉnh.
“Từ một nền kinh tế sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đến nay huyện đã có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng; dịch vụ - du lịch tăng dần và hướng đến mục tiêu kinh tế du lịch là ngành mũi nhọn. Bên cạnh phát triển nông nghiệp để chủ động về lương thực và góp phần giữ vững môi trường sinh thái, huyện đã chú trọng nâng dần chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP để phục vụ nhu cầu của thị trường”, ông Cảnh cho hay.
Cùng với ngành mũi nhọn, tổng sản lượng lương thực luôn duy trì ở mức trung bình mỗi năm hơn 50.000 tấn; Duy Xuyên đã tập trung khôi phục các nghề truyền thống, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất các ngành có thị trường tiêu thụ như may mặc, chế biến mây tre, thực phẩm đồ uống và các sản phẩm giày da… Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu lao động, huyện đã có nhiều chương trình, dự án kêu gọi đầu tư và hình thành nên các cụm công nghiệp ở cả khu tây-khu trung và khu đông.
Đến nay, lượng công nhân trên địa bàn huyện làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp với hơn 20.000 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện mỗi năm đạt gần 4.300 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm là 10,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,06% và không còn hộ ở nhà tạm.
Du lịch dịch vụ không ngừng tăng trưởng và dần thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương với Khu đền tháp Mỹ Sơn, khu phức hợp Hoiana Resort and Golf,… là điểm đến hấp dẫn, yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối liên vùng liên huyện, hẹ thống thủy lợi, điện, đường, trường, trạm,... gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, hiện đại.
Đặc biệt, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Đảng bộ đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo đến nay toàn huyện có 11/11 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 04 xã Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Phước và Duy Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 24 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; xã Duy Nghĩa, Duy Hải và Thị trấn Nam Phước đang phấn đấu xây dựng đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2025. Huyện được công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2020 và tiếp tục nỗ lực phấn đấu để trở thành huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
“Kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên hôm nay là dịp để mỗi người con Duy Xuyên tìm về cội nguồn, tôn vinh và lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng vẻ vang của đất và người Duy Xuyên. Đồng thời, tiếp thêm động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện viết tiếp trang sử hào hùng, tạo nên những kỳ tích của danh xưng Duy Xuyên trong giai đoạn mới”, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nhấn mạnh.
Theo ông Phan Xuân Cảnh, thời gian tới huyện Duy Xuyên sẽ tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng, thúc đẩy chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và đời sống, tiếp tục quan tâm, phát triển lĩnh vực văn hóa và nông nghiệp, nông dân, nông thôn,...
Chia sẽ tại Lễ kỷ niệm, ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, Duy Xuyên đã vươn lên đầy mạnh mẽ, từng bước trở thành vùng kinh tế quan trọng của tỉnh, thay đổi diện mạo kinh tế, văn hóa, xã hội, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Chủ tịch Quảng Nam đánh giá, hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, kết nối thông suốt với khu vực và cả nước, hệ thống lưới điện, viễn thông, cấp thoát nước, các khu dân cư, khu đô thị được từng bước hình thành,...
Định hướng trong thời gian tới, ông Dũng đề nghị huyện Duy Xuyên tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Duy Xuyên phải tranh thủ, tận dụng lợi thế riêng có của mình, tập trung huy động và sử dụng thật hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã xác định.
Chú trọng đặc biệt đến phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để thực hiện công tác xóa nhà tạm trên địa bàn huyện”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lưu ý.
Ngoài ra, ông Lê Văn Dũng cũng yêu cầu huyện Duy Xuyên tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế vốn có, nỗ lực xây dựng, khai phóng tiềm năng du lịch, đặc biệt là các điểm đến xanh, sản phẩm xanh để trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu. Trong đó, lấy Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hoiana làm trung tâm thu hút đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ tại vùng Tây và vùng Đông, tạo sức lan tỏa rộng khắp, kết hợp khai thác du lịch làng nghề truyền thống, tâm linh tại các vùng trên địa bàn huyện.
“Kịp thời hoàn thiện quy hoạch phát triển đô thị thị trấn Nam Phước, đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa… theo hướng hiện đại, gắn với phát triển kinh tế vùng; lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp với các ngành của tỉnh sớm hoàn chỉnh các quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đối với các địa phương khác để Duy Xuyên sớm trở thành thị xã vào năm 2030”, ông Lê Văn Dũng chỉ đạo.