Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Huyện Lục Ngạn có 265 doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng trên 4,8 ngàn lao động. Ngành nghề chủ yếu là may mặc, khai thác cát sỏi, sản xuất gạch, rèn, cơ khí, đồ mộc dân dụng, sản xuất mỳ, trồng cây ăn quả, chăn nuôi...
Vực dậy tiềm năng du lịch
Là một huyện miền núi rộng lớn cách thành phố Bắc Giang 40 km về phía Đông, Lục Ngạn có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, đến nay du lịch của huyện chưa phát triển được nhiều. Mặc dù người dân và du khách đến Lục Ngạn rất đông nhưng chủ yếu đến thăm vườn, thăm bạn bè, người quen… chứ chưa hình thành được tour du lịch.
Do đó, trên cơ sở điều kiện tự nhiên, tiềm năng và lợi thế của huyện, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung vào phát triển du lịch. Trong đó, đẩy mạnh xây dựng và phát triển Khu du lịch tâm linh chùa Am Vãi; khai thác một số hồ trên địa bàn huyện, như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần... Trong đó, hồ Khuôn Thần được tập đoàn FLC khảo sát đầu tư, lập xong quy hoạch chi tiết và chuẩn bị báo cáo cơ quan chức năng theo quy định.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, năm 2016 - 2017, UBND huyện đã tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên địa bàn huyện để kịp thời nắm bắt, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, huyện cũng quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nghiêm nhiệm vụ cải cách, giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh đều được công khai tại Bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn… “Huyện luôn có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của địa phương như vải thiều, cây có múi, mỳ chũ, mật ong…”, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.
Năm 2017, toàn huyện Lục Ngạn đã có 11/16 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 2.505 tỷ đồng, tăng 14% so với kế hoạch, tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 8.759 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 8,58%, độ che phủ rừng toàn huyện đạt 40,15%; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 3,3% xuống còn 14%, 29/30 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 96,63%; toàn huyện giải quyết việc làm mới cho 3.370 lao động… UBND huyện Lục Ngạn đề ra nhiệm vụ năm 2018 với 16 chỉ tiêu cơ bản: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11%, giá trị sản xuất/1ha đất canh tác nông nghiệp đạt 106,7 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 98%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11%, tạo việc làm mới cho trên 3.350 lao động… |