Từ rác thải sinh hoạt, người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) phân loại ngay tại nhà dùng chế phẩm sinh học biến thành phân hữu cơ phục vụ bón cây hoa màu góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Trong khi vấn nạn rác thải sinh hoạt luôn là bài toán khó đối với các vùng nông thôn, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong khâu xử lý rác thải thì tại huyện Nghi Xuân gánh nặng này đã được gỡ bỏ. Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 38 tấn rác thải phát sinh trên địa bàn huyện Nghi Xuân. Toàn huyện 2 điểm xử lý tập trung đóng tại xã Cương Gián và xã Xuân Thành, 15 đơn vị thu gom, tỷ lệ thu gom đạt trên 90%.
Có thể bạn quan tâm
14:23, 13/05/2019
11:36, 13/05/2019
11:32, 13/05/2019
Để giảm thiểu chi phí vận chuyển, giải quyết gánh nặng ô nhiễm môi trường, từ tháng 10/2017, huyện Nghi Xuân đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình phân loại rác thải ngay tại nguồn. Rác thải sau khi được phân loại, đối với những chất thải không phân hủy sẽ được thu gom về điểm xử lý tập trung, rác tái chế đem bán, còn rác thải phân hủy đươc sẽ xử lý thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Mô hình này bắt đầu được huyện Nghi Xuân triển khai quyết liệt từ đầu năm 2018 và trở thành thói quen trong mỗi gia đình tại địa phương này. Đến nay, việc phân loại rác thải sinh hoạt đã được người dân thực hiện tại 19 xã của huyện Nghi Xuân và hiệu quả thấy rõ khi 100% xã trên địa bàn đều đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Xã Xuân Viên được xem là một trong những đơn vị tiên phong và thực hiện tốt việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Bà Nguyễn Thị Hương (xã Xuân Viên) chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi vẫn có thói quen bỏ tất cả các loại rác vào một nơi rồi mang ra cho đội thu gom đưa đi xử lý. Sau khi được tuyên truyền về mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn, mỗi gia đình ở đây đều tự trang bị 3 thùng đựng rác. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, rác khó phân hủy và dễ phân hủy. Gia đình tôi đã thực hiện việc phân loại rác được gần 2 năm nay, vừa sạch nhà, sạch làng xóm lại đỡ tốn tiền mua phân hóa học”.
Cũng theo bà Hoa, rác thải phân hủy được sẽ dùng chế phẩm sinh học ủ để làm phân bón hữu cơ, rác tái chế có người đến mua, còn lại công nhân vệ sinh môi trường thu gom. Phân hữu cơ sẽ được trộn lẫn cùng phân chuồng để trồng cây trong vườn hoặc bón đồng ruộng.
Ông Nguyễn Khắc Phúc, Chủ tịch UBND xã Xuân Viên cho hay: “Rác được đưa vào sử dụng trong nguồn phân bón, đã giảm rõ nguồn chi phí vận chuyển rác đi xử lý, phần khác làm phân bón cho nông nghiệp tạo nhiều thuận lợi cho bà con nông dân. Cách làm này vừa giải quyết được vấn nạn nhức nhối về rác thải sinh hoạt bủa vây trên địa bàn, vừa giảm được chi phí vận chuyển rác thải sinh hoạt, quan trọng hơn nó giảm thiểu được rác thải hữu cơ trong giải quyết ô nhiễm môi trường”.
Để thực hiện mô hình hiệu quả, huyện Nghi Xuân đã cung cấp cho các xã gần 200 xe thu gom rác và 120 thùng rác trang trí đặt tại trường mầm non và nơi công cộng, hỗ trợ 180 thùng để người dân ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình.
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Nghi Xuân cho biết: “Huyện đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hỗ trợ chế phẩm sinh học cho các nông hộ ứng dụng xử lý chất thải hữu cơ làm phân bón. Bên cạnh lợi ích kinh tế thì việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn còn mang lại nhiều lợi ích như khắc phục vấn đề ô nhiễm, làm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, như hạn chế mùi hôi, nước rỉ rác, giảm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước ngầm, nước mặt. Đồng thời mang lại nguồn lợi từ nguồn phân bón vi sinh để cải tạo đất nông nghiệp phục vụ sản xuất. Đây được xem là mô hình mang lại hiệu quả “kép” cho người dân và xã hội”.