IMP “hẹp lối” trước hội nhập

Lê Mỹ 20/02/2020 16:25

Là một trong hai doanh nghiệp đầu tiên sở hữu 3 nhà máy theo tiêu chuẩn EU-GMP, song CTCP Dược phẩm Emexpharm có thể bị giảm lợi thế kinh doanh, đặc biệt trên thị trường ETC khi EVFTA có hiệu lực.

Trên thị trường chứng khoán, IMP thuộc nhóm doanh nghiệp top đầu về giá trị vốn hóa và doanh thu, xét theo số liệu cuối năm 2019.

p/Doanh thu ngành dược Việt Nam

Doanh thu ngành dược Việt Nam

Khối ngoại tranh thủ “chốt sổ”

Thị giá cổ phiếu IMP cũng được nhà đầu tư định giá cao, với diễn biến giá cổ phiếu lập vùng đỉnh 60.000đ/cp từ năm 2017, và lình xình dưới đỉnh kéo dài trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Trung tuần tháng 2/2020, IMP đã có báo cáo về thay đổi sở hữu của nhà đầu tư/cổ đông lớn nước ngoài. Theo đó, nhóm nhà đầu tư thuộc VinaCapital (VOF và Vietnam Ventures) vừa bán bớt 306.000 đơn vị cổ phiếu IMP, giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,02% xuống còn 5,41%. Nếu tính cả nhóm cổ phiếu của người có liên quan, VinaCapital vẫn đang nắm tổng cộng 5,71% IMP và là nhóm cổ đông lớn.

162
tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế năm 2019 của IMP, tăng 17,5% so với lợi nhuận thực hiện trong năm 2018.

Tại IMP, danh sách cổ đông là nhà đầu tư tổ chức ngoại, các nhóm quỹ đang nắm từ 1,02% cổ phần trở lên khá đông. Trong đó, cổ đông tổ chức ngoại sở hữu lớn nhất thuộc về KWE Beteilgungen AG- quỹ đầu tư Thụy Sỹ, nắm xấp xỉ 15%. Room ngoại 49% tại IMP cũng đã gần như kín. Động thái nhả bớt cổ phiếu của nhóm VinaCapital theo đó, được cho là một giao dịch hiện thực hóa lợi nhuận phù hợp thời điểm. Nhưng với giới phân tích, đó cũng có thể là một cú “nhả hàng” chốt sổ những thay đổi mới của khối đầu tư ngoại, trước tác động của Hiệp định EVFTA và EVIPA, đang có nhiều quy định có thể dẫn đến những áp lực dài hạn cho IMP nói riêng và nhiều doanh nghiệp ngành dược nói chung.

Sức ép hội nhập

Theo SSI, tính đến ngày 30/11/2019 số lượng dây chuyền sản xuất hay nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP/Nhật Bản-GMP hoặc PIC/s đạt 19 trong số 203 nhà máy dược phẩm, thuộc hơn 170 công ty sản xuất dược trong nước và các công ty đa quốc gia. Theo quy định tại Thông tư 15/2019/TT-BYT, các loại thuốc được sản xuất từ các dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn cao này có thể tham gia đấu thầu Nhóm 2 để cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế công lập. Trong số các công ty niêm yết, IMP và PME là những công ty đã đạt chứng nhận EU-GMP cho 2 dây chuyền sản xuất, trong khi DHG có chứng nhận cho cả 2 tiêu chuẩn PIC/s và Japan-GMP. Một vài loại thuốc trong nước có thể được tham gia Nhóm thầu số 1 nhờ có giấy phép phân phối vào thị trường EU. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu dược của Việt Nam vào khu vực EU thực tế vẫn rất thấp.

Việc loại bỏ thuế quan theo Hiệp định EVFTA, được đánh giá không mang lại lợi thế nào cho doanh nghiệp dược Việt Nam kể cả gia công cho EU, vì thuế MFN hiện hành mà EU đang áp dụng với dược phẩm, dược liệu nhập khẩu từ tất cả các nước vào EU đã là 0%. Cùng với các tiêu chuẩn minh bạch về quy trình đấu thầu công và mở cửa cho các doanh nghiệp EU được tham gia vào các gói thầu công của Việt Nam theo EVFTA, ngành dược Việt Nam tiếp tục đứng trước sức ép khi dược phẩm EU sẽ vào Việt Nam dễ dàng hơn. ETC – kênh nhà thuốc bệnh viện được kỳ vọng sẽ mang sự thay đổi lớn cho IMP, sẽ chịu áp lực nhất.

Rủi ro bị thâu tóm

IMP hiện có 90% dược phẩm, dược liệu đầu vào cho nhà máy chuẩn EU-GMP được nhập từ EU và 1 phần từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc nguyên liệu vào 1 thị trường đang đóng cửa và 1 thị trường khu vực có “đại bản doanh” của các đối thủ cạnh tranh trực tiếp là rủi ro thứ nhất của IMP. Kế đến là bài toán rủi ro tỷ giá cho chính IMP trong bất kỳ thời điểm nào – cũng là rủi ro chung của các doanh nghiệp nội địa trong ngành.

Ngoài ra, trong cuộc chiến cạnh tranh ở thị trường không dành cho những nhà sản xuất chất lượng thấp, IMP còn canh cánh nỗi lo: Cơ cấu cổ đông loãng của doanh nghiệp (nhóm cổ đông Nhà nước và nội bộ chỉ nắm khoảng 27% cổ phần tại đây, chưa đủ tỷ lệ cổ phần có quyền phủ quyết, trong khi khối ngoại kín room như nêu trên). Việc không có cổ đông tập trung đủ quyền chi phối, có thể khiến IMP luôn có thể rơi vào nguy cơ trở thành một đích nhắm thâu tóm của bất kỳ đại gia dược nào có tiềm lực, đến từ khu vực EU hoặc trở thành một nhà gia công lớn, cho doanh nghiệp EU để phục vụ người dùng Việt Nam ngay trên chính sân nhà.

Vụ thâu tóm Dược Hậu Giang, doanh nghiệp lớn nhất ngành của “tay chơi” Taisho Nhật Bản, luôn là một bài học sống cho mọi doanh nghiệp như IMP.

Áp lực cạnh tranh từ bên ngoài

Theo tính toán của MUTRAP và Trung tâm WTO của VCCI về tác động của EVFTA với ngành Dược (trước khi Hiệp định này chính thức được ký kết), EU là thị trường nhập khẩu dược phẩm, dược liệu lớn nhất của Việt Nam.

Hiện tại EU vẫn là thị trường chi phối dược liệu, dược phẩm Việt Nam, chiếm tỷ trọng hơn 55% trong 3 tỷ USD nhập khẩu. Riêng ở kênh bệnh viện, các loại thuốc nhập khẩu chiếm hơn 71,5% sản lượng phân phối, trong khi thuốc nội địa chỉ chiếm 28,5%.

Ngược lại, Việt Nam xuất khẩu thuốc ra các thị trường khác tỷ trọng thấp, và không có nhiều giá trị kim ngạch thu về từ khu vực EU.

Khác với nỗ lực của các nhà quản lý về việc thúc đẩy thuốc nội địa thay thế thuốc nhập khẩu, nhìn trên toàn thị trường ở cả ETC và OTC (kênh phân phối ra thị trường), EVFTA và các FTAs khác nếu có tác động tới ngành dược, sẽ là tác động phù hợp với nhu cầu và khả năng chi tiêu của người dùng ngày càng gia tăng. Theo đó, “miếng bánh” 6,5 tỷ USD trong dự báo của Fitch Solutions có thể sẽ còn phình to hơn. Kèm theo đó là sự xuất hiện của nhiều “tay chơi” đến từ mọi quốc gia, đặc biệt từ khu vực EU, nơi chuẩn mực Y tế được đánh giá cao và khắt khe nhất. Điều này sẽ gây sức ép cho các doanh nghiệp nội.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
IMP “hẹp lối” trước hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO