Lịch sử xe hơi "Made in Vietnam" - từ thuở còn chiến tranh cho đến thời của VinFast

Diendandoanhnghiep.vn Giấc mơ ô tô "Made in Vietnam" đúng nghĩa chưa bao giờ gần hơn thế khi thương hiệu ô tô Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang có những bước tiến thần tốc.

Thời gian gần đây tin tức truyền thông trong nước đang nóng lên khi dự án sản xuất ô tô VinFast của tập đoàn Vingroup đã bắt đầu đưa ra những hình ảnh đầu tiên về hai mẫu xe "Made in Vietnam" mà họ sản xuất. Tuy nhiên chắc hẳn rằng nhiều người không biết là những chiếc xe hơi đầu tiên được sản xuất bởi người Việt đã ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ. Hãy cùng Banxehoi.com khám phá toàn bộ chặng đường phát triển sản xuất ô tô của người Việt Nam.

Lược sử xe hơi

Lịch sử sản xuất xe hơi trong nước

Dấu mốc đầu tiên

Chiếc ô tô đầu tiên do chính bàn tay người Việt Nam thiết kế và chế tạo có tên là Chiến Thắng và lần đầu tiên xuất hiện tại miền Bắc từ năm 1958.

Sau chiến thắng chấn động địa cầu ở Điện Biên Phủ, miền Bắc nước ta bước vào những năm đầu lập lại hòa bình và bước vào quá trình xây dựng đất nước cũng như chi viện cho miền Nam. Đứng trước tình hình nhu cầu giao thông vận tải tăng cao khiến các cán bộ ngành xe, máy quân đội trăn trở: "Tại sao các nước khác sản xuất được ô tô mà nước ta không làm được?"

Và thế là năm 1958, nhà máy Chiến Thắng quyết định sản xuất ô tô nhỏ theo cách của ta. Người nhận nhiệm vụ đó là Đại tá, kỹ sư Hồ Mạnh Khang, người lúc bấy giờ đang là giám đốc nhà máy Z157 và ông Vũ Văn Đôn - Cục trưởng cục quản lý xe, máy lúc đó trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo.

Nhà máy ô tô Chiến Thắng thời ấy tập trung những tay thợ tài hoa về cơ khí nhưng vì điều kiện sản xuất khó khăn nên kế hoạch mà ban chỉ đạo đưa ra là chọn một mẫu ô tô nào đó rồi tháo ra và làm theo mẫu đó và kết hợp giữa làm bằng máy và bằng tay.

Lược sử xe hơi

Chiếc ô tô Chiến Thắng đầu tiên do chính tay người Việt chế tạo

Đội ngũ sản xuất của nhà máy Chiến Thắng đã phát huy truyền thống vượt khó của người Việt Nam khi bị rơi vào tình thế khó khăn nhất. Chiếc xe mà ban chỉ huy lựa chọn khi ấy là chiếc Fregate chạy bằng xăng của Pháp. Các bộ phận như thân máy, băm xăng, bơm dầu, chế hòa khí ... được những người thợ Chiến Thắng tự mày mò tìm mẫu, tạo khuôn và sau đó đúc bằng gang rồi mới đưa lên cắt gọt, gia công cơ khí. Giai đoạn đầu có những chi tiết phải đúc đi đúc lại nhiều lần mới thành công.

Nguyên liệu đầu vào chủ yếu được lấy từ đống phế liệu của chiến tranh rồi đem "nấu chảy" đúc lại. Có những chi tiết cả tổ phải đánh vật, lăn lộn làm cả ngày lẫn đêm cả mấy tuần trời mới hoàn thành. Mặc dù cố gắng hết khả năng có thể nhưng vẫn có một số chi tiết không thể làm được và phải lắp đồ của nước ngoài như dây điện, đồng hồ chỉ thị, bóng điện, hệ thống kính, săm lốp và vòng bi. 

Người đã giúp đỡ nhà máy về tạo dáng và màu sắc đó là họa sĩ Diệp Minh Châu. Ông còn tự bỏ tiền ra mua ngà voi làm núm còi cho xe, và khắc lên đó hình tượng biểu trưng cho Việt Nam là chùa một cột. Họa sĩ châu còn làm một tượng nhỏ người chiến sĩ cầm cờ bằng thạch cao để nhà máy đúc đồng gắn lên nắp capo.

Lược sử xe hơi

Bác Hồ bên cạnh chiếc ô tô 4 chỗ ngồi đầu tiên do người Việt Nam sản xuất

Sau sự nỗ lực không biết mệt mỏi ngày đêm của gần 500 con người thì dấu mốc lịch sử cũng đến. Đúng ngày 21/12/1958 chiếc ô tô 4 chỗ đầu tiên do người Việt Nam sản xuất chính thức rời xưởng.

Thương hiệu La Dalat và ký ức trong người Sài Gòn xưa

Bắt đầu từ năm 1936 thì hãng xe của Pháp Citroën đã thiết lập xưởng sản xuất đầu tiên ở Đông Dương và đặt trụ sở tại góc đường Lê Thánh Tông - Nguyễn Huệ (Sài Gòn). Về sau được lấy tên là "Sài Gòn Xe Hơi Công Ty".

Lược sử xe hơi

Nơi ra đời của thương hiệu xe hơi La Dalat ở Sài Gòn thế kỷ trước

Những năm sau thế chiến thứ hai, để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người Pháp đương thời thì hãng Citroën đã tung ra thị trường những mẫu xe như 2CV, Citroën Dyane 6 và Méhari lần lượt vào cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60. 

Vào những năm giữa của thập niên 60, trước sức ép cạnh tranh từ các thương hiệu xe Nhật như Toyota, Mazda, Mitsubishi, Nissan ... Citroën quyết định tung ra thị trường mẫu xe của người Việt, thực dụng và rẻ tiền mà các công ty Nhật Bản không thể cạnh tranh được. Mẫu xe này được lấy tên là La Dalat. 

Lược sử xe hơi

Hình ảnh được ghi lại từ những thập niên 60 của thế kỷ trước

Năm 1969, các kỹ sư Citroën ở Sài Gòn đã bắt tay vào sản xuất chiếc xe La Dalat được cải tiến từ chiếc xe Citroën Méhari, thực hiện trực tiếp ngay tại Việt Nam. Xe La Dalat thời đấy được đánh giá là không quá sang trọng nhưng chất lượng và giá thành "ăn đứt" tất cả các loại xe của Nhật.

Lược sử xe hơi

Chiếc xe La Dalat thời bấy giờ

Mẫu xe La Dalat ra đời với 4 kiểu dáng khác nhau và có phần máy, hệ thống tay lái, "bộ nhún", phanh ... được nhập khẩu từ Pháp. Trong khi các bộ phận khác như đèn, ghế nệm, khung, vỏ, mui xe ... được thiết kế và sản xuất ngay tại Sài Gòn. Xe La Dalat được cải tiến để có thể sản xuất hàng loạt mà không cần đến máy ép theo công nghệp hạng nặng như các mẫu xe khác của Citroën.

Lúc chính thức tung ra thị trường vào năm 1970, tỷ lệ của những phần nhập từ Pháp so với những bộ phận được sản xuất nội địa là 25/75. 4 kiểu xe La Dalat có hai loại chính là 4 chỗ ngồi hoặc 2 chỗ ngồi với thùng chở hàng.

Lược sử xe hơi

Một chiếc xe La Dalat được sản xuất từ những năm 70 của thế kỷ trước

Theo thống kê ước tính từ năm 1970 đến 1975, công ty xe hơi Sài Gòn sản xuất hơn 5000 chiếc xe La Dalat, tức là trung bình hơn 1000 chiếc mỗi năm. Theo thiết kế thì chiếc xe La Dalat sử dụng động cơ 4 kì, 2 xy lanh và dung tích 602 phân khối, hộp số tay 4 cấp, dẫn động cầu trước. Kích thước của xe có chiều dài 3,5m; rộng 1,53m; cao 1,54m; nặng khoảng từ 480-590kg tùy theo kiểu. 

Lược sử xe hơi

Khoang động cơ một chiếc xe La Dalat

La Dalat được đánh giá là chiếc xe ít tốn xăng, dễ sửa chữa, thay thế các bộ phận và đặc biệt nhiều bộ phận có thể tự chế. 

Tiền thân là gốc Pháp nhưng La Dalat đã để lại ấn tượng không hề nhỏ mang tên Việt Nam. Ngạc nhiên với thành công đáng ngờ của Công ty xe hơi Sài Gòn, Citroën đã mang 3 chiếc La Dalat về Pháp để phân tích thiết kế, từ đó Citroën cho ra đời kiểu khung xe dễ sản xuất mà không đòi hỏi nhiều công nghệ như các mẫu xe trước đó của họ.

Lược sử xe hơi

Một chiếc xe La Dalat đang được sử dụng ở miền Nam 

Hiện tại vẫn còn một số chiếc xe La Dalat lăn bánh ở miền Nam nước ta và đặc biệt là có một chiếc La Dalat đang được trưng bày ở bảo tàng ô tô của Bỉ.

Liên doanh lắp ráp ô tô đầu tiên - Mekong Auto

Năm 1991 Mekong Auto ra đời, công ty với sự hợp tác liên doanh giữa 3 nước: Hàn Quốc (19%), Việt Nam (30%) và Nhật Bản (51%). 

Với sự hỗ trợ từ công nghệ và kỹ thuật từ hai đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản thì ngay từ năm 1992 Mekong Auto đã cho ra đời mẫu xe đầu tiên hai cầu (4-wheel-drive – 4WD). Mẫu xe này mang nhãn hiệu Mekong Star, với máy móc được sản xuất tại nhà máy Cửu Long tại thành phố Hồ Chí Minh do công ty Ssangyong (Hàn Quốc) cung cấp. 

Năm 1993, Mekong Star đã được xuất sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và phần nào khẳng định thương hiệu trên thị trường châu Á. 

Lược sử xe hơi

Mekong Star xuất xưởng sang các thị trường nước ngoài

Tính đến năm 1997, sau 6 năm thì Mekong Auto đã bán ra khoảng hơn 30.000 chiếc xe. Tuy nhiên đến năm đó Mekong Auto bỏ xe mang thương hiệu Mekong để chuyển sang lắp ráp kiểu xe mới Musso, vì nguồn cung cấp linh kiện là Ssangyong Motor không còn sản xuất mẫu xe đó nữa. Kể từ đó tên tuổi của Mekong mờ nhạt dần trên thị trường. 

Về sau Mekong chuyển sang lắp ráp các mẫu xe mang thương hiệu Musso, Fiat ... nhưng không đạt được thành công. 

Trường Hải và Vinaxuki ra đời - "kẻ khóc, người cười" sau ngần ấy năm

Vào năm 2004 thì hai công ty là: Ô tô Trường Hải và ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cùng được cấp phép sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. 

Giai đoạn đầu thì cả hai công ty trên đều liên doanh lắp ráp các sản phẩm ô tô thương mại như xe tải của các thương hiệu lớn nước ngoài. Và đã từng có thời Vinaxuki là đối thủ cạnh tranh đáng kể với Trường Hải.

Với giấc mơ ô tô "Made in Vietnam" và tâm huyết đối với ngành ô tô thì ông Bùi Ngọc Huyên (ông chủ của Vinaxuki) đã cho ra đời thương hiệu ô tô con Vinaxuki với tham vọng sản xuất ô tô của người Việt. Tuy nhiên các sản phẩm của Vinaxuki được cho là chất lượng thấp và kém an toàn nên không được người dùng đón nhận, mặc dù giá thành rất rẻ so với các thương hiệu ngoại cùng thời.

Lược sử xe hơi

Ông Bùi Ngọc Huyên và chiếc xe con mang thương hiệu Vinaxuki

Đến những năm 2012, sau nhiều năm hoạt động không thành công thì Vinaxuki gặp nhiều khó khăn, ông Bùi Ngọc Huyên lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và phải đóng cửa công ty. "Giấc mộng ô tô Việt Nam" của người đàn ông đầy tâm huyết này cũng tiêu tan.

Còn về phía Trường Hải, công ty ô tô của ông Trần Bá Dương sau cả chục năm trời họ vẫn trung thành với mảng kinh doanh chính là liên doanh lắp ráp và phân phối ô tô của các thương hiệu lớn như Mazda, Kia, Peugeot ... tại Việt Nam. Không những thế họ không ngừng mở rộng sản phẩm từ xe tải, xe con, cho đến xe khách ... Không ngừng lớn mạnh và gia tăng thị phần nhanh chóng trên thị trường Việt Nam. Sau nhiều năm phát triển công ty đã xây dựng một khu liên hợp sản xuất ô tô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay tại Chu Lai - Quảng Nam.

Lược sử xe hơi

Các thương hiệu mà Trường Hải (Thaco) đang sản xuất và phân phối tại Việt Nam

Khác biệt hoàn toàn với sự "chết yểu" của Vinaxuki thì đến năm 2016 Trường Hải vươn lên đứng số một ở thị phần ô tô Việt Nam. Theo doanh số năm 2017, Thaco đã bán ra 89.602 xe ô tô các loại trên tổng số 272.750 xe của toàn thị trường Việt Nam và tiếp tục ngự trị vững vàng ở vị trí số một với 35,8% thị phần. Cùng với sự thống ngự của đế chế Trường Hải (Thaco) ở Việt Nam thì trong công bố mới nhất của tạp chí Forbes vào đầu năm 2018 ông Trần Bá Dương chính thức lọt top tỷ phú đô la khi sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 1,8 tỷ đô la. Khởi điểm cùng thời nhưng sau ngần ấy năm thì Vinaxuki và Trường Hải, người ở trên đỉnh thành công và kẻ ở dưới đáy vực.

Lược sử xe hơi

Ông Trần Bá Dương được mệnh danh là "vua ô tô Việt Nam"

  • "Vua ô tô Việt Nam" - hành trình từ thợ sửa chữa ô tô đến tỷ phú đô la của Việt Nam

VinFast ra đời và giấc mơ ô tô "Made in Vietnam" đúng nghĩa chưa bao giờ gần đến thế

Ngày 2/9/2017, nhiều người – thậm chí ngay cả giới đầu tư trong và ngoài nước “giật mình” khi tập đoàn Vingroup khởi công dự án xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng.

Lược sử xe hơi

Lễ khởi công dự án sản xuất ô tô VinFast ngày 2/9/2017 tại Hải Phòng

Ngay sau lễ khởi công là một loạt các sự kiện kí kết hợp tác giữa VinFast với các tập đoàn hàng đầu thế giới như BMW, Magna Steyr, AVL, EDAG, Pininfarina, ItalDesign, Bosch, Siemens… Cùng với đó là sự hội tụ của các "chiến tướng" nổi danh về với dự án ô tô của người Việt như ông Võ Quan Huệ (Cựu CEO của Bosch Việt Nam). Ông Huệ có kinh nghiệm 24 năm làm việc cho tập đoàn BMW và nhiều năm giữ chức vụ điều hành của Bosch Việt Nam. Và đặc biệt là sự xuất hiện của ông James B.DeLuca (cựu Phó Chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu General Motors), người có 37 năm kinh nghiệm làm việc cấp cao tại GM (Một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới). 

Với tiềm lực mạnh mẽ của tập đoàn Vingroup thì dự án VinFast đã có những bước đi hết sức "thần tốc" kể từ ngày chính thức khởi công. Vào những ngày cuối tháng 6 vừa qua thì VinFast đã chính thức ký hợp đồng hợp tác chiến lược với General Motors (GM). Qua đó tiếp nhận toàn bộ hệ thống đại lý ủy quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet để trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu Chevrolet tại Việt Nam. Đây có thể nói là bước mở đường và xây dựng kênh phân phối cho đầu ra của các sản phẩm ô tô của VinFast. 

Mới đây vào đầu tháng 9/2018 thì những hình ảnh đầu tiên về hai mẫu xe của VinFast (1 sedan và 1 SUV) đã được hé lộ. Khiến cho báo chí Việt Nam cũng như thế giới "sửng sốt" với thiết kế hết sức đẹp mắt, sang trọng và hiện đại. Đặc biệt là logo hình chữ "V" ở đầu xe khiến cho người Việt không khỏi tự hào. 

Lược sử xe hơi Lược sử xe hơi

Hình ảnh công bố về hai mẫu xe của VinFast 

Hai mẫu xe này sẽ có mặt tại triển lãm Paris Motorshow vào tháng 10/2018 tới đây. Đằng sau đó thì công tác xây dựng tổ hợp sản xuất Vinfast đang được tiến hành không ngừng nghỉ ngày, đêm và đạt được tiến độ có thể nói là chưa từng thấy. Những công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới được đưa về để sản xuất ra những chiếc xe hơi đạt chuẩn quốc tế.

Lược sử xe hơi

Hình ảnh mới nhất về khu nhà điều hành của VinFast 

Với "tâm và tầm" của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng như tâm huyết của cả đội ngũ Vinfast và những thành quả mà chúng ta được chứng kiến sau khoảng một năm bắt đầu khởi công dự án thì có thể nói rằng giấc mơ ô tô "Made in Vietnam" đang tới gần hơn bao giờ hết. Cả dân tộc đang cùng hy vọng cho một tương lai thật sự thành công của thương hiệu ô tô của người Việt - VinFast.

Lược sử xe hơi

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng và tâm huyết với dự án VinFast 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Lịch sử xe hơi "Made in Vietnam" - từ thuở còn chiến tranh cho đến thời của VinFast tại chuyên mục Xe - Công nghệ của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713531253 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713531253 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10