Tuần trước, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu chứng kiến cú bứt phá ngoạn mục của Tesla - hãng xe điện đầu tiên trong lịch sử loài người gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ USD vốn hóa, kèm theo đó tài sản CEO Elon Musk cũng vượt trần mọi thời đại sau đơn hàng 100.000 chiếc trị giá 4,2 tỷ USD từ Hertz, công ty cho thuê xe khổng lồ.

Cú lên ngôi của xe điện, sử dụng năng lượng tái tạo là chỉ dấu quan trọng báo hiệu thời khắc chuyển giao phương thức sử dụng năng lượng đã điểm. Và đồng thời “cái chết” của động cơ đốt trong - sử dụng nhiên liệu hóa thạch chính thức bắt đầu.

COP26 là thuật ngữ có vẻ xa lạ với hầu hết, nó được kỳ vọng là cứu cánh cho cuộc sống của hành tinh xanh, chính là Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu họp thường niên mà Thỏa thuận chung Paris là bước ngoặt.

Đặt ngày chấm dứt việc sử dụng than; giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C; gia tăng doanh số các loại ôtô không phát thải và “Net zero” vào giữa thế kỷ này,… là những mục tiêu hàng đầu của COP26. Những tính toán này đặt nền năng lượng toàn cầu hiện nay bên bờ vực sụp đổ, nhưng là sự sụp đổ có tương lai.

Người ta bàn rất nhiều đến tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc, có thể xem đây là cuộc khủng hoảng nằm trong tính toán. Chữ ký của Bắc Kinh trong Thỏa thuận Paris buộc nước này loại bỏ nhiệt điện than, nơi cung cấp 75% điện năng cho nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu. Ấn Độ cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Trung Quốc không hề thiếu than để vận hành nhiệt điện, nếu cần thiết hàng nghìn nhà máy thủy điện vẫn có thể sản xuất. Người Trung Quốc có thể bất chấp môi trường để xây đập Tam Hiệp, Bạch Hạc Than, cày xới vùng lãnh thổ phía Tây tìm khoáng sản phục vụ chạy đua tăng trưởng, thì phát thải có gì đáng sợ? Đằng sau đây là cả câu chuyện “địa chính trị” vô cùng phức tạp.

Vùng Tây Nam Trung Quốc thời gian gần đây thường xuyên thấy cảnh hàng nghìn chiếc xe tải nối đuôi nhau nằm chờ bơm dầu diesel. Việc bán dầu diesel theo hình thức luân phiên diễn ra tại thời điểm nền kinh tế thứ hai thế giới đang phải vật lộn với khủng hoảng điện khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rệu rã.

Châu Âu chuẩn bị bước vào “mùa đông đắt đỏ” vì giá khí đốt leo thang. Hợp đồng giao vào tháng 11/2021 đã tăng 23% lên 117 euro/MWh, so với chỉ 15 euro cách đây 6 tháng. Với đợt tăng giá mới nhất này, khí đốt tự nhiên hiện đang giao dịch ở mức tương đương hơn 200 USD/thùng dầu.

“Lục địa già” hiện đang phải tranh giành để tìm kiếm nguồn than và khí đốt cho các nhà máy phát điện truyền thống của mình, trong bối cạnh mùa đông đang đến gần mà lượng nhiên liệu dự trữ còn rất thấp. Nước Anh ở trạng thái “trầm trọng” nhiều công ty xăng dầu suy sụp, giá khí đốt, dầu diesel, xăng nhảy múa chóng mặt, người tiêu dùng hoảng sợ.

Tại châu Á, giá khí đốt hóa lỏng giao ngay ở mức tương đương 200 USD/thùng, tăng gấp 5 lần so với một năm trước. Trong khi đó, khí đốt tự nhiên tại Mỹ vẫn quanh quẩn ở mức khoảng 35 USD/thùng! Thị trường năng lượng đang xảy ra chuyện gì vậy? Vì sao có hiện tượng lạ lùng này? Bàn tay nào thao túng phía sau?

Trong tác phẩm kinh điển “Kinh tế chính trị” K. Marx rút ra kết luận: “Với một lợi nhuận thích đáng nhà tư bản trở nên can đảm. Được đảm bảo 10% lợi nhuận thì người ta dùng tư bản vào đâu cũng được; được 20% thì nó hoạt bát hẳn lên; được 50% thì nó trở nên táo tạo; được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người; được 300% thì không còn tội ác nào nó không phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ”.

Nếu muốn, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt như Nga, OPEC vẫn có thể nới lỏng van để kiếm thêm thu nhập. Hàng chục năm nay Trung Quốc, Mỹ, châu Âu vẫn dùng năng lượng hóa thạch để phục vụ nền kinh tế. Có phải các nước này đã hy sinh lợi ích quốc gia vì cam kết chống biến đổi khí hậu?

Biểu đồ giá của hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên.

Biểu đồ giá của hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên.

Lượng dầu dưới lòng đất còn đủ sử dụng thêm ít nhất 50 năm tới. Nó sẽ được dùng vào việc gì nếu Thỏa thuận Paris thắt chặt phát thải? Thực ra, dầu mỏ, năng lượng hóa thạch và khí nhà kính vẫn chưa là gì so với súng đạn, vũ khí giết người hàng loạt và các cuộc chiến tranh phi nghĩa, mối đe dọa phi truyền thống do các cường quốc gây ra mà không thể dọn dẹp hậu họa.

Chẳng có cuộc khủng hoảng năng lượng nào từ trên trời rơi xuống, cái gọi là khủng hoảng không phải vì thiếu hụt, cạn kiệt mà vì những toan tính “địa chính trị”, trong đó dầu mỏ chỉ là công cụ, vũ khí mà các bên dùng để nhằm vào nhau.

Công nghiệp hóa toàn cầu khiến nền chính trị hiện đại được xây dựng xung quanh dầu mỏ, bức tranh của thị trường “vàng đen” chưa bao giờ thanh bình, dường như không có chỗ cho các quy luật kinh tế khách quan. Đầy rẫy xung đột, bất đồng để giành và giữ thị phần, ẩn đằng sau đó là lợi thế chính trị trên trường quốc tế.

Một phần nguyên nhân dẫn đến sụp đổ Liên Xô, chiến tranh Trung - Đông, mâu thuẫn Nga - Mỹ và vai trò của khối Ả rập, Trung Quốc trên bản đồ chính trị đều bị quyết định bởi dầu mỏ. Vì vậy không ai có thể đoán được giá dầu, cũng không có chính sách nào là thượng sách đối với nguồn năng lượng đang vùng vẫy ở thời điểm kết thúc này.

Đọc lại cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973 không khỏi khiến người ta sửng sốt vì lý do vô cùng …lãng xẹt. Các quốc gia Ả rập ngưng bán dầu cho các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur xảy ra cùng năm, cụ thể ở đây là Mỹ, Hà Lan, Canada, Anh.

Và thật nực cười, cú sốc năng lượng này lại được giải quyết bởi nhóm chính trị gia hàng đầu lúc bấy giờ là Tổng thống R. Nixon, Ngoại trưởng Henry Kissinger và hai “ngòi nổ” Israel và Syria tạm ngưng chiến tranh.

Vì sao châu Âu khan hiếm khí đốt trong khi đường ống dẫn dầu “Dòng chảy phương Bắc 2” chỉ còn 2% khối lượng công việc, bên cạnh đó “Dòng chảy phương Bắc 1” vẫn có thể giải quyết triệt để vấn đề này?

Moscow muốn châu Âu nếm trải cảm giác “lạnh giá” để nhận ra tầm quan trọng của Nga trong mối quan hệ tay ba, cùng với Mỹ, nếu Brussel tiếp tục chần chừ cơn khủng hoảng này còn kéo dài.

Dầu mỏ và khí đốt chiếm khoảng 30% GDP của Nga. Ông Putin chọn cách đối đầu với OPEC để chống lại ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ. Mục tiêu của Kremlin là giành lại thị phần từ các nhà đầu tư Mỹ, vốn tăng trưởng dựa trên nợ nần khiến Nga mất ngôi vị nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới từ năm 2018.

Ryan Fitzmaurice, chiến lược gia năng lượng tại Rabobank bình luận: “Nga hiểu rõ ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương tại thời điểm này. Theo quan điểm của chúng tôi, Nga đã nhắm mục tiêu vào các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ”.

Đừng quên Liên minh tài chính Nga - Trung đã hình thành hồi năm ngoái, hai nước này không dấu diếm ý đồ bác bỏ hệ thống “petrodollars” bằng cách liên thủ với Iran, thắt chặt quan hệ với Saudi Arabia, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ.

Thật đáng chú ý, trong khi phương Tây dồn hết sức lực cho cuộc chiến giá dầu thì Trung Quốc âm thầm cải cách mạnh bạo trên mặt trận năng lượng, kiên nhẫn nhìn đất nước trong tình trạng “tối tăm” để chuẩn bị đón đầu kỷ nguyên bá chủ năng lượng tái tạo.

Khủng hoảng chip, chất bán dẫn là dấu hiệu tích tụ và tập trung nguồn tài nguyên này, cùng với bùng nổ xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời tại quốc gia đông dân nhất toàn cầu. Cuộc đua năng lượng hậu dầu mỏ đã đặt viên gạch đầu tiên. Thế giới sẽ thấy sức mạnh phán quyết của Trung Quốc sớm thôi!

Rõ ràng Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. Việt Nam bắt đầu chuyển sang nhập khẩu thuần năng lượng từ năm 2015, nên việc tăng giá nhiên nhiệu dẫn tới chi phí đầu vào đối với các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu nhập khẩu sẽ tăng lên. Chi phí sản xuất điện tăng lên sẽ gây áp lực lớn với ngành Điện.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo, nhưng buộc phải đảm bảo các chi phí điện năng phù hợp đối với khả năng chi trả của người dân, đồng thời đảm bảo cung ứng đầy đủ điện với chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một thách thức rất lớn.

Trong giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phụ tải điện giảm nên Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ điện. Tuy nhiên, thời gian tới, khi nền kinh tế được được mở cửa trở lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi, việc cung ứng điện sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bởi hiện các nguồn điện phát triển rất chậm.

Việt Nam cũng là quốc gia sử dụng điện từ nhiệt điện khá cao. Theo tờ trình Quy hoạch Điện VIII vừa trình Thủ tướng, Bộ Công Thương cho hay, đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc đạt 69.342 MW, trong đó nhiệt điện than là 21.383 MW, chiếm 30,8% công suất và 50% sản lượng; điện khí 9.025 MW (13,1% về công suất, 14,6% sản lượng); điện gió và mặt trời hơn 17.000 MW (24,6% về công suất và 4,1% sản lượng).

Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, nhập khẩu than của Việt Nam cũng tăng nhanh do nhu cầu than cho các nhà máy điện, trong khi khai thác nội địa ngày càng khó khăn, chi phí tốn kém.

Đánh giá về phương án nhiên liệu sử dụng cho phát điện giai đoạn tới năm 2045, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết, từ năm 2030 trở đi, Việt Nam sẽ phải chi ít nhất từ 10-15 tỉ USD/năm, để phục vụ việc nhập khẩu than, khí làm nhiên liệu cho sản xuất điện.

fd

Với Việt Nam, việc đa dạng hóa nguồn cung đồng thời tiếp tục chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo là một lựa chọn dài hạn để giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. 

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn cho biết - ngành điện cần thực hiện tái cơ cấu một cách toàn diện. Tái cơ cấu phải xây dựng chính sách cơ chế đột phá thu hút nguồn lực bên ngoài, phục vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn lực đầu tư nhà nước có hạn. Những cơ chế chính sách đó phải được xây dựng trên cơ sở tiềm năng lợi thế để tạo sự phát triển toàn diện ở địa phương, các ngành, vùng miền… Đặc biệt, tài nguyên nắng, tài nguyên gió, để sản xuất năng lượng tái tạo.

"Đó là những tài nguyên vô hạn, có giá trị vô cùng to lớn. Nếu có cơ chế đột phá để thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả các loại tài nguyên này sẽ phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước", ông Tuấn nhấn mạnh.

Trao đổi với báo giới, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh.Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng, việc đa dạng hóa nguồn cung đồng thời tiếp tục chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo là một lựa chọn dài hạn để giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có chiến lược phù hợp và có kế hoạch đầu tư cho lưới điện truyền tải liên vùng, liên quốc gia; xem xét các công nghệ lưu trữ năng lượng;…

Riêng đối với nguồn nhiên liệu nhập khẩu, cần phải có sự chủ động trong việc mua các nhiên liện ngắn hạn, trung hạn; đầu tư hạ tầng các kho chứa… Quy hoạch điện VIII dự kiến sẽ giảm công suất nguồn điện than, bổ sung nhiều nguồn điện sử dụng khí LNG, do đó, việc đảm bảo các hợp đồng cung ứng nguồn nhiên liệu dài hạn với giá cả hợp lý là cực kỳ quan trọng.