Intel cho biết họ đã tạo ra một con chip điều khiển, có tên mã Horse Ridge, sẽ làm cho điện toán lượng tử trở nên khả thi hơn về mặt thương mại.
Máy tính lượng tử nhằm mục đích thực hiện các nhiệm vụ siêu phức tạp chỉ trong vài phút mà máy tính thông thường tốt nhất hiện nay phải mất tới hàng ngàn năm. Tuy nhiên, trong hầu hết các bức ảnh về thiết bị này, luôn có một mớ dây điện kết nối với hệ thống điều khiển máy tính lượng tử.
Intel Corp vào ngày thứ Hai 9/12 đã công bố một con chip mà họ hy vọng sẽ thay đổi điều đó. Nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới đã công bố một con chip có tên là "Horse Ridge."
Horse Ridge, được chế tạo bằng công nghệ FinFET 22nm của Intel, đơn giản hóa các thiết bị điện tử điều khiển để vận hành một hệ thống lượng tử. Đây là một hệ thống tích hợp trên một con chip để thay thế hệ thống dây điện cồng kềnh hiện nay.
Máy tính lượng tử vẫn còn một chặng đường rất dài để đưa vào sử dụng hàng ngày nhưng đã thu hút sự quan tâm của các công ty công nghệ lớn.
Vào tháng 10, các nhà nghiên cứu tại Google cho biết họ đã tạo ra một máy tính mà có thể vượt qua các máy tính thông thường. Các công ty công nghệ lớn khác như International Business Machines (IBM) và Microsoft cũng đang theo đuổi công nghệ này.
Các nhà khoa học máy tính trong nhiều thập kỷ qua đã tìm cách khai thác hành vi của các hạt nguyên tử phụ có thể đồng thời tồn tại ở các trạng thái khác nhau, trái ngược với thế giới "thực tế" mà mọi người nhận thấy xung quanh chúng.
Vì vậy, trong khi điện toán truyền thống dựa vào bit - hệ nhị phân với các số 1 hoặc số 0 - thì máy tính lượng tử sử dụng bit lượng tử hoặc qubit, có thể là 1 và 0 cùng một lúc.
Thuộc tính này, được gọi là chồng chất (superposition), nhân lên theo cấp số nhân khi các qubit được kết nối với nhau. Càng nhiều qubit có thể được xâu chuỗi lại với nhau, máy tính lượng tử càng trở nên mạnh mẽ hơn.