Tài chính doanh nghiệp

IPO chờ thương vụ lớn: Giải pháp cho doanh nghiệp huy động vốn thành công

Diễm Ngọc thực hiện 10/04/2025 17:00

Để tăng khả năng thành công khi IPO, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng trên nhiều phương diện và có sự đầu tư nghiêm túc để tạo nền tảng vững chắc cho quá trình này.

pham tien manh

Đó là ý kiến của PGS. TS. Phạm Tiến Mạnh, Phó Trưởng khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng khi trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Năm 2025, thị trường IPO của Việt Nam được đánh giá là sẽ có nhiều động lực để bứt phá, những động lực này đến từ đâu thưa ông?

Năm 2025, các động lực hỗ trợ cho kỳ vọng tăng trưởng vốn IPO không chỉ đến từ điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi, mà còn đến từ những thay đổi về quy định để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Một là, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 7,5-8%, thậm chí phấn đấu đạt mức hai con số. Tăng trưởng kinh tế ổn định tạo nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động và huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán.

Hai là, nhiều chính sách và luật mới được ban hành hoặc sửa đổi trong năm 2024 sẽ có hiệu lực từ năm 2025, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động IPO. Điều này bao gồm việc cải thiện quy trình niêm yết và tăng cường minh bạch thông tin, giúp thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Ba là, Việt Nam đang hướng tới việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Đặc biệt làn sóng niêm yết các doanh nghiệp Nhà nước và chuyển sàn từ UPCoM (sàn HNX) sang HOSE cũng là động lực để các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh việc mua ròng trở lại.

Bốn là, dự kiến nửa cuối năm 2025, thị trường bất động sản sẽ phục hồi nhờ vào các biện pháp giải quyết vấn đề pháp lý từ Chính phủ. Sự phục hồi này có thể thúc đẩy nhu cầu huy động vốn qua TTCK, bao gồm cả hoạt động IPO.

- Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt còn e ngại công bố thông tin khi IPO, ông đánh giá sao về tâm lý này?

Tâm lý e ngại minh bạch thông tin khi IPO là một hiện tượng phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà còn xuất hiện tại nhiều thị trường mới nổi. Tuy nhiên, với đặc thù môi trường kinh doanh và cấu trúc quản trị tại Việt Nam, vấn đề này trở nên nổi bật hơn. Việc phải công khai báo cáo tài chính, cơ cấu cổ đông, lợi nhuận, chi phí… khiến họ lo ngại bị lộ “bí mật kinh doanh” hoặc bị soi xét lợi ích, giao dịch nội bộ.

IPO 2
Tình hình IPO tại Việt Nam giai đoạn 2023-2024. Nguồn: Deloitte

Một số doanh nghiệp chưa sẵn sàng chuyển từ quản trị theo cảm tính sang cơ chế quản trị minh bạch, kiểm soát rủi ro, có hội đồng quản trị độc lập. Doanh nghiệp cũng sợ công bố thông tin sẽ dẫn đến những phản ứng tiêu cực nếu có điểm yếu như nợ cao, lãi thấp, vướng mắc pháp lý, tài sản thế chấp…

Bên cạnh đó, một số lãnh đạo doanh nghiệp còn chần chừ chưa muốn IPO do lo ngại tốn kém chi phí trong quá trình IPO; có tâm lý lo lắng cổ phiếu không được thị trường đón nhận, làm cho giá cổ phiếu giảm mạnh, một mặt ảnh hưởng đến uy tín của công ty, mặt khác dẫn đến hệ lụy rủi ro thâu tóm doanh nghiệp mình vẫn đang sở hữu và kiểm soát.

- Xin ông cho biết giải pháp nào giúp doanh nghiệp vượt qua và nên chuẩn bị những yếu tố cốt lõi nào để tăng khả năng thành công khi IPO?

Để tăng khả năng thành công khi IPO, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng trên nhiều phương diện. Trong đó, những yếu tố cốt lõi mà doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc để tạo nền tảng vững chắc cho quá trình này đó là:

Thứ nhất, chuẩn bị báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập trong ít nhất 2-3 năm gần nhất, theo chuẩn kế toán VAS hoặc IFRS; Đảm bảo các khoản nợ, tài sản cố định, lưu chuyển tiền tệ… được phản ánh trung thực, đầy đủ; Giảm thiểu rủi ro tài chính, ví dụ: cơ cấu lại nợ vay, quản trị chi phí, kiểm soát dòng tiền. Điều này giúp tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư và giúp định giá chính xác hơn.

Thứ hai, xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng, có tầm nhìn như kế hoạch kinh doanh chi tiết 3 - 5 năm sau IPO, với mục tiêu tăng trưởng rõ ràng. Chứng minh tiềm năng mở rộng thị trường, sản phẩm, quy mô hoạt động và định vị rõ thương hiệu, lợi thế cạnh tranh cũng như chiến lược sử dụng nguồn vốn huy động sau IPO.

Thứ ba, cải thiện quản trị công ty theo chuẩn quốc tế, thiết lập cơ cấu quản trị minh bạch, chuyên nghiệp, có hội đồng quản trị độc lập, ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ hiệu quả, ban điều hành có năng lực và có lộ trình kế nhiệm rõ ràng.

Thứ tư, rà soát toàn bộ tình trạng pháp lý gồm các ciấy phép hoạt động, quyền sở hữu tài sản, hợp đồng quan trọng, giải quyết các vấn đề tranh chấp, kiện tụng nếu có và hoàn thiện các hồ sơ pháp lý liên quan đến cổ phần, góp vốn, cổ đông… Qua đó, doanh nghiệp có thể tránh rủi ro pháp lý gây ảnh hưởng đến quá trình niêm yết hoặc giá cổ phiếu.

Thứ năm, xây dựng câu chuyện IPO hấp dẫn, truyền thông hiệu quả như tại sao doanh nghiệp lại IPO lúc này, doanh nghiệp giải quyết vấn đề gì cho xã hội/thị trường và vì sao nhà đầu tư nên chọn doanh nghiệp này?

Thứ sáu, điểm quan trọng là lựa chọn đối tác tư vấn uy tín thông qua hợp tác với các công ty chứng khoán, kiểm toán, tư vấn pháp lý và định giá có năng lực và kinh nghiệm IPO. Tận dụng kinh nghiệm, mạng lưới và tư duy chiến lược của họ để giảm thiểu sai sót và rút ngắn thời gian chuẩn bị.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
IPO chờ thương vụ lớn: Giải pháp cho doanh nghiệp huy động vốn thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO