IPO Hapro: Liệu có thành "bom tấn"?

Nha Trang 21/02/2018 07:00

Gần 76 triệu cổ phần của Tổng công ty thương mại Hà Nội – Hapro sẽ được chào bán với giá khởi điểm 12.800 đồng vào 30/3.

Kỳ vọng giúp Chính phủ thu về gần nghìn tỷ đồng

Sở GDCK Hà Nội ra thông báo về việc đăng ký làm đại lý đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) Tổng công ty thương mại Hà Nội – Hapro.

Theo đó, Hapro sẽ chào bán 75,93 triệu cổ phần, chiếm 34,51% vốn điều lệ công ty với giá khởi điểm là 12.800 đồng/cp. Nếu thực hiện thành công, Hapro sẽ thu về tối thiểu 971 tỷ đồng từ đợt IPO này.

Thời gian tổ chức phiên IPO dự kiến diễn ra lúc 8h30 ngày 30/3/2018 tại Sở GDCK Hà Nội.

Theo phương án cổ phần hóa được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phê duyệt, Hapro có vốn điều lệ 2.200 tỷ VND, tương ứng số lượng cổ phần lưu hành là 200 triệu.

Về cơ cấu vốn điều lệ, Nhà nước không nắm giữ cổ phần; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1,07 triệu cổ phần, chiếm 0,49% vốn điều lệ; 75,93 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 34,51% vốn điều lệ; 143 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 65% vốn điều lệ. Sau đợt IPO tới đây, Nhà nước sẽ không còn nắm giữ cổ phần trong công ty này.

Liệu có thành "bom tấn"?

Với giá trị IPO lên tới 972 tỷ đồng phiên IPO của Hapro được coi là “bom tấn” năm 2018.

Hiện, Hapro là tổng công ty đầu tiên của Thành phố Hà Nội thực hiện cổ phần hóa. Hoạt động chính của doanh nghiệp này là kinh doanh thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng thương mại.

Hapro được biết đến là đơn vị đang quản lý, sử dụng và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn. Đáng chú ý như Dự án TTTM, văn phòng số 5 Lê Duẩn cao 9 tầng, Hà Nội.

Tại Hà Nội, Hapro còn có dự án "Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh". Dự án này có quy mô 15 tầng và 2 tầng hầm gồm có 5 tầng làm TTTM, 10 tầng làm văn phòng cho thuê.

Một đơn vị thành viên của Hapro là Hapro Holdings được thành lập vào 2007 chuyên đầu tư các khu mặt bằng thương mại như Quang Hanh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) 2ha, Bắc Giang (6000m2), Phủ Lý –Hà Nam (1922m2), Hưng Hà – Thái Bình 10.000m2, Đa Tốn – Gia Lâm 23.730m2, Sóc Sơn 6.340m2, Hapro Việt Trì 5,5ha…Ngoài ra, Hapro Holdings còn đang phát triển một khu biệt thự cao cấp ở Phú Quốc có diện tích 6,5ha.

Bên cạnh đó, một số công ty thành viên, công ty con mà Hapro đang nắm giữ cũng đang quả lý và sử dụng nhiều BĐS ở các tỉnh, thành phố lớn.

Có thể nói "đất vàng" là một trong những lợi thế của doanh nghiệp khi thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, các khu đất đều là đất thuê của Nhà nước theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm, thậm chí cả những khu đất thuộc diện quy hoạch.

Ngoài ra, tình hình kinh doanh gần đây của Hapro đang có dấu hiệu giảm sút liên tục, doanh thu năm 2014 đạt gần 6.000 tỷ đồng giảm về mức 4.661 tỷ năm 2015 và chỉ còn 4.100 tỷ vào năm 2016 - tương ứng giảm 33% sau 2 năm. Năm 2017, doanh thu thuần của Hapro giảm 17% còn 1.927 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế của tổng công ty chỉ bằng 1/6 năm 2016 đạt 11 tỷ đồng.

Cả năm 2015 và 2016, Tổng công ty đều không hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra. Nhìn vào chỉ tiêu lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ còn sốc hơn nữa sau khi đạt đỉnh lợi nhuận sau thuế 287 tỷ đồng vào năm 2014, chỉ tiêu này giảm gần 10 lần về con số 30 tỷ đồng trong năm 2015 và phục hồi lên 47,7 tỷ đồng vào năm 2016 nhờ tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
IPO Hapro: Liệu có thành "bom tấn"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO