Jang Kều mơ về những ngôi nhà hạnh phúc

Diendandoanhnghiep.vn Jang Kều - Chủ tịch Quỹ Sống Foundation là người phụ nữ đứng đằng sau nhà chống lũ - một dự án từ thiện nhằm tạo ra những căn nhà có khả năng thích ứng với các kiểu thiên tai như bão lũ, ngập mặn...

Dự án thành lập vào tháng 11/2013, và sau 7 năm phát triển đã hỗ trợ thành công hơn 900 ngôi nhà an toàn cho bà con, mở ra cơ hội “bám đất” quê hương cho những người dân vùng lũ. 

- Cơ duyên nào đưa chị đến với dự án Nhà Chống Lũ?

Năm 2009, miền Trung trải qua trận lũ lịch sử, tôi cùng nhóm bạn đi cứu trợ tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Khắp nơi đều tan hoang nhưng điều tôi ám ảnh nhất là ánh mắt vô hồn của một ông cụ khi chứng kiến nền nhà ngập trong bùn đất, ngay cả bàn thờ cũng bị cuốn trôi. Cơn lũ cướp trắng tất cả, không chỉ tài sản mà còn là niềm tin. Điều đó làm tôi nhận ra: Nếu vẫn tiếp tục quyên góp quần áo, thức ăn hay thậm chí tiền, thì những cơn lũ sau vẫn vậy, vẫn lấy đi tất cả của người dân.

Từ đó, tôi nung nấu xây dựng một ngôi nhà có thể chống chọi với lũ, bảo đảm kế sách an toàn lâu dài. Mãi đến năm 2013, tôi tình cờ xem được một hình ảnh trên mạng xã hội, một ngôi nhà trăm tuổi được đặt trên sáu cột bê tông vững chãi giữa biển nước. Đó là công trình của GS. Tống Trần Tùng, chuyên gia về vật liệu nhẹ dành tặng cho người hàng xóm ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tôi tự hỏi làm sao một căn nhà gỗ 100 năm vẫn có thể sống bình yên trong bão lũ được chục năm? Và càng bất ngờ hơn, khi chi phí làm khung nhà có 6 cột bê tông, một cầu thang bê tông chỉ khoảng 25 triệu đồng.

- Nhà chống lũ đã bắt đầu từ những “viên gạch” thế nào? Những khó khăn chị phải đối mặt và cách giải quyết nó ra sao?

Khó khăn đầu tiên chính là thay đổi tư duy cho - nhận của người dân. Họ đã quen với những căn nhà được cho, không phải mất công sức làm ra. Nhà chống lũ không phải dự án từ thiện, mà là dự án chung tay xây nhà để người dân tự làm ra với sự chung tay của cộng đồng. Nhờ thế, họ mới có cảm giác “đây là nhà của tôi, tôi cần có trách nhiệm với nó”.

Chúng tôi gặp và lựa chọn những người không có nhà, nhà bị sập hoặc nhà bị lũ cuốn trôi để tìm giải pháp hỗ trợ họ. Chúng tôi khuyến khích họ tìm cách để xây nhà, từ cùng chung tay, bàn bạc với con cái họ, với gia đình, xem xét ngôi nhà cũ còn bao nhiêu viên gạch… Cứ thế tất cả đều được tính toán, với sự kiên nhẫn để cho người ta tin tưởng mình.

Nhà chống lũ phải kiên nhẫn rất nhiều trong thời gian đầu để người dân tin tưởng và chính quyền đồng hành. Và sự thay đổi lớn nhất đến từ tư duy của người dân.

Một ngôi nhà ở Quảng Nam được xây dựng lại sau khi tham gia dự án Nhà Chống Lũ.

Một ngôi nhà ở Quảng Nam được xây dựng lại sau khi tham gia dự án Nhà Chống Lũ.

- Có bao giờ chị nghĩ đến việc khi có nguồn kinh phí lớn hơn, số lượng mô hình nhà chống lũ sẽ nhân rộng nhanh hơn?

Nhà chống lũ được khởi xướng gần 7 năm, nhưng có thể thấy nó được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2020. Trong năm qua, chúng ta có thể nhìn thấy sự chênh vênh ở trong xã hội từ rất nhiều thứ, từ đại dịch COVID-19, lũ lụt, thiên tai triền miên, tất cả những thứ đó có thể đến bất cứ lúc nào và có thể cướp đi tính mạng của bất cứ ai không kể giàu nghèo, không kể địa vị xã hội.

Năm 2020 cũng “dạy” cho chúng ta cách nhìn nhận không chỉ tìm lối đi nào nhanh nhất, phát triển nhất, giàu nhất, thành công nhất mà mọi người sẽ nói đến việc đi bền vững nhất và bình an nhất.

Thế nên, nếu chỉ cho tiền thôi thì thực sự quá đơn giản, nhà chống lũ không chỉ chống lũ mà còn chống thỏa hiệp, đầu hàng, lệ thuộc.

- Trong thời gian tới, chị có dự định gì để nhân rộng mô hình nhà chống lũ?

Cũng bởi vì được xây bởi vốn đối ứng nên nhà chống lũ không thể làm rập khuôn hàng loạt. Chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều những vấn đề về nhân sự như kiến trúc sư thì có nhiều, nhưng để có đủ kiên nhẫn lắng nghe từng nguyện vọng của người dân, tìm hiểu sâu sát từng hoàn cảnh, thói quen sinh hoạt… của họ để thiết kế nên từng căn nhà chống lũ theo kiểu “đo ni đóng giày” thì quả là đếm trên đầu ngón tay. Do đó, rất khó để tăng lượng nhà chống lũ theo cấp số nhân để thỏa mãn nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, mô hình này có thể được nhân rộng bởi chính những người đã được nhận giúp đỡ, hoặc bởi các tổ chức khác. Và chúng tôi sẵn sàng tư vấn và đồng hành. Mục tiêu bền vững của nhà chống lũ là đến năm 2023 có thể làm đầy đủ tất cả các mô hình nhà an toàn trên khắp Việt Nam.

- Chị từng chia sẻ bản thân là người phụ nữ mang khát khao kiến tạo cuộc sống. Cuộc sống mà chị hướng tới như thế nào? Phải chăng là một cuộc sống có giá trị bền vững, lâu dài hơn?

Tôi luôn khao khát kiến tạo một cái gì đó mới mẻ, theo hướng phát triển bền vững. Tôi nhìn nhận xã hội trên 3 phương diện quan trọng nhất: Con người, thiên nhiên và văn hóa. Tôi mong muốn được kiến tạo một cộng đồng, trong đó con người thực sự hạnh phúc, được kết nối. Xã hội ấy sẽ là xã hội hạnh phúc, và hạnh phúc ấy có màu xanh.

- Xin cảm ơn chị!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Jang Kều mơ về những ngôi nhà hạnh phúc tại chuyên mục Doanh nhân của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711616297 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711616297 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10