Giữ vai trò chiến lược trong liên minh thương hiệu kép của Vietnam Airlines Group (VNA), Jetstar Pacific (JPA) được định hướng là hãng hàng không tham gia chính vào phân khúc giá rẻ.
Đây là một trong những bước đi quan trọng giúp VNA đa dạng hoá sản phẩm, có khả năng phục vụ mọi đối tượng khách hàng, đảm bảo vị thế dẫn đầu trước sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường.
Sau nhiều năm nỗ lực tái cơ cấu, tập trung đầu tư đội bay mới, năm 2018 JPA bắt đầu báo lãi 34 tỷ đồng và đến năm 2019, lãi ròng của Hãng tăng mạnh lên 205,6 tỷ đồng. Tăng trưởng lợi nhuận tích cực của JPA là kết quả của quá trình nâng cao chất lượng dịch vụ, sự phối hợp chặt chẽ thương hiệu kép cùng VNA và nhiều biện pháp chủ động, phát huy nội lực để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Trong đó, tổng chi phí năm 2019 của JPA đã giảm 13,8% so với kế hoạch.
“Từ mức lỗ 402,3 tỷ đồng năm 2012 của JPA đến có lợi nhuận 205,6 tỷ đồng năm 2019 hẳn là tin mừng đối với các cổ đông của VNA, thể hiện quá trình tái cơ cấu JPA đã có chuyển biến tích cực và đang đi đúng hướng”, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện kế toán quản trị công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam đánh giá.
Dù đã kinh doanh có lãi, nhưng JPA chưa tạo được sự đột phá. Do đó, đại diện lãnh đạo VNA cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc JPA theo hướng thay đổi phương thức tổ chức bán hàng. Theo đó, JPA sẽ chuyển đổi hệ thống đặt chỗ từ Navitaire sang Sabre - hệ thống Vietnam Airlines đang vận hành, nhằm đồng bộ hóa mạng bay, các thủ tục đặt chỗ và tính năng dành cho khách hàng với Vietnam Airlines.
Như vậy, JPA sẽ được tận dụng mạng lưới bán sâu rộng của VNA trên khắp thế giới để sản phẩm của JPA được đưa đến khắp các thị trường trong nước và quốc tế, đảm bảo lợi ích cao nhất.
Đặc biệt, VNA sẽ sử dụng JPA để “ép” Vietjet bước vào cuộc cạnh tranh về giá, trực tiếp giành giật thị phần của Vietjet. Chiến lược này sẽ khiến Vietjet phải tiêu hao nhiều nguồn lực hơn để giữ thị phần, giảm sức ép giữ thị phần cho VNA. Trong khi đó, VNA sẽ rảnh tay tập trung vào định vị của mình, lấy lợi nhuận bù lại cho JPA.
Bảo vệ thị phần bằng “thương hiệu kép”
Ở góc độ cạnh tranh về giá, mô hình hoạt động của VNA gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO, trong đó Jetstar Pacific là hãng hàng không với định vị giá rẻ, chuyên phục vụ phân khúc khách hàng nhạy cảm giá. Điều này cho thấy JPA giữ vai trò chiến lược trong liên minh thương hiệu kép của VNA.
Ông Phan Lê Thành Long cho rằng, chiến lược thương hiệu kép VNA - JPA là bước đi khôn ngoan và phù hợp với xu hướng của thế giới.
“Hàng không giá rẻ rất khó kiễm lãi mặc dù tăng trưởng của phân khúc này vượt trội hơn so với phân khúc truyền thống. Trước sự bùng nổ của phân khúc thị trường này, các hãng hàng không truyền thống cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Họ thường chọn chiến lược thương hiệu kép, nghĩa là hãng hàng không mẹ vẫn tập trung vào phân khúc cao cấp, đồng thời tạo ra một hãng hàng không giá rẻ riêng để “với tay” vào thị trường hàng không giá rẻ”, ông Phan Lê Thành Long cho biết.
Ông Phan Lê Thành Long cho rằng, muốn có lãi khi khai thác phân khúc hàng không giá rẻ, thì phải có khả năng kiểm soát đường cong giá trị một cách hiệu quả (tạo nhiều giá trị hơn cho khách hàng trong từng hoạt động- PV), bởi nếu không, “giá rẻ” sẽ bị chi phí “nuốt trọn”, khiến hoạt động kinh doanh sẽ bị thua lỗ. Và chính vì khó kiếm lãi, nên phần lớn các hãng hàng không lâu đời trên thế giới đều lựa chọn chiến lược thương hiệu kép.
Trên thế giới phải kể đến Singapore Airlines có Scoot, bản thân Qantas và Jetstar (Australia) cũng là một điển hình của chiến lược thương hiệu kép. Các hãng như Sing Air với Qantas không đặt mục tiêu kiếm lãi từ Scoot và Jetstar mà biến nó thành một công cụ để bảo vệ thị phần trước sự tấn công của các hãng hàng không giá rẻ thuần tuý.