Là một trong những tượng đài ít được nhắc tên, mãi đến khi bộ phim “Hidden Figures” ra mắt, toàn thế giới mới biết đến công lao của nhà toán học Katherine Johnson.
Thời kỳ ấy, sự phân biệt giới tính và chủng tộc ở NASA vẫn còn rất nghiêm trọng, chỉ những phi hành gia và khoa học gia nam giới da trắng mới được xuất hiện trước công chúng.
Nếu không có sự chính xác trong từng phép tính của Katherine Johnson, cùng nhóm những nhà toán học nữ da màu gọi là “Computer Pool”, lịch sử của NASA có thể đã rất khác. Không có họ, sẽ không có những thuật toán đưa con người cùng tên lửa đi vào không gian và trở về một cách an toàn, và cũng sẽ không có chuyện Mỹ giành chiến thắng cuộc đua vũ trụ trước Liên Xô.
Bà Johnson sinh năm 1918 tại White Suphur Springs, West Virginia. Ngay từ nhỏ, tài năng toán học của bà đã được thể hiện vô cùng rõ ràng. Ban đầu, bà khởi nghiệp là một giáo viên dạy toán, nhưng nhanh chóng nhận ra rằng mình muốn làm toán học nghiên cứu.
May mắn thay, sau khi có một sắc lệnh của tổng thống Mỹ, cấm việc phân biệt chủng tộc trong ngành quốc phòng, bà Johnson được vào Ủy ban tư vấn hàng không quốc gia (NACA), tiền thân của NASA vào năm 1953. Ban đầu, bà làm việc ở một nhóm toàn phụ nữ sau khi nhanh chóng được chuyển sang Đơn vị Nghiên cứu Hàng không trong nhiều năm.
Lịch sử rất khôi hài. Có những cuộc chiến nổ ra chỉ để những cường quốc gầm ghè nhau và chạy đua chỉ để bên còn lại bẽ bàng trên trường quốc tế. Nhưng trong quá trình cuộc chiến đó xảy ra, loài người lại tìm ra những tri thức vô giá áp dụng vào rất nhiều thập kỷ hay thậm chí là thế kỷ sau.
Cuộc đua vào vũ trụ giữa Liên Xô và Mỹ cũng vậy. Tương tự với tốc độ leo thang của cuộc chiến không gian, là tốc độ phát triển sự nghiệp của bà Johnson. Bà được giao nhiệm vụ nghiên cứu đường bay của nhiệm vụ Mercury-Redstone 3 do phi hành gia Alan Shepard điều khiển. Bà là đồng chủ biên nghiên cứu về hạ cánh tàu vũ trụ lên một thiên thể khác an toàn.
Dù thường xuyên là người phụ nữ duy nhất trong phòng họp của mỗi nhiệm vụ, bà nhanh chóng được chú ý nhờ mức độ chính xác trong tính toán của mình. John Glenn tự nhờ đến bà trước khi bay vòng quanh trái đất năm 1962. Ông không tin máy tính điện toán, và gọi các kỹ sư “nhờ cô gái” kiểm tra, so sánh những phép tính viết bằng tay của Johnson với kết quả phép tính từ máy tính. Ông nói đơn giản: “Nếu cô ấy nói kết quả tốt, thì lúc đấy tôi mới sẵn sàng bay.”
Chính nhiệm vụ Mercury-Atlas 6 của Glenn, và những phép tính của Johnson đã giúp Mỹ vượt lên dẫn trước trong cuộc đua vũ trụ.
Trước khi nhiệm vụ lịch sử hạ cánh xuống mặt trăng diễn ra vào năm 1969, cũng chính bà Johnson đã vẽ được bản đồ bề mặt của mặt trăng, cho phép hai phi hành gia hạ cánh an toàn và cả nhiệm vụ Apollo 11 trở về nhà an toàn.
Thế nhưng mãi đến khi cuốn cách Hidden Figures ra mắt vào năm 2016, bộ phim chuyển thể ra mắt năm 2017, mọi người mới biết đến Katherine Johnson, mới biết đến Dorothy Vaughan và Mary Jackson, những bộ não thiên tài của nhóm Computer Pool.
Bộ phim dành được ba đề cử Oscar cho kịch bản chuyển thể, phim và nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất năm 2018. Còn trước đó, những đồng nghiệp nam giới gọi các bà là “máy tính mặc váy”, phải làm việc ở chỗ tách biệt. Giờ đây, NASA đổi tên một khu nghiên cứu theo tên của bà Johnson, và con đường nơi đặt trụ sở NASA ở thủ đô Washington được đổi tên thènh “Hidden Figures Way”.