KDC: Động lực chính giúp doanh thu tăng trưởng từ mảng dầu ăn

Nguyễn Long 22/10/2018 11:45

Theo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của KDC giảm 83% cùng kỳ năm 2017, doanh thu thuần tăng 13% nhờ mảng dầu ăn.

KDC: Mảng dầu ăn liệu có đủ “cứu cánh”?

KDC: Mảng dầu ăn liệu có đủ “cứu cánh”?

Theo BCTC quý 3 mà CTCP Tập đoàn KIDO (mã: KDC) vừa công bố doanh thu thuần công ty đạt 1.931 tỷ đồng, giảm 200 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp giảm 15% xuống 369,3 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế giảm 59%, từ 91,7 tỷ xuống 37,3 tỷ đồng. Lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 15,5 tỷ đồng, bằng 1/3 cùng kỳ.

Kido cho biết, nguyên nhân doanh thu quý 3 giảm là do suy giảm doanh thu của ngành hàng kem và sữa chua. Bên cạnh đó, trong quý 3/2017, KDC có phát sinh khoản lợi nhuận bất thường từ thanh lý khoản đầu tư tại Công ty Tân An Phước.

Trong 9 tháng, việc đầu tư mở rộng thị trường cho ngành dầu ăn và các sản phẩm mới đã làm tăng 6% chi phí hoạt động. Do đó, doanh thu thuần tăng 13% đạt 5.712 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 83%, còn 87,6 tỷ đồng. Lãi gộp  giảm nhẹ từ 1073 tỷ xuống 1039 tỷ đồng.

Như vậy, so với kế hoạch doanh thu mà Chủ tịch KDC - ông Trần Kim Thành trình ĐHĐCĐ thông qua lên đến 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, thì kết quả sau 9 tháng đầu năm đã cho thấy kế hoạch này còn quá xa vời để có thể đạt được.

Về từng mảng hoạt động kinh doanh, mảng dầu ăn tăng trưởng trong quý 3 nhờ vào mùa cao điểm Tường An chuyển đổi dần từ các dòng sản phẩm giá trị thấp, lợi nhuận thấp sang các dòng sản phẩm cao cấp. Trong tương lai, Tường An sẽ đẩy mạnh tăng doanh thu từ phân khúc cao cấp. 

Nhờ việc hoàn tất thâu tóm 65% vốn điều lệ của Công ty Dầu thực vật Tường An và nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) lên 51%, KIDO trở thành doanh nghiệp nắm giữ thị phần lớn trong ngành dầu ăn. Và đây đang được xem là mảng kinh doanh cốt lõi cho KDC.

Tuy nhiên, với kết quả 6 tháng đầu năm 2018 được KDC công bố trước đó, lại cho thấy, mặc dù dầu ăn đang trở thành một trong những nguồn thu chính của KDC, thay thế cho bánh kẹo nhưng lợi nhuận tụt giảm do tiền chi trả nợ gốc vay tăng vọt, 6 tháng đầu 2018 lên đến hơn 2,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, KDC còn phải chi 77 tỷ đồng để trả lãi vay. KDC hiện vay nợ cả ngắn hạn và dài hạn gần 2 nghìn tỷ đồng.

Và sang kết quả báo cáo 9 tháng đầu năm, mảng kem và sữa chua của KDC cũng là một gánh nặng do doanh thu bị giảm do mức cạnh tranh cao. Mảng sữa chua tiếp tục giảm do ảnh hưởng của sự canh tranh về giá dẫn đến doanh thu thuần giảm 30%. Sự ra mắt các sản phẩm mới của KDC đã bị trì hoãn vì Công ty đang trong quá trình tổ chức lại việc bán hàng và cải thiện hiệu quả sản xuất. 

Có thể bạn quan tâm

  • M&A “giúp” KIDO thoát khỏi “chiếc kén” của mình

    11:02, 15/08/2018

  • Kido Foods thâm nhập phân khúc siêu cao cấp trong thị trường kem

    06:49, 22/06/2018

  • KIDO chuyển hướng chiến lược

    06:09, 29/04/2018

  • Phó TGĐ tập đoàn Kido: Khởi nghiệp tự do nhưng có cái giá của nó!

    04:23, 28/04/2018

Trên thị trường chứng khoán, trong 3 tháng qua đã thấy sự lao dốc của cổ phiếu KDC. Từ vùng giá 34.600 đồng/cổ phiếu, thì hiện KDC đang giao dịch ở mức 25.950 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh 25% giá trị chỉ sau 3 tháng. Còn nếu nhìn xa hơn, 1 năm qua, giá cổ phiếu đã tuột dốc từ mức 45.400 đồng/cổ phiếu xuống mức giá hiện nay, nghĩa là nhà đầu tư đã mất tới gần 43% giá trị của khoản đầu tư trên mỗi cổ phiếu KDC.

Trong khi trước đó, KDC từng là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm, đặc biệt với thương hiệu Kinh Đô và bánh trung thu. Tuy nhiên, ba năm trước khi KIDO đang là “vua của ngành bánh kẹo”, công ty này quyết định bán lại mảng kinh doanh này cho Mondelēz International.

Tham vọng “lấp đầy gian bếp Việt” của Kido vừa qua tương tự như Masan với “mỗi gia đình Việt có một sản phẩm của Masan”. Chọn mảng dầu ăn là lĩnh vực thay thế cho bánh kẹo, ban lãnh đạo KIDO không giấu tham vọng bành trướng thị phần nội địa thông qua việc thâu tóm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành. Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT KIDO, từng khẳng định công ty này sẽ quay lại mốc lợi nhuận 600 tỷ sau ba năm bán đi mảng bánh kẹo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
KDC: Động lực chính giúp doanh thu tăng trưởng từ mảng dầu ăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO