Nhận diện rất rõ những khó khăn của năm 2023 nên ngay từ tháng cuối năm 2022
Công ty cổ phần DamSan đã bắt tay cho chiến lược sản xuất, kinh doanh mới nhằm ổn định doanh nghiệp, chờ thời cơ bứt phá.
Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần DamSan cho rằng, những bất ổn trong 2 quý cuối năm 2022 đã khiến cộng đồng doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Những ngành hàng truyền thống như dệt may, da giày, bất động sản bị suy giảm nghiêm trọng. Sự suy giảm này có thể ảnh hưởng đến giữa năm 2023. Đặc biệt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có hồi kết, nền kinh tế thế giới còn nhiều bất định, khó lường khiến khó khăn càng trầm trọng.
Đẩy mạnh đầu tư cụm công nghiệp “đón đầu” thị trường bình ổn trở lại
Dự báo được điều này, nên ông Đông cho biết, năm 2023 DamSan sẽ giảm bớt đầu tư cho những ngành truyền thống như dệt sợi, bất động sản, nhà ở. Đơn cử, với khoảng 11 -12 vạn cọc sợi thì sang năm 2023, 6 tháng đầu năm công ty sẽ dừng sản xuất sợi để chuyển sang các ngành sản xuất khác phù hợp nhằm tránh được tổn thất lỗ vốn, mất vốn.
Đồng thời tập trung đầu tư vào các ngành thu hút nhiều nguồn lực như bất động sản (BĐS) công nghiệp, các khu công nghiệp (KCN), các cụm công nghiệp (CCN) để phục vụ nhu cầu đầu tư khi thị trường bình ổn trở lại, cũng như tạo giá trị gia tăng lớn hơn cho doanh nghiệp. Ông Đông tin tưởng, Việt Nam vẫn là một bến đỗ an toàn của các nhà đầu tư do ổn định về chính trị và có mức độ tăng trưởng cao.
Chính vì thế, năm 2023 DamSan sẽ mở rộng quy mô của các KCN và CCN ở trong địa bàn tỉnh Thái Bình và ngoài địa bàn tỉnh Thái Bình.
“Hiện nay công ty đã và đang tìm hiểu để mở rộng đầu tư thêm 1-2 CCN nữa và thêm một KCN tại tỉnh Thái Bình. Chúng tôi cũng đang xem xét đầu tư KCN ở tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Nam Định. Tiếp tục đầu tư vào các dự án tòa nhà chung cư đang triển khai ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội”, ông Đông chia sẻ.
Người đứng đầu DamSan nhận định, đây là những mục tiêu của doanh nghiệp trong dài hạn, nhưng sẽ từng bước triển khai một cách nhịp nhàng, phù hợp với nguồn vốn, tốc độ phát triển, trình độ, năng lực quản trị của công ty.
Điều đáng nói, theo ông Đông, việc đầu tư mở rộng các khu, cụm công nghiệp trọng tâm là thu hút các dự án sản xuất công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao đến với địa phương như ngành chế tạo, ngành thiết bị điện, ngành chế tạo - điện tử và các lĩnh vực sản xuất sạch như điện gió, điện mặt trời…
Tiếp tục “rót vốn” vào
năng lượng tái tạo
Trong tổng số vốn dự kiến đầu tư năm 2023 là từ 3 nghìn – 5 nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực BĐS công nghiệp, DamSan còn mở rộng đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia.
Đặc biệt DamSan đẩy mạnh sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và các trang thiết bị điện tử phục vụ nhu cầu tiêu dùng năng lượng mặt trời như bộ biến tần chuyển đổi dòng điện từ một chiều sang hai chiều…
DamSan đặt mục tiêu cụ thể, 90% pin năng lượng mặt trời phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu và Ấn Độ, còn 10% phục vụ trong nước và thị trường Đông Nam Á.
Ngoài ra, công ty đầu tư vào ngành sản xuất chế tạo các nguyên liệu và các sản phẩm ăn theo của lĩnh vực năng lượng mặt trời, như đèn năng lượng mặt trời phục vụ cho các chương trình tỏa sáng độc quyền chủ yếu ở thành phố lớn và các vùng nông thôn trong cả nước.
Ông Đông kỳ vọng, với hướng đầu tư mới, doanh số của DamSan sẽ không ngừng tăng trưởng. Bởi với những lĩnh vực sản xuất truyền thống, sản phẩm sợi-dệt của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản là chính, doanh số khoảng 100 triệu USD/năm. Nhưng khi chuyển sang lĩnh vực đầu tư mới như năng lượng tái tạo, khu - CCN, dự tính quy mô doanh thu của công ty có thể lên khoảng 500 triệu USD/năm.
“Đây là một trong những kỳ vọng của công ty trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực hiện được hay không phụ thuộc lớn vào việc tổ chức quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, đầu tư và tái cơ cấu một cách hợp lý mô hình Holdings để tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp thì mới có thể thành công được”, ông Đông nhận định.
“Holdings là một dạng công ty hoạt động đa ngành, với mục đích nắm giữ quyền kiểm soát tại các công ty khác. Mỗi công ty sẽ phụ trách một hoạt động riêng lẻ và thường mang tính bổ trợ nhau, trong đó, công ty mẹ (trong trường hợp này là holding) đóng vai trò là cổ đông lớn tại các công ty con nhưng không trực tiếp điều phối kinh doanh. Đây chính là điểm khác biệt của holdings so với tập đoàn khi tập đoàn sẽ nằm hoàn toàn quyền chỉ định kinh doanh, hay điều phối hoạt động. Công ty con trực thuộc holdings sẽ được tự chủ hơn trực thuộc tập đoàn hoặc tổng công ty. Mô hình này đã được DamSan thực hiện thí điểm trong quý IV/2022. Doanh nghiệp cũng đã bắt đầu triển khai đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi về lĩnh vực năng lượng mặt trời... đây chính là “đòn bẩy” cho hướng đi mới đầy tiềm năng và triển vọng của DamSan” ông Đông cho hay.n