Kéo dài thí điểm Uber, Grab: Có hay không?

Thuận Hóa 28/02/2018 17:45

Chính phủ mới đây đã chỉ đạo đồng kéo dài thí điểm Uber, Grab cho đến khi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô mới được ban hành và có hiệu lực. Điều đáng nói, câu hỏi vì sao phải kéo dài vẫn chưa thực sự được trả lời thấu đáo.

Hiếm có loại hình hoạt động kinh doanh mà thời gian thí điểm được kéo dài như Uber, Grab tại Việt Nam. Càng hiếm có hoạt động doanh nghiệp nào gây bất nhất ý kiến, quan điểm giữa các đơn vị các quản lý và doanh nghiệp, thị trường, cũng như Uber và Grab…

p/Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, số xe taxi truyền thống tới cuối năm ngoái thậm chí chỉ bằng 46% số xe đăng ký dùng dịch vụ kết nối của Uber và Grab.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, số xe taxi truyền thống tới cuối năm ngoái thậm chí chỉ bằng 46% số xe đăng ký dùng dịch vụ kết nối của Uber và Grab.

5 năm “oanh tạc” thị trường

Uber và Grab vào Việt Nam nhẩm tính đã nhiều năm. Uber đăng ký kinh doanh chính thức tại Việt Nam vào tháng 8/2014 thông qua thông qua thủ tục đăng ký đầu tư do nhà đầu tư nước ngoài Uber International Holding B.V làm chủ đầu tư. Theo đó, Công ty đã triển khai cung cấp ứng dụng qua phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh để kết nối giữa người cần di chuyển và người cung cấp dịch vụ vận tải, loại cung cấp dịch vụ thực tế đã được Uber triển khai trên thị trường Việt Nam từ 2013.

Từ đến nay trong suốt nhiều năm, phía Công ty Uber luôn khẳng định loại hình kinh doanh của công ty là cung cấp dịch vụ công nghệ, còn cơ quan quản lý và các hãng taxi truyền thống thì luôn loay hoay giữa việc cần định danh đúng hoạt động của Uber để đảm bảo thu thế, quản lý các loại hình kinh doanh đúng quy trình và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Bởi tuy cung cấp ứng dụng nhưng Uber cũng đồng thời tham gia định giá dịch vụ, thu phí, điều phối xe, thu thập thông tin người dùng. Đây chính là vướng mắc pháp lý cơ bản mà Công ty Uber gặp phải tại các quốc gia sử dụng dịch vụ này, không chỉ Việt Nam.

Grab, trong một sự chuẩn bị có vẻ “kỹ lưỡng” hơn, cũng có mặt trên thị trường từ 2013 nhưng đến tháng 2/2014, đã “giành” được “quyền” cung cấp dịch vụ xe hợp đồng điện tử (Grab Taxi). Grab đã tỏ ưu thế đi trước và giành được quyền cung cấp chính thức thông qua các phê duyệt của cơ quan quản lý: Tháng 1/2016, được Bộ GTVT cho phép thí điểm triển khai phần mềm ứng dụng gọi xe điện tử tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa trong 2 năm (kết thúc tháng 1/2018). Mãi đến tháng 4/2017, Uber mới được có tên tham gia đề án thí điểm này. Tuy nhiên, trong vòng 2 tháng, Bộ GTVT lại yêu cầu các địa phương dừng cấp phép thí điểm taxi Uber, Grab, đồng thời yêu cầu 2 doanh nghiệp này dừng dịch vụ mới vừa ra mắt trong tháng 5.

Có cần thí điểm thêm?

2 năm thí điểm cùng với 3 năm có mặt trên thị trường đủ để Uber và Grab “oanh tạc” thị trường dịch vụ vận chuyển taxi, dù chỉ bằng ứng dụng công nghệ và kết nối người dùng - phương tiện di chuyển. Sở dĩ điểm lại chừng đó thời gian để thấy rằng có lẽ hiếm có một loại hình kinh doanh chính thức nào mà thời gian thí điểm trong đề án và thời gian triển khai ngoài đề án thí điểm, lại được kéo dài đến như vậy. Đây là sự ưu ái của cơ quan quản lý với một loại hình kinh doanh mới mẻ, có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, là biểu tượng bắt đầu của xu thế 4.0 tại Việt Nam, hay là sự loay hoay của cơ quan quản lý khi chưa tìm được phương án quản lý phù hợp?

Với một thời gian đã kéo khá dài và có thể sẽ còn được kéo thêm khi Chính phủ mới đây đã chỉ đạo đồng kéo dài thí điểm Uber, Grab cho đến khi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô mới được ban hành và có hiệu lực, cũng phải thấy thêm một điều rằng những quy định pháp lý được ban hành không phải lúc nào cũng có thể đáp ứng đúng, trúng thời điểm mà thị trường mong chờ.

Việc Bộ Công an mới đây có văn bản góp ý không kéo dài thời gian thí điểm đề án, càng cho thấy có nhiều điểm bất nhất trong việc ban hành các chính sách liên quan đến quản lý loại hình kinh doanh mới. Bất nhất lớn nhất là thiếu vắng sự đồng thuận trên cơ sở thảo luận, lấy ý kiến của các cơ quan bộ ngành có liên quan, với cơ quan quản lý lĩnh vực ngành trực tiếp trước khi tổng kết một chính sách.

Trong văn bản góp ý, chỉ ra những bất cập cụ thể, Bộ Công án khá quyết liệt khi đề xuất cần ấn định thời gian cụ thể đối với từng đề nghị, không để kéo dài thời gian thí điểm với những bất cập chưa được giải quyết.
Thị trường nói chung đang chờ đợi tiếp theo tiếng nói của Bộ Tư pháp, Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, UBND thành phố Hà Nội, với sự đánh giá đầy đủ các ưu điểm, hạn chế trong thời gian thí điểm, làm cơ sở cho việc bổ sung các quy định để quản lý hoạt động thí điểm, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và tạo sự bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kéo dài thí điểm Uber, Grab: Có hay không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO