Người dân có cảm giác vụ việc ở Hà Giang đang được xét xử chưa đi đúng hướng, tức là chưa tìm ra “đúng người, đúng tội”,
Mới đây, sau 4 ngày xét hỏi, đại diện VKSND tỉnh Hà Giang nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 5 bị cáo vụ sửa điểm thi THPT quốc gia 2018 ở địa phương này.
Tuy nhiên, dư luận cảm thấy bất ngờ, thất vọng khi VKSND tỉnh Hà Giang cho rằng không có căn cứ để chứng minh các bị cáo nhận tiền, tài sản hay bất cứ lợi ích vật chất nào trong vụ án.
Theo đó, trên cơ sở đánh giá chứng cứ và toàn bộ nội dung vụ án, VKS đề nghị bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hà Giang) 8-9 năm tù; Vũ Trọng Lương (nguyên Phó Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang) 7-8 năm tù.
VKS đề nghị các bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang) và Lê Thị Dung (nguyên Phó Đội trưởng Phòng an ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang) cùng mức án 2-2,5 năm tù; bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang) 1-1,5 năm tù treo.
Có thể bạn quan tâm
10:00, 04/06/2019
11:00, 28/05/2019
05:15, 07/07/2019
12:30, 20/07/2018
06:30, 20/07/2018
Về hình phạt bổ sung, VKS đề nghị HĐXX cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ quản lý trong ngành giáo dục từ 1-2 năm.
Việc VKS nói “Không đủ cơ sở pháp lý kết luận 2 bị cáo có động cơ vụ lợi” vì như lý giải thì việc sao kê tài khoản ngân hàng, khám xét chỗ ở và nơi làm việc của hai bị cáo cùng các dữ liệu điện tử khác cũng cho thấy không đủ cơ sở kết luận hai bị cáo có động cơ vụ lợi trong vụ án này. Thế nhưng, ở đời này không có chuyện “bốc điểm bỏ tay người” và càng không có chuyện “đồng tiền vô chủ”, “đồng hào của ma” tự dung “rơi” vào túi ai đó mà không có chủ.
Khách quan mà nói, cái sự “không vụ lợi” này nó bắt nguồn ngay từ quá trình điều tra của cơ quan công an, khi đó dư luận đã nhận thấy có “triệu chứng” không bình thường, nên đã có nhiều những câu hỏi được đặt ra.
Và một trong những câu hỏi đó là theo kết luận của Cơ quan điều tra Công an tỉnh này, trong số các vật chứng cảnh sát thu giữ có mẩu giấy khổ 10x9cm ghi “P.T.H.Tr, SBD: 070389; P 17; HĐT Hùng An (Lão phật gia nhờ)”.
Khai trước tòa phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài cho biết “Lão Phật gia” là biệt danh của bà Tống Thị Bê, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục, đã nghỉ hưu. Vì sao "chi tiết quan trọng" này lại không được thể hiện trong cáo trạng của VKS Hà Giang?
Đọc những thông tin trên, không khỏi có cảm giác vụ việc ở Hà Giang đang được xét xử chưa đi đúng hướng, tức là chưa tìm ra “đúng người, đúng tội”, “sâu chúa” vẫn được né tránh và điều này khiến dư luận bất bình. Bởi, đáng lẽ với vi phạm qui mô nhất, nghiêm trọng nhất cũng như tinh thần làm gương, Hà Giang phải tiến hành xử lý mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất. Song, thực tế thì đây là nơi trì trệ nhất, mập mờ nhất.
Từ sự vụ “nâng điểm thi” và chậm trễ, không nghiêm minh trong xử lý trách nhiệm phần nào cho thấy nền giáo dục của chúng ta đang theo thành tích, điểm số - một thực tráng đáng buồn. Đây là nguy cơ kéo tụt quá trình phát triển của giáo dục nói riêng và cả xã hội nói chung.
Nói vậy bởi, một nền giáo dục vì điểm số và bằng cấp lại phá hủy những giá trị giáo dục cần thiết. Nền giáo dục tôn sùng điểm số và thành tích sẽ cho ta đúng những thứ mình muốn nếu học vì tiền tài địa vị. Ở đó, chúng ta sẽ được dạy cách ganh đua cạnh tranh quyết liệt để đạt được phần thắng nhưng không bao giờ được dạy cách giúp đỡ người khác.
Nếu có hợp tác thì cũng chỉ vì lợi dụng lẫn nhau rồi cuối cùng sẽ loại trừ nhau vì chẳng ai đủ tin ai để hợp tác thật sự. Khi mạnh ai nấy tranh giành để làm lợi cho bản thân, họ sẽ không từ thủ đoạn để hại người khác và mặc kệ lợi ích chung, cái gì phá được thì phá, cái gì bán được thì bán miễn sao đổi ra tiền còn sau này thì mặc kệ, tôi đâu có sống tới 100 năm sau đâu mà lo.
Từ đây, người ta có thể thấy kết luận xét xử “không có cơ sở pháp lý” tìm ra bằng chứng vụ lợi của các đối tượng chính là sự dung túng cho các đối tượng vi phạm, dung túng cho một nền giáo dục vì thành tích, điểm số.
Xin viện dẫn ra một quan điểm rất có lý lại mang tính cảnh tỉnh của một biểu tượng vĩ đại của Nam Phi là ngài Nelson Mandela rằng: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.”
Không biết bao nhiêu phụ huynh hay bao nhiêu người làm giáo dục đã đọc và chiêm nghiệm về câu nói này, vì hơn bao giờ hết, nó này đang nói lên thực trạng và tương lai của Việt Nam. Nếu những người làm công tác giáo dục và phụ huynh không lên tiếng mà vẫn cứ dửng dưng thờ ơ coi chất lượng giáo dục thấp cùng những gian lận trong giáo dục là “chuyện thường ngày ở huyện” thì nạn nhân không ai khác hơn chính là con cháu của chúng ta.