LTS: Một trong 4 vấn đề nóng các đại biểu Quốc hội đặt ra với Chính phủ là tim giải pháp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại sản xuất an toàn...
TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: khi cấu trúc lao động bị phá vỡ bởi đại dịch thì hơn lúc nào hết cần một giải pháp tổng thể để giải bài toán thiếu hụt lao động khi nền kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, nâng chất lượng nguồn lao động cũng là một trong những vấn đề quan trọng trong phiên chất vấn tại kỳ họp lần này.
- Nhận định của ông về những giải pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động sau đại dịch được ban hành, thưa ông?
Thời gian qua Chính phủ đã ban hành và thực thi hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động.
Ngày 12/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tạo khung khổ chính sách nhất quán để triển khai thực hiện. Điều này có ý nghĩa quan trọng để việc lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường lao động vận hành trơn tru, thông suốt.
Đặc biệt, Nghị quyết giao Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đề xuất các giải pháp khôi phục thị trường lao động. Theo dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 đang được xây dựng, việc hỗ trợ an sinh xã hội, đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động cũng là một trong những nội dung quan trọng. Nhiều giải pháp đang được nghiên cứu để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có vấn đề đào tạo nghề nghiệp để góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
- Được biết, Bộ LĐ-TB và XH cũng đặt ra nhiều giải pháp khôi phục lại thị trường lao động, việc triển khai thế nào, thưa ông?
Để giải quyết vấn đề này cần có cơ chế phối hợp giữa các bên. Theo đó, các chương trình về hỗ trợ, giải quyết các vấn đề về lao động và người sử dụng lao động sau đại dịch cần tập trung vào các nội dung chính như sau:
Thứ nhất, tăng cường đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ hai, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Với vấn đề này về thể chế, Bộ luật Lao động 2019 đã có chương quy định về phát triển giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề trong đó quy định rõ quyền và trách nhiệm giữa các bên liên quan. Đặc biệt, luật đưa ra hình thức đào tạo tại doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp cùng nhà trường phối hợp đào tạo theo đơn đặt hàng...
Thứ ba, tiếp tục triển khai đào tạo, đào tạo lại người lao động. Trong bối cảnh hiện tại, cần tiếp tục tổ chức đào tạo trực tuyến với quy mô lớn các kiến thức nền tảng như kỹ năng số, ngoại ngữ, kỹ năng mềm… để đáp ứng được yêu cầu.
- Trực tiếp, Tổng cục sẽ có giải pháp cụ thể thế nào để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, thưa ông?
Hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng 2 phương án. Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Theo đó, đưa 500.000 học sinh, sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2); 500 nghìn học sinh sinh viên thành thạo (năm 2 hoặc năm 3) vào doanh nghiệp.
Trong đó, riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng gần 200.000 học sinh, sinh viên thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tham gia tại doanh nghiệp.
Phương án 2 là tiếp tục tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, học sinh, sinh viên sẽ được vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để đảm bảo nâng cao tay nghề.
Nếu được phê duyệt và thực thi, thì “cơn khát” nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao sau đại dịch sẽ sớm được giải.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Không để đứt gãy hàng hoá, chuỗi cung ứng lao động do bị cách ly, phong toả!
12:07, 19/07/2021
Bảo đảm chống dịch hiệu quả để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc
09:19, 11/11/2021
Nhiều lao động tự do chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ
08:32, 11/11/2021
Cần có sàn an sinh tối thiểu cho người lao động
15:59, 10/11/2021
Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động
21:33, 09/11/2021