Doanh nghiệp trong nước muốn vươn ra biển lớn, muốn hoà nhập vào thị trường thế giới thì phải có những liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp nước ngoài.
Sau những thăng trầm của lịch sử, của quốc gia, chúng ta càng thấu hiểu sâu sắc rằng bất kỳ quốc gia nào muốn hùng cường và thịnh vượng, thì phải chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Trong đó, không thể thiếu vai trò của các doanh nhân ở nước ngoài.
Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp luôn đi đầu trong công cuộc hưng thịnh đất nước, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động và sản phẩm phục vụ cho con người, cho cộng đồng xã hội trong nước và thị trường thế giới.
Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua nhiều chính sách quan trọng để tạo đà cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Trong đó, các thể chế, chính sách mới được ban hành đặc biệt chú trọng đến đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp là bà con kiều bào đang sinh sống ở hơn 128 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo báo cáo thống kê mới nhất của các cơ quan có thẩm quyền (Tổng Cục thống kê và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), tổng số kiều hối do bà con kiều bào gửi về Việt Nam sau 30 năm qua đã lên tới hơn 230 tỷ USD - một con số khổng lồ, góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Người xưa đã nói “buôn có bạn, bán có phường” ngày càng được minh chứng một cách cụ thể trong hội nhập toàn cầu. Doanh nghiệp trong nước muốn vươn ra biển lớn, muốn hoà nhập vào thị trường thế giới thì phải có những liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp nước ngoài.
Việt Nam có hơn 6 triệu bà con kiều bào, có nhiều các doanh nghiệp nhỏ và vừa do kiều bào làm chủ ở các thị trường lớn như châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Họ kinh doanh, buôn bán các mặt hàng truyền thống do các doanh nghiệp và người dân trong nước sản xuất. Nếu các sản phẩm này được cung ứng có hệ thống, bài bản, chất lượng cao và vệ sinh an toàn thực phẩm, được các quốc gia hàng đầu thế giới đánh giá cao, chấp nhận thì mặc nhiên sản phẩm của Việt Nam sẽ chia lại thị phần hoặc chiếm lĩnh thị trường hàng tỷ dân mà doanh nghiệp Việt kiều ở nước sở tại làm cầu nối hoặc trực tiếp tiêu thụ sản phẩm từ trong nước xuất khẩu, cung ứng.
Các doanh nhân Việt kiều là những người có nhiều năm sinh sống tại hải ngoại; họ sinh sống, ăn học, làm việc với người bản địa; họ hiểu biết các chính sách của nước sở tại, có quan hệ với các cơ quan chức năng tại bản sứ. Từ đó, doanh nhân Việt kiều là những “đại sứ” nhanh nhạy nhất trong các mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp lớn của nước sở tại để ráp mối, dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước, các tổ chức chính quyền của Việt Nam tiếp cận trong phạm vi nhu cầu mà hai bên cùng quan tâm một cách nhanh nhất, chính xác nhất và hiệu quả nhất.
Hiện nay, bà con kiều bào ở các nước phát triển ngày càng đông. Điều này đã và đang tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp trong nước muốn vươn tầm thế giới. Tại các nước Hoa Kỳ, Canada, Australia, Nhật Bản, châu Âu, Anh Quốc..., bà con Việt kiều đã và đang kết hợp chặt chẽ với Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán hoặc cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thành lập các hiệp hội doanh nghiệp tại nước sở tại để đa dạng hoá các dịch vụ thương mại. Chẳng hạn như tại Canada có Hội doanh nghiệp Việt Nam – Canada bờ Đông và Hội doanh nghiệp Việt Nam – Canada bờ Tây hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam có nhu cầu tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu, đầu tư, giao lưu văn hoá, dạy cho các thế hệ thứ 3 - 4 tiếng Việt và văn hoá Việt.
Mô hình này đã được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có đông đảo bà con Việt kiều triển khai, thu được kết quả khả quan, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam.
Vấn đề đặt ra quan trọng hơn, cấp thiết hơn là Việt Nam cần phải rà soát lại các chính sách cho phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng như sân chơi toàn cầu. Đồng thời, cần lắng nghe, tham khảo các ý kiến của các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà khoa học, trí thức để hoàn thiện thể chế ngày một thông thoáng hơn.
Điều tiên quyết của các cơ quan quản lý Nhà nước là phải lấy quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nhân, doanh nghiệp là tối thượng để xây dựng chính sách phù hợp với Việt Nam và thế giới, từ đó Nhà nước mới thực sự là “bà đỡ”, là đòn bẩy hữu hiệu cho doanh nghiệp phát triển, góp phần đưa quốc gia ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.n