Khắc khoải ngày trở về...

Diendandoanhnghiep.vn Năm tròn 18 tuổi cũng là lúc chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, cùng với lớp thanh niên cùng trang lứa ngày ấy, bác tôi viết đơn tình nguyện ghi tên mình vào bộ đội…

Dằng dặc 30 năm trời lặng thầm cùng đồng đội nằm lại nơi mảnh đất An Giang tận cùng của Tổ quốc, di hài bác tôi - liệt sĩ Trần Ngọc Vinh cũng đã được người thân đưa về nghĩa trang gia tộc ở quê hương. Nay, bác tôi đã được yên nghỉ vĩnh hằng nơi quê cha đất mẹ, nhưng nhớ về ký ức xa xưa nội kể, câu chuyện về người bác hy sinh khiến chúng tôi chẳng thể nào quên.

Ngày ấy, gia cảnh bên nội tôi nghèo, quanh năm đói kém, chạy ăn từng bữa. Nhà đông con nhưng ông bà vẫn tần tảo sớm hôm, bám ruộng, bám đồng để cày cuốc nuôi các cô, chú, bác của tôi lớn khôn ở mảnh đất xây dựng kinh tế xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Cuối những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra cũng là lúc bác Trần Ngọc Vinh đến tuổi trường thành. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đầu năm 1978, người thanh niên Trần Ngọc Vinh viết đơn tình nguyện vào bộ đội, rồi sau này hành quân vào Nam, biên chế vào đội hình của Sư đoàn 320 tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, chống quân Pôn Pốt.

Nay tuổi đã ngoài 90 nhưng cứ mỗi lần nhắc lại người con trai thứ 2 của mình, bà nội tôi vẫn minh mẫn, nhớ như in những hình ảnh mà bác Trần Ngọc Vinh lúc còn chưa ra chiến trận.

Nội tôi kể, hôm bác tôi chuẩn bị lên đường nhập ngũ, bà đi vay mượn tạm của hàng xóm được 2 bát nếp với lưng vơi hạt kê chà sạch hong lên để tối hôm đó cúng gia tiên cầu mong sáng mai con mình tòng quân chân cứng đá mềm.

Nhà đông anh em nên phần “bồi dưỡng” để anh mai vào quân ngũ, bác cứ nằng nặc nhường phần cho các em mình, chỉ nhận về mình chút đỉnh gọi là cầm hơi cho bữa cơm đoàn viên gia đình thêm ấm cúng.

Trong căn nhà tranh vách đất 3 gian, cuộc liên hoan chia tay hôm đó khiến nội tôi vẫn nhớ rành rọt. Những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, theo tiếng gọi của Đảng đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, bà nội tôi là đảng viên nên cùng chồng gồng gánh từ vùng đồng bằng làng Vọng xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu đi lên trước khai sơn lập xóm, cách cố hương hơn 10km.

Bác tôi ngày ấy tuổi cũng đã mười sáu mười bảy. Lúc mới lên, gia tài chẳng có gì ngoài đôi quang gánh ông nội tôi thường xuống mạn kẻ Thơi vùng biển Sơn Hải, Quỳnh Long, Quỳnh Thuận đổi than lấy cá tươi đi bộ lên tận huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, cách nhà hàng chục km để bán lấy tiền đong gạo chạy bữa nuôi các con.

Còn bác tôi ngày ấy cũng tranh thủ những ngày nghỉ học đi đốt than, chặt lau trên rừng về cho mẹ sáng sớm bán ở chợ huyện, lấy gạo về cho cả gia đình ăn.

Năm bác tôi tròn 18 tuổi cũng là lúc chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra. Lớp trai làng cỡ tuổi bác cũng sục sôi lên đường ra chiến trường. Bác tôi hăm hở viết đơn tình nguyện ghi tên mình vào bộ đội. Và, thế là mùa xuân ấy bác tôi đã ra đi để rồi mãi mãi không về nữa.

Tròn 30 năm, qua nhiều kênh, gia đình chúng tôi cũng đã chấp nối được thông tin để biết được chính xác phần mộ yên nghỉ của bác tôi - Liệt sỹ Trần Ngọc Vinh ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Trang để vào thăm viếng, đưa về quê nhà

Tròn 30 năm, qua nhiều kênh xác minh khác nhau, gia đình chúng tôi cũng đã chấp nối được thông tin để biết được chính xác phần mộ yên nghỉ của bác tôi - Liệt sỹ Trần Ngọc Vinh ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Trang để vào thăm viếng, đưa về quê nhà

Nội tôi kể, lúc mới vào lính, bác tôi thường biên thư về cho gia đình đều đặn. Mỗi tháng một lá thư, bức nào cũng dặn dò cha mẹ giữ gìn sức khoẻ và không quên phần hỏi han dạy bảo các em ở nhà, ngày chiến thắng sẽ trở về.

Lúc thì thư viết từ Quảng Trị, lúc đang hành quân đến Đồng Nai, và điểm đến cuối cùng là chiến trường Campuchia. Mùa xuân năm 1979, lá thư bác viết về cho gia đình ở huyện Bảy Núi giáp biên giới Campuchia (nay là huyện Tri Tôn và Tịnh Biên), tỉnh An Giang cũng là lá thư cuối cùng người thân nơi quê nhà nhận được.

Niềm vui mừng vì tin tức con vẫn mạnh khoẻ chưa trọn vẹn thì hơn tháng sau lại nhận tin dữ. “Vô cùng thương tiếc báo tin: Đồng chí Trần Ngọc Vinh đã hy sinh ngày 02, tháng 01, năm 1979…”.

Ngày nhận giấy báo tử, bà tôi đã thẫn thờ suốt thời gian vì đột ngột mất đi một người con trai của mình do bom đạn chiến tranh. Đau đớn thay, mãi sau này, cả gia đình mới biết tường tận bác tôi hy sinh như thế nào.

Đồng đội sau này cho biết, đêm trung tuần tháng chạp dịp Tết Nguyên đán năm 1979, lợi dụng đêm tối, sau khi tổ chức ăn Tết cổ truyền của dân tộc xong, đơn vị tổ chức vượt sông đánh giáp lá cà tiêu diệt bọn Pôn Pốt, bác tôi nằm trong đội hình trinh sát có nhiệm vụ đi trước mở đường.

Nhưng không ngờ đã gặp phải bãi bom mìn mai phục của địch khiến đơn vị hy sinh rất nhiều. Bác tôi bị mìn cắt đi phần chân phải rồi bị hất tung ra xa, máu chảy đầm đìa. Bị thương trong hoàn cảnh toàn đơn vị đang giằng co thế trận với địch, mọi các tác hậu cần, quân y đều căng mình đánh trả, mất quá nhiều máu, bác tôi đã hy sinh trong tư thế tay vẫn cầm chắc súng, đáy ba lô còn lá thư viết dở…

Có lẽ, chẳng có nỗi đau nào khi tin người con ruột rà của gia đình đã ngã xuống vì Tổ quốc. Âu cũng là nỗi đau chung của những người mẹ, người cha có con hy sinh vì đất nước, vì sự nghiệp cách mạng. Kể từ ngày biết tin con trai thứ 2 của mình mãi mãi không còn trở về nữa, vĩnh viễn không thể có thêm một lá thư gửi từ chiến trường biên giới Tây Nam về cho người thân, ông bà tôi đã nén đau thương để gắng gượng nuôi bố tôi và các cô chú trưởng thành.

Cũng chẳng thể nào khoả lấp được nỗi đau, mất mát lớn lao ấy khi niềm hạnh phúc chưa trọn vẹn khi ngày đất nước yên bình, gia đình sum họp thì bác tôi không còn nữa. Đến nay, đã tròn 40 năm, ông nội tôi thì chẳng thể đợi được nguyện vọng đưa con trai của mình từ trong Nam về do thời đó chưa thể xác định được nơi an nghỉ của Liệt sỹ Trần Ngọc Vinh ở nghĩa tang nào nên đã khuất núi vào năm 2002.

Bà nội tôi tóc đã bạc trắng, mắt đã mờ, tay đã run nhưng ngần ấy năm trong chiêm bao, thỉnh thoảng lại thấy bác tôi báo mộng hiện về nhớ cha, nhớ mẹ.

Đến nay, di hài Liệt sỹ Trần Ngọc Vinh đã được yên nghĩ vĩnh hằng ở nghĩa tang gia tộc nhưng câu chuyện về sự hy sinh của bác tôi đã trở thành câu chuyện để thế hệ mai sau nhắc nhở với nhau, cố gắng vươn lên, sống tốt với đời

Đến nay, di hài Liệt sỹ Trần Ngọc Vinh đã được yên nghĩ vĩnh hằng ở nghĩa tang gia tộc, nhưng câu chuyện về sự hy sinh của bác tôi đã trở thành câu chuyện để thế hệ mai sau nhắc nhở với nhau, cố gắng vươn lên, sống tốt với đời

Và, nỗi day dứt ấy của bà tôi cùng gia đình đã được thoả mong khi vào năm 2009, qua nhiều kênh chấp nối thông tin, con cháu cũng tìm ra nơi bác tôi nằm lại chính tại nghĩa trang Dốc Bà Đắc không phải huyện Bảy Núi ghi trong giấy bảo tử mà thuộc địa phận huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cách biên giới Cam Pu Chia chừng 8km.

Khi tôi và các bác, các chú là em ruột của Liệt sỹ Trần Ngọc Vinh có mặt tại nghĩa trang Dốc Bà Đắc để làm lễ và các thủ tục liên quan theo quy định để đưa hài cốt về quê sau đúng tròn 30 năm, bác tôi nằm lại cùng với 6165 liệt sĩ, trong đó có 2450 mộ liệt sĩ chưa rõ tên tuổi, quê quán…

Trong làn khói nhanh nghi ngút, tôi vẫn không thể quên được cái khoảnh khắc hàng nghìn dòng bia mộ hiện ra trước mắt với bao xót thương. Có người quê Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hoá,…rồi cũng không ít người là đồng hương xứ Nghệ với Liệt sỹ Trần Ngọc Vinh khi tuổi đời chưa tròn 20 đã không tiếc xương máu của mình cho đất nước.

Hôm thắp hương làm lễ để xin phép đưa di hài bác tôi về quê cũng vào dịp mùa hoa sứ nở bung giữa cái nắng chang chang miền Tây Nam của Tổ quốc. Cô và chú tôi ôm tấm bia mộ người em trai, anh trai của mình nước mắt cứ nghẹn ngào thương xót.

Ngày về, đông đảo bà con làng xóm, đồng đội đã vây kín để đưa anh linh, hài cốt Liệt sĩ Trần Ngọc Vinh về nơi an nghỉ cuối cùng mà ai cũng rưng rưng nước mắt.

Cho đến tận bây giờ, Liệt sỹ Trần Ngọc Vinh đã mồ yên mả đẹp nơi quê nhà, khi viết lên những dòng này như một nén nhang lòng thành kính nhớ ơn về người đã ngã xuống cho đất nước được thanh bình hôm nay, tưởng nhớ tri ân nhân Ngày thương binh - Liệt sỹ 27/7.

Mỗi lần nhìn di ảnh, con cháu thế hệ chúng tôi chẳng thể nào quên quá khứ hào hùng của bác tôi - Liệt sĩ Trần Ngọc Vinh. Tự hào và vinh dự nhưng vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên để sống tốt với đời, không phụ công lao trời biển mà bác tôi đã không tiếc máu xương, hoá mình vào sông núi để đất nước được thanh bình.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Khắc khoải ngày trở về... tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1710829767 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1710829767 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10