Khách hàng có thể khởi kiện VTVCab

LS Kiều Anh Vũ – Đoàn Luật sư TP HCM 04/04/2018 08:34

Khách hàng có quyền khởi kiện VTVcab nhưng phải chứng minh thiệt hại mà họ phải chịu từ hành vi vi phạm hợp đồng của VTVCab

Quan hệ pháp lý giữa VTVCab và khách hàng trong trường hợp này là quan hệ hợp đồng dịch vụ giữa bên cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng. Do đó, việc VTVCab cắt giảm một số kênh truyền hình mà không thông báo trước hoặc thông báo không đầy đủ, rõ ràng với khách hàng thì trước hết phải căn cứ vào các điều khoản được thỏa thuận trong hợp đồng để xem xét xử lý, giải quyết.

Những kênh

23 kênh "yêu thích" của nhiều khán giả bỗng dưng "biến mất"

Theo đó, cần làm rõ trong hợp đồng các bên có thỏa thuận rõ gói dịch vụ, bảng kênh truyền hình, số lượng kênh, tên kênh truyền hình cụ thể mà VTVCab sẽ cung cấp hay không. Trường hợp trong hợp đồng không xác định rõ thì cần xác định VTVCab có cam kết, niêm yết, công bố hoặc quảng cáo các kênh truyền hình trong bảng kênh mà họ cung cấp hay không. Trong trường hợp này, mặc dù có thể chưa có sự thể hiện rõ ràng, nhưng qua các thông tin phản ánh có thể thấy rằng trước đó khách hàng đều đã được cung cấp những kênh truyền hình đang bị “cắt” và các kênh bị cắt đó vốn dĩ vẫn thuộc phạm vi dịch vụ được cung cấp mà khách hàng đã sử dụng trên thực tế và đã trả tiền.

Được biết, theo nội dung hợp đồng giữa VTVCab và khách hàng cũng có điều khoản quy định quyền của VTVCab về việc thay đổi số lượng kênh và kênh trong mỗi gói kênh theo từng thời điểm phát sóng nếu thuộc các trường hợp: chương trình có phương hại đến an ninh, chính trị quốc gia; chương trình vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam; theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam và trong trường hợp bất khả kháng (các thảm họa thiên nhiên (động đất, lũ lụt, hỏa hoạn,vv…), chiến tranh, mất điện lưới, cháy biến áp, đứt cáp quang, mất tín hiệu do tín hiệu vệ tin đột ngột gián đoạn, thay đổi chính sách theo pháp luật của Nhà nước).

Theo điều khoản đó trong hợp đồng, việc thay đổi được thực hiện sau khi VTVCab đã đăng tải tại trang điện tử http://www.vtvcab.vn và thông báo tới khách hàng dưới một trong các hình thức sau: (i) nhắn tin trực tiếp tới số điện thoại di động của khách hàng (nếu khách hàng đăng ký nhận thông báo bằng tin nhắn); hoặc (ii) gửi thông báo bằng thư bảo đảm, thư điện tử đến khách hàng theo địa chỉ mà khách hàng đăng ký.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc thay đổi kênh, số lượng kênh phải được thông báo đến khách hàng và việc thay đổi chỉ được quyền thực hiện trong một số trường hợp nhất định được nêu trong hợp đồng. Do đó, nếu VTVCab đơn phương “cắt” kênh, thay đổi kênh không thuộc trường hợp thỏa thuận hoặc/và không thông báo cho khách hàng thì đã vi phạm điều khoản trên của hợp đồng (phụ thuộc vào từng hợp đồng cụ thể giữa hai bên).

Ngoài thỏa thuận tại hợp đồng, theo khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nội dung dịch vụ; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Theo khoản 6 Điều này, người tiêu dùng cũng được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức kinh doanh dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Theo quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng dịch vụ, Bộ luật này cũng quy định rõ bên cung ứng dịch vụ chỉ được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ. Do đó, xét ở góc độ quyền của người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng dịch vụ thì VTVCab phải thông tin đầy đủ cho khách hàng về những thay đổi trong phạm vi dịch vụ và khách hàng sẽ được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với những vi phạm này của VTVCab.

Như vậy, nếu VTVCab “cắt” kênh mà không thông báo, thông báo không đầy đủ, không đúng thỏa thuận cho khách hàng, không có ý kiến cua khách hàng thì VTVCab đã có dấu hiệu vi phạm thỏa thuận tại hợp đồng và quy định của pháp luật liên quan như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật Dân sự…

Có thể bạn quan tâm

  • VTVCab vi phạm Luật bảo vệ người tiêu dùng?

    03:15, 03/04/2018

  • Định giá doanh nghiệp nhìn từ VTVcab

    06:10, 25/03/2018

  • Những thương vụ thoái vốn nhà nước đình đám năm 2018 (Kỳ 8): VTVCab có thực sự hấp dẫn?

    11:39, 18/03/2018

  • VTVcab có thể bị \"cắt sóng\" lần hai do bị vi phạm bản quyền

    21:08, 14/03/2017

Với những dấu hiệu vi phạm của bên cung ứng dịch vụ (VTVCab), khách hàng/ người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với VTVCab hoặc yêu cầu VTVCab phải thực hiện đúng hợp đồng về nội dung dịch vụ, khôi phục kênh cho khách hàng. Ngoài ra, khách hàng vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Trong trường hợp này, khách hàng phải chứng minh thiệt hại mà họ phải chịu từ hành vi vi phạm hợp đồng của VTVCab. Ví dụ, khách hàng bị mất những khoản chi phí liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng với VTVCab; chi phí lắp đặt thiết bị mới, sử dụng dịch vụ mới của bên cung ứng dịch vụ khác có các kênh bị “cắt”,… Ngoài ra, khách hàng cũng có thể yêu cầu cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào cuộc.

Nếu VTVCab có những vi phạm như đã phản ánh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo quy định của pháp luật. Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nếu bên cung ứng dịch vụ vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tương ứng với hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

23 kênh truyền hình VTVCab biến mất do… hết hợp đồng với nhà cung cấp?

Theo đại diện bán hàng của công ty Qnet cho biết hợp đồng giữa Qnet và VTVCab đã hết hạn. Trước đó, VTVCab là khách hàng lớn và thân thiết của Qnet trong nhiều năm qua. Chưa biết ẩn tình trong việc VTVCab kết thúc hợp đồng với Qnet ra sao, nhưng điều khiến hàng loạt khách hàng đang bức xúc là VTVCab không thông báo về việc bỏ kênh cũ thay kênh mới, mà chỉ âm thầm xoá các kênh cũ, thông báo bổ sung loạt kênh truyền hình quốc tế mới "theo lộ trình của VTVCab". Đối với các kênh mới vừa được VTVCab đưa vào danh sách kênh, thì những kênh như BOX Movie 1, Hollywood Classics, Dr Fit , Woman… theo Google cho kết quả  thì những kênh này chưa bao giờ được các hãng dịch vụ truyền hình trả tiền trong khu vực biết đến tên gọi, chứ đừng nói tới chuyện chấp nhận phân phối lại.

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khách hàng có thể khởi kiện VTVCab
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO