Hàng loạt vụ phát hiện hàng lậu, hàng cấm lọt vào đường bưu chính chuyển phát trong thời gian gần đây, doanh nghiệp Bưu chính đang phải đối mặt với nhiều rủi ro đến từ “khách hàng không trung thực”.
Mới đây, Tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ 368) - Tổng Cục Quản lý Thị trường và lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện số lượng hàng hóa rất lớn được đóng gói, tập kết tại Cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong (nằm trong khuôn viên cảng ICD Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để chuẩn bị chuyển phát.
Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định có tới trên 100.000 sản phẩm chăn ga, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng các loại có dấu hiệu giả sở hữu trí tuệ, giả xuất xứ và các vi phạm khác…
Thực trạng hàng lậu, hàng cấm bị lọt vào đường chuyển phát không phải là hiếm khi trước đó, ngày 22/5/2020, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Thanh Khê đã bắt giữ lô hàng giày ADIDAS nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ, được gửi theo đường chuyển phát từ Hà Nội vào Đà Nẵng.
Theo Công ty chuyển phát nhanh, trước đó, có một cá nhân đến chi nhánh Hà Nội gửi 7 thùng hàng, yêu cầu chuyển đến Kiệt 65 Hàm Nghi, quận Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) và liên hệ theo số điện thoại được cung cấp để giao hàng cho người nhận.
Chiều 21/5, khi nhân viên của công ty đưa hàng tới địa điểm trên thì lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an quận Thanh Khê đã tiến hành kiểm tra, xác định lô hành không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Lúc này, số điện thoại của người nhận hàng cũng tắt, không liên lạc được. Lô hàng đã bị cơ quan Công an niêm phong, tạm giữ để xử lý theo quy định.
Các vụ việc liên tục xảy ra trong thời gian qua cho thấy những rủi ro đối với các doanh nghiệp chuyển phát khi có những cá nhân, doanh nghiệp làm ăn không chân chính, lợi dụng con đường chuyển phát để đưa hàng lậu, hàng cấm vào lưu thông. Theo Tổng cục Quản lý Thị trường, đây là một thủ đoạn mới, các đối tượng lợi dụng loại hình kinh doanh bưu chính để vận chuyển và tiêu thụ hàng lậu, hàng giả xuất xứ, hàng giả sở hữu trí tuệ, hàng cấm, thậm chí lừa dối người tiêu dùng...
Từ góc độ doanh nghiệp bưu chính, đại diện một doanh nghiệp Bưu chính lớn cho biết: “Chúng tôi luôn chấp hành đúng quy định pháp luật. Để giảm thiểu rủi ro, chúng tôi đã xây dựng một quy trình hết sức chặt chẽ ngay từ khâu chấp nhận bưu gửi của khách hàng. Ngoài việc kiểm tra nội dung hàng hóa khi chấp nhận bưu gửi, chúng tôi luôn yêu cầu khách hàng cung cấp hóa đơn chứng từ theo đúng quy định để vận chuyển kèm hàng hóa, đồng kiểm 100% hàng hóa với khách hàng và trước camera…”.
Có thể thấy, đây cũng là quy trình mà nhiều doanh nghiệp bưu chính lớn thường áp dụng. Tuy nhiên, rủi ro vẫn luôn hiện hữu khi khách hàng không trung thực, cố tình lợi dụng đường chuyển phát để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm.
Luật sư Nguyễn Xuân Bằng, Công ty Luật TNHH KTD, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Điều 11, 12 Luật Bưu chính 2010 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành thì bưu gửi được chấp nhận khi có đủ các điều kiện bao gồm: Không chứa các vật phẩm, hàng hoá gồm mà pháp luật cấm lưu thông; vật phẩm, hàng hoá từ Việt Nam gửi đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu; vật phẩm, hàng hoá từ các nước gửi về Việt Nam mà pháp luật Việt Nam quy định cấm nhập khẩu; vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Có thông tin liên quan đến người gửi, người nhận trên bưu gửi. Đã thanh toán đủ giá cước dịch vụ bưu chính. Được gói, bọc theo yêu cầu của dịch vụ bưu chính.
Mặt khác, theo quy định tại Điểm d, khoản 7, Điều 1, Nghị định 185/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải thích về khái niệm hàng hóa nhập lậu bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn.
Luật sư Bằng cũng phân tích: Trên thực tế, các doanh nghiệp bưu chính không đủ chuyên môn, nghiệp vụ và thẩm quyền để có thể tự xác định được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa có phải là hàng hóa nhập lậu hay không. Tính minh bạch của hóa đơn chứng từ, hoặc thông tin nguồn hàng, xuất xứ sẽ hoàn toàn thuộc trách nhiệm của chủ hàng. Để xác định lô hàng có phải hàng lậu hay không, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thẩm định và đánh giá bằng chuyên môn nghiệp vụ dựa trên toàn bộ chứng từ nguồn gốc của hàng hóa này.
Trong khi doanh nghiệp bưu chính không đủ năng lực, thẩm quyền để kiểm tra hàng nhái, hàng giả hay tính hợp pháp của hóa đơn chứng từ, nhưng nếu tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện bưu gửi là hàng lậu, hàng cấm… thì doanh nghiệp vận chuyển vẫn có thể bị lập biên bản xử phạt, tạm giữ phương tiện vận chuyển, thậm chí có tình huống doanh nghiệp bị nghi ngờ tiếp tay cho việc vận chuyển hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.
Hiện nay, các đối tượng phạm tội lợi dụng hoạt động bưu chính để vận chuyển hàng cấm được cất giấu bên trong hàng hóa hết sức tinh vi. Trong số các thủ đoạn, một trong những thủ đoạn cất giấu tinh vi, phổ biến hiện nay là giấu ma tuý đá methamphetamine trong các túi trà, loa thùng. Điển hình như vào tháng 4/2019, Công an TPHCM phối hợp với các Cục nghiệp vụ - Bộ Công an, Công an tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An triệt phá thành công đường dây tàng trữ, vận chuyển ma túy hơn 1,1 tấn methamphetamine. Khi đó, lực lượng chức năng phát hiện các loa thùng chèn giấu bên trong các gói nylon màu xanh dạng túi trà có in chữ Guanyinwang chứa tinh thể là ma túy ở thể rắn.
Tại Việt Nam, qua tổng hợp, phân tích các vụ việc bắt giữ ma túy của các lực lượng chức năng trong thời gian vừa qua cho thấy, ma tuý thường được "nguỵ trang" dưới dạng các túi trà, cất giấu ma túy trong loa thùng, loa kéo di động để vận chuyển ma túy với số lượng lớn.
Lợi dụng đường Bưu chính để vận chuyển các loại súng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong danh mục hàng cấm nhập khẩu cũng là một tình trạng hết sức nhức nhối. Một số đối tượng buôn lậu đã có những thủ đoạn hết sức tinh vi để vận chuyển các loại vũ khí. Bọn chúng đã đề cao cảnh giác, có sự biến tướng về phương thức, thủ đoạn giao dịch: Những gói hàng, bưu phẩm, bưu kiện được gửi không rõ địa chỉ người bán hoặc nội dung bưu phẩm, bưu kiện được trá hình dưới những loại vật dụng sử dụng cần thiết của mỗi gia đình, ví dụ như: nông sản phẩm, đồ gia dụng,… và được chia nhỏ, lẻ từng bộ phận, gửi thành nhiều lần để lắp ráp thành một loại vũ khí hoàn chỉnh.
Luật sư Bằng chỉ rõ: Khi cơ quan chức năng phát hiện các trường hợp vi phạm, doanh nghiệp bưu chính có nghĩa vụ phối hợp, cung cấp đầy đủ các thông tin của chủ tài sản, của người gửi hàng hóa. Đơn vị vận chuyển không phải chịu trách nhiệm pháp lý mà chủ hàng hóa, người gửi hàng hóa sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong xu thế phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, nhu cầu sử dụng dịch vụ chuyển phát ngày càng tăng mạnh, đưa bưu chính trở thành một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng rất cao. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2019, tổng doanh thu của lĩnh vực bưu chính ước đạt 34.311 tỷ đồng, tăng 22,65% so với năm 2018. Cơ hội phát triển của các doanh nghiệp bưu chính được mở rộng, nhưng kèm theo đó là những rủi ro cũng gia tăng, nhất là những rủi ro đến từ việc khách hàng không trung thực, lợi dụng con đường chuyển phát để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm…
Có thể bạn quan tâm
11:50, 12/11/2020
06:28, 20/09/2020
11:00, 05/09/2020
11:03, 01/08/2020
15:48, 18/07/2020