“Khai tử” dịch vụ đòi nợ thuê

ANH DUY 17/06/2020 16:00

Quốc hội đã chính thức thông qua toàn bộ Luật Đầu tư (sửa đổi) với 92,34% tán thành và không tán thành là 1,66%, trong đó, đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm kinh doanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hồng Thanh trong báo cáo giải trình tiếp thu cho biết, đa số các ý kiến đề nghị cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ” nhưng một số ý kiến đề nghị không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo luật hiện hành, đổi tên thành "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ".

Luật

Luật Đầu tư (sửa đổi) chính thức được thông qua với 92,34% tán thành.

"Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và tiếp thu theo đa số ý kiến, có 317/409 đồng ý với phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Biểu quyết về vấn đề này, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ", Chủ nhiệm Nguyễn Hồng Thanh nói.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động đòi nợ thuê đang biến tướng với các kiểu cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy. Đòi nợ thuê có liên hệ với cho vay nặng lãi, là kinh doanh bạo lực, là sự "nhờ vả" bạo lực để đòi nợ gây mất an ninh trật tự xã hội.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 43 ngày 23/3 đã nêu thực tế 217 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này tại Hà Nội và TP.HCM (đã được cấp phép) hoạt động không lành mạnh có liên quan việc đòi nợ kiểu xã hội đen.

Nghị định 104/2007 là khung pháp lý tạo hành lang cho hoạt động này, tuy nhiên đến nay nghị định này đã không theo kịp và không còn điều chỉnh được các hoạt động kinh doanh đòi nợ trên thực tế. 

Cũng theo Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được thông qua, quy định đối tượng, ngành nghề ưu đãi đầu tư tập trung vào doanh nghiệp công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số...

Đối với quy định ưu đãi là các dự án có quy mô vốn 3.000 tỉ đồng trở lên nhưng yêu cầu nhà đầu tư phải giải ngân tối thiểu 1.000 tỉ đồng trong thời hạn 3 năm. Với dự án ưu đãi đặc biệt, là dự án giải ngân tối thiểu 10.000 tỉ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định đủ mạnh, chặt chẽ để ngăn ngặn những hình thức đầu tư thông qua hoạt động này, đặc biệt là những địa điểm trọng yếu về an ninh, quốc phòng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc đảm bảo an ninh quốc phòng cần hài hòa với nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường thị trấn ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Do đó, việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định gắn với điều kiện đất đai, đảm bảo quốc phòng, an ninh…

Có thể bạn quan tâm

  • Đa số đại biểu Quốc hội muốn cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

    04:56, 05/06/2020

  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Lăn tăn quản hay là cấm?

    04:50, 26/05/2020

  • Hà Tĩnh: Trả “thừa tiền” cho nhà thầu, chủ đầu tư đau đầu đòi nợ

    04:01, 10/05/2020

  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Quản hay là cấm?

    11:28, 23/03/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Khai tử” dịch vụ đòi nợ thuê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO