Khẩn trương xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị

HƯƠNG THU 16/10/2018 17:30

Phần lớn quỹ đất tại các nhà máy xí nghiệp sau khi di dời được sử dụng xây dựng các dự án cao ốc gây gia tăng áp lực dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Là một trong những nội dung được Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đưa ra tại báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, từ tháng 12/2015 đến tháng 9/2018, Bộ đã thẩm định 29 đề án phân loại đô thị, trong đó: 4 đô thị loại I, 3 đô thị loại II, 6 đô thị loại III, 16 đô thị loại IV.

Tính đến nay, toàn quốc có 819 đô thị, bao gồm: 02 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 646 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,8%.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết chưa tuân thủ theo quy định; điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhiều lần theo xu hướng gia tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, thay đổi chức năng sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật song không xem xét trên tổng thể để điều chỉnh quy hoạch phân khu phù hợp, dẫn tới quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt trong các khu vực nội thành, nội thị.

Việc cụ thể hóa, thực hiện các định hướng, chủ trương của quy hoạch chung đã được phê duyệt chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là chủ trương về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh triển khai chậm; quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.

Cũng theo Bộ trưởng Hà, công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị tại hầu hết các địa phương thực hiện chưa đồng bộ; kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm chưa gắn kết với quy hoạch, dẫn tới việc đầu tư dàn trải, không đảm bảo đầu tư đồng bộ giữa nhà ở, khu đô thị, trụ sở… với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng thời thiếu một số công trình kết nối hạ tầng (nhất là giao thông) giữa đô thị và các địa phương lân cận, làm cho tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị và chất lượng sống của người dân.

Cùng với đó, chất lượng một số đồ án quy hoạch còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tế quản lý và phát triển đô thị. Một số đồ án quy hoạch còn thiếu tính khoa học và chưa khả thi. Thời gian lập đồ án thường kéo dài so với quy định, chưa giải quyết kịp thời một số vấn đề vướng mắc trong công tác quản lý, phát triển đô thị.

Bộ trưởng Xây dựng cũng cho rằng, việc lấy ý kiến cộng đồng còn chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa tổng hợp, giải trình đầy đủ, thấu đáo các nội dung góp ý của cộng đồng dân cư; chưa đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và cộng đồng.

Bộ trưởng kiến nghị khẩn trương xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc

Bộ trưởng kiến nghị khẩn trương xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc

Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiến nghị khẩn trương xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc trong Chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định; sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan tới phát triển đô thị, nhà ở bảo đảm yêu cầu sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển, hoàn thành trước năm 2020.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương để lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm về công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng; kiểm tra, rà soát, đánh giá quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch tại các đô thị được nâng loại; mở rộng phạm vi hành chính. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm.

Trước đó, tại Kết luận số 1468/KL-TTCP (ngày 4/9/2018) của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cũng đã chỉ rõ những vấn đề tồn tại của 38 dự án chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, DN nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội (giai đoạn 2003-2016).

Theo Thanh tra, việc triển khai thực hiện công tác di dời và chuyển mục đích sử dụng đất; công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng chưa được chú trọng, việc thực hiện quy hoạch chi tiết và quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc, ngoài ra các chủ đầu tư tự ý điều chỉnh quy hoạch và mục đích sử dụng đất không tuân thủ đúng công năng, ảnh hưởng cộng đồng.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện công tác di dời và chuyển mục đích sử dụng đất, TTCP cho rằng UBND TP Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể nên các DN 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khẩn trương xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO