Việc Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn được bầu làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Mạng lưới cảng biển APEC khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực hàng hải.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 08/11/2021
14:58, 18/10/2021
13:00, 18/10/2021
Tại phiên họp thường niên của Hội đồng cố vấn Mạng lưới cảng biển châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 10 theo hình thức trực tuyến, Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Mạng lưới cảng biển châu Á – Thái Bình Dương (APEC) nhiệm kỳ 2018-2021, được tái bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Mạng lưới cảng biển châu Á – Thái Bình Dương nhiệm kỳ mới.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết: “Đây là kết quả khẳng định sự đóng góp, uy tín, thương hiệu của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn với những sáng kiến đóng góp quan trọng cho việc phát triển Mạng lưới dịch vụ cảng biển châu Á – Thái Bình Dương trong những năm qua. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, khai thác cảng và chuỗi cung ứng”.
Bên cạnh việc bầu Chủ tịch nhiệm kỳ mới, Hội đồng cố vấn đã tiến hành thảo luận và đóng góp ý kiến về các vấn đề ưu tiên của các cảng thành viên như: Tăng cường kết nối thông tin giữa các cảng trong khối về tình trạng tắc nghẽn cảng để điều chỉnh phù hợp cho hải trình của tàu, sự hợp tác với các bên liên quan về giải pháp duy trì chuỗi cung ứng thông suốt, vấn đề giảm khí thải carbon và đẩy mạnh công nghệ số hóa.
Đồng thời nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ cao để xây dựng và phát triển cảng thông minh, tự động hóa trong quản lý và khai thác cảng, vận hành các thiết bị thông minh để tăng hiệu quả khai thác cảng, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống dịch Covid-19…
Đặc biệt, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cũng như ghi nhận, tiếp thu những vấn đề có tính ứng dụng cao, những đề xuất sáng tạo cho dự án phát triển cảng thông minh, tăng cường hiệu quả khai thác cảng, các tiêu chí mới cho việc đánh giá cảng xanh, logistics xanh, phát triển bền vững và trách nhiệm với cộng đồng.
Trước hết cần tạo nền tảng thông tin về tình hình khó khăn của cảng cũng như ùn tắc cảng để chia sẻ thông tin giữa các thành viên APEC, nhằm tăng cường điều phối lưu thông hải trình của tàu nhằm chủ động ứng phó với tình hình tắc nghẽn cảng tại các khu vực như Đông bắc Á và Mỹ hiện nay.
Cụ thể, đề xuất chuẩn hóa nền tảng tiêu chuẩn chung để chia sẻ thông tin về tình hình, khó khăn của cảng trong khu vực APEC, các bên cần thông báo sớm về tình hình tắc nghẽn của các thành viên để có sự chuẩn bị tốt cho việc bố trí cầu bến đón tàu và giao nhận hàng hóa thông suốt.
Thứ hai, đánh giá về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, giải pháp quản trị tốt điểm nghẽn đề xuất thúc đẩy và tăng cường số hóa qua việc điều hành thông qua quản lý thiết bị thông minh và tự động. Đồng thời, khuyến khích phát triển và sử dụng các chúng từ điện tử ( E- documents) để giảm tiếp xúc trực tiếp, điều này sẽ giúp giảm nguy cơ lây bệnh, đảm bảo đủ nhân lực và tăng hiệu quả các hoạt động khai thác cảng và Logistics
Bên cạnh thúc đẩy số hoá thì cần ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động tuyến đầu như công nhân làm hàng trực tiếp với tàu và hoa tiêu dẫn tàu là lực lượng có nguy cơ cao từ các nguồn lây nhiễm virus Covid.
Đại diện Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các bên liên quan trong chuỗi cung ứng với cảng để tránh được ùn tắc hàng hóa và đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt.
Đề xuất thành lập Ủy ban giải quyết các vấn đề khẩn cấp trong chuỗi cung ứng mà Nhà khai thác cảng là nhân tố trung tâm để hợp tác, liên kết với các bên liên quan như hải quan, hãng tàu, FWD, chủ hàng, nhà vận tải… để giải quyết nhanh chóng và hiệu quả khi có các vấn đề phát sinh.
Áp dụng Quy trình khai thác chuẩn (SOP) để chia sẻ kinh nghiệm giũa các cảng thành viên trong mạng lưới APEC để đảm bảo hoạt động đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả.
Sử dụng bảng phân loại đánh dấu màu sắc cho tàu đến từ các khu vực khác nhau (05 màu : Xanh, vàng, cam, nâu, đỏ để phân loại các khu vực có mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đó có các phương án đón tàu và giải phóng tàu một cách phù hợp, an toàn. Trong đó các tàu đến từ vùng xanh thì an toàn, còn các tàu đến từ vùng đỏ thì nguy cơ lây bệnh cao nên phải có biện pháp phòng chống dịch Covid 19 ở cấp độ cao nhất.
Thứ ba, Hướng tới việc cắt giảm khí thải , bảo vệ môi trường như cảng có lượng khí thải Carbon thấp, Hội đòng đề nghị ứng dụng hệ thống CNTT mới kết hợp quản lý bến bãi, tăng cường độ chính xác trong thao tác xếp dỡ container để hạn chế tối đa các hoạt động không hiệu quả nhằm tiết kiệm năng lượng. Điều khiển điện thông minh cho khu vực văn phòng và khu vực Cảng. Khuyến khích cung cấp năng lượng trên bờ sử dụng mạng lưới điện thay vì máy phát điện trên tàu. Chuyển nhiên liệu thiết bị cũ sang nhiên liệu mới như LNG hay nhiên liệu Hydro trong tương lai.
Đồng thời đề nghị Trung tâm Nghiên cứu Cảng biển APEC nghiên cứu đưa tiêu chí Các-bon thấp để đánh giá Giải thưởng Cảng Xanh (GPAS) APEC trong những năm tới và hạng mục cảng trung tính cac-bon cho nghiên cứu trong tương lai.
“Chủ đề của phiên họp Hội đồng năm tới sẽ là: Phục hồi chuỗi cung ứng bị gián đoạn & phát triển bền vững”, ông Bùi Văn Quỳ chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 08/11/2021
02:00, 20/10/2021
14:58, 18/10/2021
13:00, 18/10/2021