Trong vòng 2 năm qua, rất nhiều người dân và du khách bị "cấm cửa" khi đến tham quan lầu Bảo Đại trên núi Cảnh Long (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bởi chủ đầu tư dự án Khu biệt thự cao cấp Bảo Đại.
Buổi sáng, không khí trong lành, dưới ánh nắng mai vàng ấm áp, … Ðêm về, trăng thanh gió mát, mùi hương thoang thoảng quanh vườn, những ánh đèn câu trên biển lung linh huyền diệu, từng cơn gió hiu hiu thổi, trời se lạnh, không gian yên tĩnh, chỉ có tiếng ru ngàn đời của biển khơi…Nhưng đó cũng chỉ trong ký ức của người dân và du khách nghĩ về lầu Bảo Đại tại TP Nha Trang.
Lập chốt, cấm khách
Lầu Bảo Đại tọa lạc trên đỉnh núi Cảnh Long (người địa phương gọi là núi Chụt), do người Pháp xây dựng từ năm 1923 với kiến trúc ban đầu là 5 căn biệt thự, mục đích làm nơi ở cho các kỹ sư, nhân viên người nước ngoài của Viện Nghiên cứu biển (nay là Viện Hải dương học Nha Trang).
Cách trung tâm TP Nha Trang khoảng 6km, kiến trúc độc đáo của di tích này là kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Tây với nghệ thuật hoa viên phương Đông. Đây được xem là một di tích - danh thắng nổi tiếng và thực tế rất nhiều du khách cũng như người dân thành phố biển Nha Trang đến đây tham quan.
Lầu Bảo Ðại gồm 5 toà biệt thự được xây dựng theo kiến trúc Pháp trong một khuôn viên rộng 12ha, ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ xanh tốt quanh năm bốn mùa lộng gió. Kiến trúc và cảnh quan hài hoà chính là nét độc đáo, tạo cho du khách cảm giác thật thoải mái… Mỗi biệt thự trên lầu Bảo Đại được đặt một cái tên gắn với cây trồng xung quanh, như: Xương Rồng, Hoa Sứ, Hoa Giấy, Phượng Vỹ và Cây Bàng.
Trong đó, biệt thự Nghinh Phong (Xương Rồng) và Vọng Nguyệt (Hoa Sứ) được chọn làm nơi nghỉ mát của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Cả 2 ngôi biệt thự được xây dựng theo nghệ thuật kiến trúc cổ điển Pháp có sự kết hợp hài hòa với nghệ thuật hoa viên xây dựng cung điện.
Chính sự kết hợp hài hòa giữa khung cảnh tuyệt đẹp núi và biển, nên từ lâu lầu Bảo Đại được hàng ngàn lượt chia sẻ trên cộng đồng mạng trong và ngoài nước. Nhiều du khách bày tỏ, nếu đến Nha Trang mà chưa đặt chân đến lầu Bảo Đại thì xem như chưa đến đây.
Nhưng điều đó chỉ còn trong quá khứ, bởi hiện nay lầu Bảo Đại đang bị những vết thương khó lành theo thời gian, qua những dự án hoành tráng. Trong vòng 2 năm qua, có rất nhiều du khách thấy lạ khi đến lầu Bảo Đại tham quan nhưng nơi đây dường như kín cổng cao tường, đường lên di tích bị đặt trạm gác 24/24.
Lầu Bảo Đại bây giờ gần như bất khả xâm phạm bởi bảng nội quy, bút tích những quy định do Tổng Giám đốc Công ty Khánh Hà, doanh nghiệp đang thực hiện dự án tại đây, ghi rõ: “Tuyệt đối không cho người lạ vào mục tiêu bảo vệ”. Nội quy được ký từ tháng 3-2015, tức là 3 năm qua, lầu Bảo Đại trở thành một di tích “chết” trong lòng du khách.
Đừng bỏ quên “quá khứ”
Nhiều du khách trong và ngoài nước đến TP Nha Trang tỏ ra thắc mắc, khó hiểu khi đến tham quang tại lầu Bảo Đại nhưng rồi cũng đành ngậm ngùi bỏ đi sau một thoáng nhìn vô vọng con đường Phượng Vỹ đẹp chạy dài lên núi Cảnh Long. Buồn hơn khi nó đã được giới thiệu là rất đẹp từ lâu trên cẩm nang du lịch khi đến Nha Trang.
Theo Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa, từ năm 1995, lầu Bảo Đại được xếp vào danh sách di tích văn hóa lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. 5 ngôi biệt thự xác định nằm trong vùng 1, kiểm soát chặt chẽ theo Luật Di sản văn hóa.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 08/04/2018
16:43, 08/12/2017
10:53, 03/01/2016
Thế nhưng, không hiểu vì sao từ năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho chủ trương Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) liên kết với Công ty CP Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP đầu tư Khánh Hà triển khai thực hiện dự án Khu biệt thự cao cấp Bảo Đại với tổng vốn đầu tư 478 tỷ đồng.Đến năm 2014, UBND tỉnh có quyết định thu hồi 13,5ha (8,8ha đất và 4,7ha mặt nước) do Khatoco quản lý giao cho Công ty Khánh Hà thuê để thực hiện dự án, thời hạn đến năm 2063.
Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, đã nhiều lần có ý kiến việc xây dựng dự án ở lầu Bảo Đại là đụng đến di tích văn hóa, đụng đến khu vực có vị trí đẹp bậc nhất ở Nha Trang, thế nhưng, không hiểu sao dự án vẫn triển khai kỳ được.
Luật Di sản văn hóa quy định rõ, việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích đều không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây chủ đầu tư khi thực hiện dự án đã đập phá đi một số công trình, sườn đồi bị đào bới gây sạt lở..., nhiều cây cối được di dời, nhiều hạng mục thi công quanh sườn núi dang dở, rất dễ xảy ra sạt lở qua các trận mưa lớn, nguy cơ làm biến dạng cảnh quan vốn có nơi đây là rất cao. Điều lo lắng nhất chính là nơi đây sẽ có nhiều công trình bê-tông mọc lên san sát, sẽ phá hủy cảnh quan vốn có của lầu Bảo Đại.