Phát triển nguồn nhân lực được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng.
Nhận thức tầm quan trọng đó, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển đào tạo nguồn lao động cũng như liên kết với các trường đào tạo hỗ trợ lao động có tay nghề cho doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 4 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 06 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 17 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực ở các cấp trình độ đào tạo, cũng như lĩnh vực các ngành, nghề đào tạo.
Nhằm hỗ trợ nguồn nhân lực cao để đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại Tỉnh Khánh Hòa. UBND tỉnh đã ra nhiều Quyết định về xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và bồi dưỡng xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả của lao động trên địa bàn toàn tỉnh.
Một trong những giải pháp có tính đột phá là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề.
Trong công tác của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa hàng năm, đã đưa nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển nguồn nhân lực của khối sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên tiến hành tổ chức các lớp cho các doanh nghiệp, người lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm tạo cơ hội tiếp xúc giữa người lao động và người sử dụng lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường lao động,…
Bên cạnh đó, việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp và tay nghề cho người lao động và trong một số lĩnh vực đáp ứng được phần nào nhu cầu về nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; từ đó, các doanh nghiệp đã thay đổi tích cực về hiệu quả sản xuất kinh doanh, ứng dụng chuyên môn, nghiệp vụ trong thực tiễn. Nâng cao năng suất lao động, hiệu quả thực hiện công việc.
Riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 136.181 người, trong đó tuyển sinh cao đẳng 14.008 người và trung cấp 17.838 người (chiếm tỷ lệ 23,4%); tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho 104.5335 người (chiếm tỷ lệ 76,6%), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh cuối năm 2020 lên 80%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 60%.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2021-2025 đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước. Đến năm 2030, Khánh Hòa phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Đến năm 2045, Khánh Hòa trở thành địa phương phát triển hiện đại, thu nhập bình quân của người dân Khánh Hòa thuộc nhóm các tỉnh, Thành phố cao nhất cả nước. Tập trung xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và của cả nước.
Chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng đề ra đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 85%; tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%. Riêng chương trình phát triển nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 đề ra nhiệm vụ: Tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sử dụng của các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như phát triển kinh tế biển, các nhóm ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; nhân lực chất lượng cao cho 3 vùng động lực của tỉnh.
Để đạt mục tiêu này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang “xây dựng chiến lược” phát triển dạy nghề, với kỳ vọng tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ trong hệ thống dạy nghề từ Cung sang Cầu, trên cơ sở bám sát định hướng đào tạo dạy nghề dựa theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Một trong những giải pháp có tính đột phá là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề. Thay vì doanh nghiệp đứng ngoài, thụ động thì nay họ chủ động tích cực tham gia vào hệ thống này với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời cũng là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình.
Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề mà tỉnh Khánh Hòa đã và đang đặt ra sẽ góp phần đào tạo đội ngũ lao động đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển - xã hội của tỉnh trong những năm tới.
Có thể bạn quan tâm