Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã biểu dương EVN cùng các đơn vị liên quan đã tích cực triển khai dự án, đưa công trình vào hoạt động sớm hơn tiến độ 3 tháng, đảm bảo chất lượng và đáp ứng các yêu cầu về môi trường.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 được đầu tư công nghệ hiện đại, có tỉ lệ nội địa hóa cao và là một trong những NMNĐ có chất lượng hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những công trình tạo tiền đề để xây dựng tỉnh Bình Thuận thành trung tâm năng lượng của cả nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận nói riêng, khu vực phía Nam và cả nước nói chung.
“Dự án đưa vào vận hành đã cung ứng sản lượng điện rất lớn cho hệ thống điện quốc gia, góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng điện, nhất là trong bối cảnh nhiều dự án nguồn điện lớn khác bị chậm tiến độ, có những dự án rất khó khăn, chưa có giải pháp tháo gỡ” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
20:19, 02/07/2018
11:00, 03/10/2017
14:51, 27/09/2017
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu EVN trong thời gian tới cần quản lý, vận hành Nhà máy an toàn, tin cậy để góp phần đảm bảo cung ứng điện cho đất nước; tuyệt đối không được để xảy ra ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành sản xuất.
Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, cùng với việc đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, hàng năm, Việt Nam cần bổ sung 5.000 - 6.000 MW công suất nguồn điện mới, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, EVN cần phải đẩy mạnh huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình điện, khuyến khích các dự án sử dụng vốn ngoài nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư,... đảm bảo đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước với chất lượng ngày càng cao.
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, đến nay, EVN đã cơ bản đã hoàn thành công tác điện khí hóa toàn quốc, đạt chỉ tiêu về đích của Đảng, Chính phủ giao đến năm 2020. Hiện nay, 100% số xã, 99,37% số hộ dân trên cả nước đã được sử dụng điện. EVN cũng đã cung cấp điện cho 11 huyện đảo, góp phần giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo.
Công suất đặt của toàn hệ thống điện đã đạt 53.326 MW, đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 23 trên thế giới.
Cũng theo ông Dương Quang Thành, nhiều năm qua, cơ cấu nguồn điện trong hệ thống điện Việt Nam đã thay đổi theo hướng ngày càng đa dạng hơn về loại hình; trong đó, sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than ngày càng đóng vai trò quan trọng (hiện chiếm khoảng 37% toàn hệ thống).
Riêng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, kể từ khi đưa vào vận hành, các tổ máy đều phát huy được công suất thiết kế, kịp thời bổ sung sản lượng thiếu hụt của hệ thống điện trong mùa khô năm 2018 và 2019; góp phần quan trọng cho việc vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia. Đến nay, Nhà máy đã phát lên lưới sản lượng điện trên 10,6 tỷ kWh.
Lãnh đạo EVN cũng cam kết sẽ đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, đảm bảo các điều kiện về môi trường và công khai thông tin về người dân và chính quyền địa phương theo dõi, giám sát.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống với thông số hơi siêu tới hạn, đốt than nhập khẩu. Đây là công nghệ hiện đại, công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lý và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Nhà máy đã được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Chất lượng khí thải, nước tuần hoàn qua hệ thống xử lý đưa ra môi trường đều thấp hơn các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam; các thông số về môi trường được truyền online về giám sát tại Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận.
Công trình này cũng là Hợp đồng EPC nhà máy điện đầu tiên mà một đơn vị tư vấn trong nước (Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2) tham gia với tư cách một thành viên của Tổ hợp nhà thầu EPC, đặc biệt là trong công tác thiết kế.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là dự án cấp bách, nhằm đáp ứng nhu cầu điện giai đoạn 2014 - 2020 và giai đoạn sau năm 2020. Nhà máy có tổng vốn đầu tư: 36.000 tỷ đồng; Công suất lắp đặt 1.200 MW; Nhà máy được khởi công tháng 3/2014, hoàn thành ngày 31/3/2018, vượt tiến độ 03 tháng. Sản lượng điện sản xuất khoảng 7,2 tỷ kWh/năm.