Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang nhìn thấy khát vọng của chính mình trong khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường.
>>>Doanh nhân Việt và sứ mệnh “vượt trước”
Đại dịch chưa kết thúc trên cả quy mô toàn cầu cũng như tại đất nước của chúng ta, nhưng đã xuất hiện những ánh sáng mới với một niềm tin đã được khẳng định: nhân loại cũng như dân tộc ta sẽ nhanh chóng đi qua đại dịch COVID-19. Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam có sự phục hồi mạnh, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn hạn chế, đòi hỏi cần nhiều các giải pháp đột phá để phục hồi và phát triển bền vững.
Doanh nhân Việt Nam với khát vọng phát triển sẽ được nâng lên tầm mức mới sẽ nhanh chóng vượt lên những hậu quả của đại dịch để lại, sẽ tiếp tục một cách mạnh mẽ hơn, đầy bản lĩnh hơn trong công cuộc hiện thực hóa khát vọng dựng xây đất nước cường thịnh đã ngàn đời nay của dân tộc ta.
Với mong muốn Việt Nam phải có ít nhất một thương hiệu được thế giới công nhận, người đứng đầu tập đoàn Vingroup chia sẻ: Vingroup đã thử một số lĩnh vực và thấy chỉ có VinFast, chỉ có xe điện mới có thể là cơ hội để đạt được điều này. Mặc dù sẽ không đơn giản.
Tự tin vào khả năng cạnh tranh của VinFast, một thương hiệu đến từ quốc gia chưa có nền công nghiệp phát triển - khi bán xe tại Mỹ, châu Âu... ông Phạm Nhật Vượng cho rằng, đó là nhờ chất lượng xe, giá hợp lý, các chính sách hậu mãi tốt cho khách hàng và chiến lược marketing trực tiếp. Thông qua các triển lãm, người tiêu dùng được trải nghiệm thực tế với sản phẩm.
“Đây là thời cơ vàng để xe VinFast có thể chiếm lĩnh thị trường, tạo dựng được thương hiệu” - ông Phạm Nhật Vượng đã từng nhấn mạnh. Đặc biệt, định hướng của Vingroup mang VinFast ra nước ngoài không phải vì lợi nhuận mà là để thực hiện khát khao: đưa lá cờ Tổ quốc bay cao, bay xa.
“Tôi đã sống và làm ăn ở nước ngoài hơn 22 năm, dù có rất thành công và được coi trọng ở đó, nhưng vẫn thấy rất rõ là người Việt mình chưa được thế giới coi trọng. Nhiều người Việt ở nước ngoài, ra đường lại nhận mình là người Nhật, người Hàn. Tôi muốn góp thay đổi phần nào việc này. Với VinFast, đến giờ thì lo lắng có, căng thẳng có, nhưng chỉ có tinh thần quyết chiến là dâng cao thôi. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình để “lá cờ” này ngày càng cao, xa hơn” – ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh.
Vị Chủ tịch tập đoàn Masan cho biết: Masan sẽ tiếp tục đón nhận thay đổi và dẫn đầu xu hướng để vươn tới những đỉnh cao mới, những khát vọng mới. Hành trình của Masan là làm chủ công nghệ, kết nối vạn nhu cầu để phụng sự người tiêu dùng.
Để thực hiện được điều đó, Masan cần chuyển đổi thành một nền tảng tiêu dùng ứng dụng công nghệ. Thông qua các bước đi chiến lược như nhân rộng mô hình “mini mall” tại mỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích thương hiệu WinMart/WinMart+ và kết nối thói quen mua sắm offline của người tiêu dùng thành một trải nghiệm đa kênh thuận tiện, liền mạch từ offline đến online (O2) và giúp tập đoàn gia tăng lợi nhuận.
Mini mall là chìa khóa để hợp nhất toàn bộ nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng và mở rộng quy mô nền tảng O2. Tập đoàn sẽ phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày bằng những thương hiệu mạnh cung cấp nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính, dịch vụ đồ uống trà, cà phê và chăm sóc sức khỏe. Hai mảnh ghép còn thiếu trong hệ sinh thái là lĩnh vực nội dung, giải trí cũng sớm được bổ sung, hoàn thiện để tăng cường khả năng tương tác và gắn kết mạnh mẽ với người tiêu dùng.
Masan dự kiến xây dựng mô hình kiốt kỹ thuật số đa tiện ích tại các cửa hàng offline để cung cấp một giải pháp liền mạch, tích hợp tài khoản mua sắm, viễn thông, tài chính với chương trình khách hàng thân thiết.
"Khát vọng số" là một phần trong khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường thịnh vượng vào năm 2045, khi chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày lập quốc. Với CMC, mục tiêu cụ thể của Khát vọng số là đưa Việt Nam trở thành trung tâm dịch vụ số Digital Hub của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngay từ năm 2017, CMC đã đưa ra tầm nhìn khát khao chinh phục thế giới số - Aspire to inpire the Digital World khi định vị chiến lược mới. Vào năm 2019, CMC đã hoàn thiện đề xuất về một khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm số thế giới - Digital Hub. Khát vọng số đó được lan tỏa trong mọi hoạt động của CMC và được tất cả các cán bộ CMC thấm nhuần.
Trên cơ sở mục tiêu chiến lược của Bộ Thông tin & Truyền thông đề ra để đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ số, CMC xây dựng và tập trung 3 chiến lược đột phá.
Thứ nhất là xây dựng chuyển đổi số, nền tảng số đẳng cấp thế giới - World Class. Thứ hai, tạo ra thị trường dịch vụ số rộng lớn không chỉ tại Việt Nam mà còn là toàn cầu. Thứ ba, tạo ra môi trường không gian để là nơi hội tụ tinh hoa nhân lực số toàn cầu về Việt Nam xây dựng đất nước.
Chúng tôi tin tưởng rằng nếu mỗi chúng ta với gần 100 triệu con người Việt Nam đều có những khát vọng lớn đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước, như Khát vọng số của CMC, thì mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường - thịnh vượng sẽ không còn xa, có thể sẽ đến trước năm 2045.
>>>Mong đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh
>>>Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
Làm việc với rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại châu Âu, Phúc Sinh Group nhận thấy, biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid - 19 đã khiến các doanh nghiệp châu Âu thay đổi tư duy, quan tâm đến sự phát triển bền vững và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nông sản, công nghiệp nhập khẩu từ các nước đối tác. Tín hiệu mới của thị trường đã định hướng phát triển cho tương lai. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và chế biến ở Việt Nam không thể đi chệch với xu hướng tất yếu này, bắt buộc phải quan tâm hơn hơn đến phát triển bền vững.
Đây vốn là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam, sản xuất không gắn chặt với các vùng nguyên liệu, chế biến, kể cả doanh nghiệp đi xa nhất là xây dựng các nhà máy hiện đại cũng ít gắn liền với nông dân. Do vậy, để phát triển nông nghiệp và gia tăng sản lượng, chất lượng hàng hóa vào châu Âu, các doanh nghiệp Việt cần phát triển các vùng trồng và kiểm soát theo chuỗi, quan tâm đến truy suất nguồn gốc và người nông dân hơn nữa để lợi nhuận của doanh nghiệp gắn chặt với nông nghiệp, nông dân, với vùng nguyên liệu, với sự phát triển bền vững của vùng đất đó.
Đồng thời, quan tâm phát triển chiều sâu trong ngành nông nghiệp và công nghiệp thông qua việc đầu tư vào ngành chế biến. Doanh nghiệp không đầu tư chế biến, việc cạnh tranh càng trở nên khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, để đạt được doanh số tăng 50% so với cùng kỳ 2021, Phúc Sinh đã đầu tư rất nhiều vào các hoạt động có chiều sâu, phát triển bền vững để đáp ứng với nhu cầu mà thế giới đã thay đổi hoặc có đòi hỏi cao hơn.
KIDO đánh dấu sự trở lại thị trường bánh kẹo bằng những sản phẩm mới có chất lượng cao, yếu tố văn hóa và phục vụ tiện lợi cho người tiêu dùng hàng ngày. Những dòng sản phẩm này không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn mang văn minh, văn hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước trên thế giới.
Tập đoàn đang có tham vọng đạt lợi nhuận tỷ đô và song hành với mục tiêu này là câu chuyện cạnh tranh và thị hiếu trên thị trường. Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng, nhất là của giới trẻ về sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm không chỉ để thưởng thức, làm quà biếu, giới trẻ mà còn liên quan đến thói quen “check-in” trước khi sử dụng, KIDO nhận thấy nhà sản xuất phải biết nâng giá trị sản phẩm về khẩu vị, chất lượng mẫu mã, bao bì chứ không phải là làm ra sản phẩm rẻ hơn để cạnh tranh.
Vì vậy, ở thời điểm khởi đầu, giữa Việt Nam với các nước khu vực và thế giới có khoảng cách rất xa. Nhưng ngày nay khoảng cách này ngày càng rất gần, thậm chí bao bì, thiết bị sản xuất đều có thể làm được tốt hơn.
Trong sự thay đổi này, sự tham gia của lớp trẻ trong chiến lược đổi mới ngành hàng truyền thống được đánh giá cao. Các bạn trẻ nắm bắt tốt các xu hướng mới, được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Tuy nhiên, kinh nghiệm và sự quyết đoán là thế mạnh của lớp nhân sự đi trước. Lúc này, vai trò của nhà lãnh đạo rất quan trọng trong việc quyết định chiến lược và tạo ra sự đồng thuận trong tập thể.
Bản thân tư duy của người lãnh đạo phải luôn thay đổi. Mình phải thể hiện bằng những công việc mình làm là đúng, những quyết định của mình là đúng. Cả thế hệ trước và thế hệ kế thừa đều phải thấy được, nhưng thay đổi làm sao thuyết phục được? Mình phải thuyết phục bằng những công nghệ và số liệu.
Là doanh nghiệp xuất khẩu trái cây hàng đầu Việt Nam, tiên phong đưa quả xoài sang thị trường Mỹ, quả vải thiều sang Nhật Bản cùng hàng vạn tấn hoa quả sang các nước nhưng đại diện công ty Chánh Thu cho biết: tiềm năng thị trường, đặc biệt đối với sản phẩm trái cây chế biến sâu chưa được khai thác hết.
Qua đại dịch Covid-19, tìm hiểu thị trường xuất khẩu chủ lực, nhất là thị trường Mỹ, doanh nhân Chánh Thu nhận thấy người Mỹ quan tâm sản phẩm sầu riêng đông lạnh của Việt Nam và hiện chúng ta đã chiếm được khoảng 1/3 thị trường sầu riêng ở Mỹ. Tuy nhiên, thị phần này tiếp tục được mở rộng nếu các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt liên kết cùng hợp tác và phát triển. Vấn đề này đang được các doanh nghiệp Thái Lan thực hiện tốt. Sầu riêng của họ đã vào thị trường Mỹ nhiều năm nhưng gần như không bao giờ bị loạn về giá. Dù có bán với giá cao hơn sầu riêng của Việt Nam thì có thị phần lớn.
Vì vậy, vị doanh nhân mong muốn các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Mỹ có thể ngồi lại với nhau, cùng nhau xây dựng chiến lược để có thể tạo ra sự cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng ở thị trường Mỹ. Còn cạnh tranh nhau chỉ trong 1/3 thị phần, chúng ta đánh mất đi nhiều thứ khác.
Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam liên kết, hợp tác sẽ cải thiện chuỗi liên kết để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu nông sản số lượng lớn của các đối tác là tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ và cũng là của thế giới. Những tập đoàn toàn cầu này có hệ thống cửa hàng ở nhiều quốc gia, từ Mỹ, chúng ta bước vào thị trường vô cùng rộng lớn hơn rất nhiều. Lợi ích kép này, một doanh nghiệp không đủ sức làm được.
“Chúng ta phải đi cùng nhau để xây dựng niềm tin, đi cùng nhau để xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia. Đi cùng nhau để khi làm việc với các tập đoàn lớn trên thị trường quốc tế, câu chuyện về nông sản Việt Nam sẽ không còn là của riêng Chánh Thu, riêng Đồng Giao, riêng Nafoods… nữa. Sẽ là một tập đoàn đủ lớn có thể đại diện cho Việt Nam, có thể đa dạng hóa rất nhiều sản phẩm, có thể tự tin giới thiệu sản phẩm nông sản của Việt Nam trên các chuỗi hệ thống mang tầm quốc tế. Đó chính là mục tiêu tôi đang bám sát và xây dựng chiến lược phát triển cho Chánh Thu trong thời gian sắp tới” – vị doanh nhân chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Khát vọng doanh nhân về một quốc gia hùng cường
22:29, 01/01/2022
Doanh nghiệp vững mạnh, Quốc gia hùng cường, thịnh vượng: “Trái tim khỏe” của nền kinh tế
08:49, 07/01/2022
Tâm thế mới cho doanh nhân Việt
16:08, 30/08/2022
Cơ đồ, uy tín quốc gia có đóng góp quan trọng từ đội ngũ doanh nhân
10:47, 19/08/2022