Khát vọng quốc gia phát triển

TS. NGUYỄN VĂN ĐÁNG - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 24/01/2023 05:00

Lịch sử thế giới hiện đại cho thấy sự phát triển đột phá của bất kỳ quốc gia nào cũng đều được dẫn dắt bởi những khát vọng.

>>Kiến tạo một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Về bản chất, khát vọng là sự phản ánh các giá trị mà mọi thành viên trong một cộng đồng đều hướng đến, đều khát khao, đều mong muốn đạt được (như độc lập, tự do, hùng cường). Thế nên khát vọng có vai trò truyền cảm hứng, tạo động lực tinh thần, và kết nối xã hội, tạo ra sức mạnh tập thể.

Từ khoảng nửa sau thế kỉ 19, trước mối đe dọa từ các nước phương Tây, khát vọng hùng cường đã hình thành trong lòng nước Nhật. Các nhà tư tưởng của Nhật Bản đã đề ra các tư tưởng truyền cảm hứng cho mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội để họ có thể thay đổi và thích ứng, đưa đất nước tiến lên hùng cường, ứng phó với họa thực dân xâm lược. Khoảng những năm 1960, các nhà lãnh đạo Singapore, điển hình nhất là ông Lý Quang Diệu, có khát vọng đưa đảo quốc này vươn lên hạng nhất, sánh cùng các quốc gia phát triển nhất, và họ đã hiện thực hóa được khát vọng sau hơn 30 năm.

Khát vọng phát triển

Đất nước chúng ta có một lịch sử lâu dài và các thế hệ cha ông đã từng khát vọng về một quốc gia độc lập, thể hiện qua quyết tâm xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc trước những mối đe dọa đến từ bên ngoài. Sau năm 1945, khát vọng của chúng ta là thống nhất đất nước, và sau năm 1986 là khát vọng đổi mới để đưa đất nước thoát ra khỏi khó khăn thời kỳ hậu chiến. Mới đây, đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định sự nhất quán về hệ giá trị mà chúng ta theo đuổi, phản ánh khát vọng của người dân Việt Nam trong thời kỳ mới, đó là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trước hết, chúng ta nỗ lực để thay đổi hiện trạng nền kinh tế, cải thiện thu nhập và mức sống cho người dân. Thứ hai là đất nước phải hùng mạnh cả về quốc phòng, khoa học kỹ thuật, và văn hóa. Thứ ba là nhân dân phải được làm chủ, tức là xây dựng được hệ thống quản trị quốc gia mà mọi quyền lực thực sự thuộc về nhân dân. Tiếp đó là công bằng xã hội, tức là chúng ta hướng đến một cấu trúc xã hộ cân bằng và hài hòa, phát triển mang tính bao trùm để mọi giai cấp, mọi tầng lớp, hay mỗi cá nhân đều có thể tham gia vào tiến trình phát triển, đóng góp và cùng thụ hưởng thành quả phát triển. Cùng với đó là xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, coi hạnh phúc của nhân dân chính là đích đến của tiến trình phát triển.

Sự cụ thể hóa hơn nữa của hệ giá trị phản ánh những khát vọng tập thể nêu trên chính là tầm nhìn lãnh đạo: đưa đất nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để được công nhận là quốc gia phát triển thì chúng ta phải nâng được thu nhập bình quân đầu người lên mức từ 12.000 - 15.000 USD/ năm, chỉ số phát triển con người HDI phải vượt mức 0,8. Bên cạnh đó, một quốc gia phát triển cũng phải giải quyết được những vấn đề mang tính cấu trúc xã hội, chẳng hạn như giảm bất bình đẳng xã hội, kiến tạo xã hội hợp tác và đoàn kết.

>>Cộng đồng doanh nghiệp phấn đấu xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng!

>>VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Điểm tựa tư tưởng cho khát vọng Việt Nam

>>VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Từ sức mạnh nội lực đến khát vọng Việt Nam 2045

Quản trị quốc gia

Khi đã đề ra khát vọng tập thể thì thách thức tiếp theo là làm thế nào có thể hiện thực hóa được những khát vọng đó? Kinh nghiệm thành công của nhiều nước cho thấy, một hệ thống quản trị quốc gia hiện đại chính là điều kiện then chốt nhất để có thể phát huy được mọi nguồn lực của mỗi chủ thể trong xã hội, kết hợp được cả sức mạnh của hệ thống chính trị với sức mạnh của nền kinh tế thị trường và sức mạnh từ các chủ thể ở bên ngoài cộng đồng.

Kinh nghiệm lịch sử nước ta và ở nhiều nước cũng cho thấy mô hình quản trị quốc gia như vậy không thể là sự sao chép, bê nguyên từ đâu đó về mà phải là sản phẩm của tư duy và trí tuệ dân tộc, kết hợp được cả những đặc điểm truyền thống và tích hợp được những chiều cạnh hiện đại. Cũng có nghĩa, hệ thống Nhà nước với vai trò trung tâm trong quá khứ sẽ cần phải được hiện đại hóa để có thể đảm nhiệm vai trò dẫn dắt cả xã hội trong bối cảnh mới.

Nếu hạnh phúc của con người là đích đến của các nỗ lực phát triển thì yếu tố con người cũng chính là điều kiện then chốt nhất cho những đột phá phát triển. Khát vọng phát triển đất nước phải quy tụ được và trao cơ hội, cùng những điều kiện thuận lợi cho những cá nhân ưu tú nhất của dân tộc để họ có thể đóng góp cao nhất, hiệu quả nhất vào sự nghiệp chung. Thực tế này đã được chứng minh qua tiến trình bứt phá của nhiều nước xung quanh, chẳng hạn như ở Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc.

Kinh nghiệm các nước trong khu vực cho thấy hệ thống thể chế trọng dụng người tài đã phát huy tác dụng, thu hút được đội ngũ nhân sự có năng lực và khát vọng cống hiến vào làm việc cho khu vực công, từ đó chung tay với tầng lớp doanh nhân và các lực lượng xã hội khác để hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo. Bởi thế, vấn đề đặt ra ở nước ta hiện nay là bên cạnh những điều chỉnh chủ trương, chính sách, trước hết cần coi xây dựng được hệ thống thể chế trọng dụng người tài là một nội dung trọng tâm của Chiến lược quốc gia thu hút và trọng dụng nhân tài đang được hoàn thiện.

Có thể bạn quan tâm

  • Kiến tạo một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

    14:30, 01/02/2022

  • Cộng đồng doanh nghiệp phấn đấu xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng!

    05:09, 01/02/2022

  • VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Đổi mới mô hình xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển doanh nghiệp

    06:00, 01/06/2021

  • Chuyển giao thế hệ lãnh đạo: Hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường” vào giữa thế kỷ 21

    00:02, 09/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khát vọng quốc gia phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO