Câu chuyện doanh nghiệp khởi kiện cơ quan nhà nước ra tòa là bình thường, thể hiện văn minh trong quá trình hoạt động, kinh doanh, đầu tư. Nhưng đằng sau đó là cả một “núi” vấn đề cần phải suy nghĩ.
Ngày 26/9, TAND TP Đà Nẵng tuyên hủy toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật của UBND TP Đà Nẵng liên quan đến kết quả đấu giá quyền sử dụng đất khu đất A20 đường Võ Văn Kiệt với Công ty Vipico. Trong vụ án này, bị đơn là UBND TP Đà Nẵng và nguyên đơn là Công ty CP Vipico.
Khi doanh nghiệp cùng đường
Theo thông tin mà PV có được, liên quan đến lô đất trên, ngày 27/6/2017, Vipico được Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Đà Nẵng công nhận là đơn vị trúng thầu với mức trả giá cao nhất (56,8 triệu đồng/m2). Một tháng sau, Đà Nẵng có quyết định công nhận kết quả đấu giá. Theo thông báo việc nộp tiền sử dụng, thuê đất và thông báo nộp lệ phí trước bạ của Cục thuế Đà Nẵng, đến tháng 12/2017 Vipico phải nộp 652 tỷ đồng chia đều trong hai đợt. Vipico thanh toán đợt một đúng hẹn. Đợt 2 nộp chậm 52 ngày.
Tiếp đó, ngày 16/11/2018, UBND Đà Nẵng ra Quyết định số 5443 hủy Quyết định công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất A20 với lý do Vipico không thực hiện đúng cam kết tại phiếu đăng ký tham gia đấu giá; phương án đấu giá và quy chế tổ chức cuộc đấu giá. Ngày 28/11/2018, Vipico khởi kiện UBND Đà Nẵng lên TAND thành phố, yêu cầu hủy toàn bộ Quyết định số 5443, yêu cầu bồi thường số tiền thiệt hại ước tính 115 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, xu hướng doanh nghiệp kiện chính quyền dường như đang tăng lên đáng kể, bởi ngoài vụ việc nói trên thì hiện UBND TP Đà Nẵng còn đang “đối mặt” với 2 vụ kiện khác của các doanh nghiệp. Cụ thể, Công ty CP thép Dana - Ý khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại 400 tỷ đồng vì các quyết định của UBND TP liên quan đến việc buộc công ty ngừng hoạt động sản xuất, gây thiệt hại nghiêm trọng. Cùng lúc, Công ty Hòn Ngọc Á Châu khởi kiện UBNDTP Đà Nẵng vì bị thu hồi đất của dự án Khu du lịch ven biển của công ty này.
Và xu hướng này không dừng lại ở TP Đà Nẵng, tại Quảng Nam, trước thông báo chấm dứt nghiên cứu đầu tư và thu hồi dự án dự án thủy điện Đăk Di 4 của chính quyền tỉnh Quảng Nam, Công ty Đăk Di 4 (chủ đầu tư dự án) cho biết doanh nghiệp đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức... thực hiện nhiều việc để thúc đẩy tiến độ dự án, giờ bị chấm dứt gây thiệt hại và cho biết công ty có nguyện vọng tiếp tục đầu tư dự án, nhưng tỉnh Quảng Nam vẫn quyết định thu hồi thì không còn đường nào khác ngoài việc khởi kiện UBND tỉnh. Đáp lời, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói việc công ty khởi kiện là "văn minh pháp luật nên hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng hầu tòa".
Tốt hay xấu?
Vậy vì sao doanh nghiệp lại ngày càng có xu hướng kiện chính quyền? Theo ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana Ý (là một trong những doanh nghiệp đang khởi kiện chính quyền TP Đà Nẵng) thì sở dĩ, công ty phải chọn phương án trên là do không còn lựa chọn nào khác.
Ông Tân cho biết: Trước hàng loạt sự việc diễn ra trong nhiều năm qua, lãnh đạo công ty luôn chọn cách giải quyết nhẹ nhàng, êm thấm, muốn phối hợp với thành phố để tìm ra phương án giải quyết hài hòa nhất cho người dân, chính quyền và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cách giải quyết trên không nhận được tín hiệu tích cực nào từ phía lãnh đạo thành phố, mà càng đẩy doanh nghiệp chìm sâu vào khủng hoảng.
“Trước sức ép của nhà đầu tư nước ngoài và các cổ đông, lãnh đạo Công ty buộc phải kiện UBND thành phố ra Tòa án để yêu cầu giải quyết theo pháp luật, mà không còn đường nào khác. Và vấn đề “nguy hại” hiện nay khiến tình hình hết sức căng thẳng là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là cổ đông trong và ngoài nước nghi ngại về môi trường đầu tư của thành phố và cách hành xử của chính quyền đối với doanh nghiệp”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana Ý khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
11:50, 14/06/2019
11:01, 13/06/2019
12:05, 06/06/2019
Bình luận về các vụ kiện nói trên, Luật sư Đỗ Pháp – Trưởng văn phòng Luật sư Đỗ Pháp chia sẻ, những vụ kiện như vậy là một bước tiến quan trọng trong tiến trình phát triển nền hành chính và tư pháp, đem đến hiệu quả pháp lý tích cực.
Cụ thể, nó cho thấy các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình bằng cách khởi kiện, thay vì phải “chung chi”, đi “sân sau” với cơ quan công quyền để giải quyết ổn thỏa khi quyền lợi của mình bị xâm phạm, vượt qua rào cản “con kiến đi kiện củ khoai”, “được vạ má đã sưng”,… về phía các cơ quan nhà nước, thông qua những vụ kiện như thế này thì các cơ quan nhà nước cũng phải thận trong khi ra các quyết định để tránh những rủi ro pháp lý mà họ có thể đối diện.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thì dù thắng hay thua trong các vụ kiện nói trên thì cả hai phía doanh nghiệp và chính quyền đều ảnh hưởng. Với doanh nghiệp đó là làm cho các dự án ngưng trệ mà ngưng trệ là chết bởi nhiều dự án cả trăm, cả nghìn tỷ đồng chỉ cần chậm một tháng có thể là phá sản bởi gánh nặng lãi suất, uy tín, thương hiệu... Với chính quyền đó là câu chuyện môi trường kinh doanh, môi trường thu hút đầu tư bởi một chính quyền liên tiếp bị doanh nghiệp khởi kiện thì cần phải nhìn lại mình, nhìn lại môi trường đầu tư, kinh doanh ở địa phương mình để không bị tụt lại phía sau.
Câu chuyện Đà Nẵng trong các năm từ 2013-2016 liên tiếp dẫn đầu chỉ số PCI thì hai năm gần đây bị tụt hạng mà nguyên nhân theo kết quả điều tra PCI thì đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Đà Nẵng sụt giảm rõ rệt; khoảng cách giữa chỉ đạo điều hành của chính quyền TP với các sở, ngành, huyện thị có sự gia tăng là minh chứng rõ nét cho vấn đề này.