Khi không có liêm sỉ, ít ai tự “cởi áo từ quan”

NGUYỄN VIỆT 09/12/2021 20:44

Mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, "ngậm miệng ăn tiền" hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng. 

>>Quy định số 41-QĐ/TW: Luồng sinh khí mới cho "văn hóa từ chức"

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận mạnh tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngày 9/12.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nêu rõ 4 điểm đáng chú ý cũng như tinh thần mới, nội dung mới của Hội nghị Trung ương 4 lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm.

Tự soi lại mình

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước (ngay sau Hội nghị này, không phải chờ đợi gì cả); căn cứ vào Nghị quyết, Kết luận và Quy định lần này, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình.

Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà "phán", hoặc "chờ xem", coi như mình vô can. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất.

Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác...

Có thực tế, lâu nay mỗi khi có vụ việc gì xảy ra, dư luận lên tiếng đòi hỏi tinh thần tự giác nhận trách nhiệm bằng việc từ chức, nhưng khá nhiều vị cho rằng không thể từ chức được vì “nhiệm vụ do Đảng và tổ chức phân công”. 

Bình luận về vấn đề này, ĐBQH Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong cho biết, Dù không còn cái cớ này thì với người không có liêm sỉ, không có lòng tự trọng, họ sẽ tìm đủ thứ lý do bằng những ngôn từ “hợp tình, hợp lý” để bảo vệ cái ghế của mình.

Ví dụ như có vị 59, 60 tuổi rồi, khi làm nhân sự hỏi ý kiến anh thế nào thì họ lại bảo “tùy ý kiến tổ chức thôi”. Thì đấy cũng là kiểu cán bộ không tự giác. Khi cán bộ đã không có liêm sỉ, ít ai thấy được khuyết điểm để mà “cởi áo từ quan”.

Một con người không tự mình thấy khuyết điểm thì khó làm cho tổ chức tốt lên, làm cho sức mạnh của tập thể đó mạnh được. Chỉ khi nào có tinh thần tự trọng, tự nguyện, tự giác thì mọi việc mới trở về tính chân thật của nó.

Cho nên trong lời di chúc của Bác Hồ có nói: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Chúng ta phải đi vào bản chất của chữ “thật”, trở về với bản chất của chữ “thật” như lời Bác nói.

Trả lời câu hỏi, trong quá trình công tác, ông thấy đã có trường hợp nào “từ chức” đúng nghĩa xuất phát từ lòng tự trọng, liêm sỉ của cán bộ hay chưa? ĐBQH Vũ Trọng Kim thẳng thắn cho rằng rất ít. Vừa rồi có trường hợp anh Trịnh Văn Khoa (nguyên thiếu tá, cán bộ Đội điều tra tổng hợp, Công an quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) xin ra khỏi ngành để tố cáo nhóm cán bộ, chiến sĩ Công an quận Đồ Sơn làm sai lệch hồ sơ trong vụ việc có dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại quán karaoke.

Hoặc một số cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi để nhường ghế lại cho thế hệ trẻ mỗi khi đến kỳ bầu cử như trường hợp ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An. Trước đây, có trường hợp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình có đơn từ chức vì đã không làm tròn trách nhiệm Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng kéo dài ở Ban quản lý các dự án 18 (PMU18) và Bộ GTVT.

>>Tài sản trăm tỉ và chuyện phòng chống tham nhũng

Không “vùng cấm” với tham nhũng

Tuy nhiên, vụ việc ông Bình nộp đơn từ chức cũng xuất phát từ áp lực của dư luận và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ chứ không hẳn là từ tính tự giác của ông ấy.

Tinh thần Đại hội XIII đề ra lần này trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là phải kiên quyết, không có “vùng cấm”.

Tinh thần Đại hội XIII đề ra lần này trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là phải kiên quyết, không có “vùng cấm”.

Đánh giá về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng nói riêng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung sau khi Đảng kiện toàn nhân sự khóa mới, PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an cho rằng, toàn bộ hoạt động phòng chống tham nhũng trong năm 2021 thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng ta nói chung và của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nói riêng.

Nghị quyết Đại hội XIII xác định “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả”.

Trong đó, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng củng cố hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Tinh thần Đại hội XIII đề ra lần này trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là phải kiên quyết, không có “vùng cấm”, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, kiên quyết hơn.

Tính từ Đại hội XIII đến nay chỉ hơn 10 tháng mà hàng loạt vụ tham nhũng lớn đã được phanh phui, xử lý. Điển hình như các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; các vụ án vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, TP.HCM...

Chúng ta đã nghiêm túc xử lý hàng loạt cán bộ, trong đó có cả cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, kể cả Ủy viên Trung ương, Bí thư tỉnh ủy, tướng lĩnh…

Điều này nói lên quyết tâm chính trị của Đại hội XIII đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chuyển thành hiện thực, thể hiện bằng hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

Chính điều này làm cho cán bộ, đảng viên tin tưởng vào Đảng hơn, khối đại đoàn kết trong nhân dân được củng cố tốt hơn. Thông qua đấu tranh phòng chống tham nhũng năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII rõ ràng hệ thống chính trị được củng cố một bước hết sức quan trọng.

Có thể bạn quan tâm

  • Chống tham nhũng: Ranh giới giữa “tiền bạc” và “danh dự”

    05:00, 24/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khi không có liêm sỉ, ít ai tự “cởi áo từ quan”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO