UBND TP. Hà Nội cho biết là sẽ khai thác trước 8,5 km đi trên cao của tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội trong năm 2021.
Đây là thông tin được UBND Tp. Hà Nội đưa ra trong công văn vừa được gửi Bộ GTVT hôm 6/10 để bộ này tổng hợp, dự thảo báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, tiến độ Dự án đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội được phê duyệt ban đầu có thời gian thực hiện dự án đến 2018.
Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi toàn tuyến bị chậm so với kế hoạch ban đầu làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của dự án. Do vậy, chủ đầu tư đã báo cáo UBND Tp. Hà Nội trình Chính phủ và đã được cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến 2022 (trong đó: đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2021; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022).
Tính đến đầu tháng 10/2020, Dự án đã hoàn thành công tác ký hợp đồng và triển khai thi công 9/9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị (trong đó gói thầu CP01 và CP04 đã thi công xong, hiện đang hoàn thiện hồ sơ hoàn công). Tiến độ chung dự án đạt khoảng 65,12%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 80,05%, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trước đoạn trên cao trong năm 2021 và toàn tuyến cuối năm 2022.
Lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo vào khoảng 13.453 tỷ đồng (đạt 41%), trong đó, giải ngân vốn ODA là 11.098 tỷ đồng, đạt 42,6% tổng vốn ODA (cấp phát 5.937 tỷ đồng, ODA vay lại 5.161tỷ đồng); lũy kế giải ngân vốn đối ứng là 2.355 tỷ đồng, đạt 39,2% tổng vốn đối ứng.
UBND Tp. Hà Nội biết, từ giữa tháng 2/2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ Dự án (đối với các gói thầu xây lắp: khó khăn trong việc huy động nhân công và nhập khẩu vật tư, vật liệu có nguồn gốc nước ngoài. Đối với các gói thầu thiết bị ảnh hưởng do đa số thiết bị được sản xuất và nhập khẩu từ các đơn vị tại các nước Châu Âu dẫn tới tiến độ sản xuất chế tạo, nghiệm thu tại nhà máy và vận chuyển thiết bị của gói thầu bị ảnh hưởng). Ngoài ra, Dự án đang bước vào giai đoạn lắp đặt và thử nghiệm thiết bị và hệ thống, do vậy cần số lượng lớn chuyên gia của nhà thầu và tư vấn từ nước ngoài tới Việt Nam để thực hiện công việc.
Trên thực tế, trong khoảng thời gian từ tháng 2/2020 đến hết tháng 4/2020, các gói thầu đều thi công giãn cách, có lúc tạm dừng thi công vì không thể huy động được công nhân cũng như các chuyên gia nước ngoài và tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Do vậy ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch thanh toán cho các gói thầu (các gói thầu xây lắp CP02 và CP05 bị ảnh hưởng khoảng 2 tháng; đối với các gói thầu thiết bị CP06, CP07 do các thiết bị được sản xuất tại nước ngoài và đặc biệt các đoàn tàu sản xuất tại Pháp vẫn bị ảnh hưởng do dịch bùng phát mạnh nên dự kiến đoàn tầu đầu tiên về Việt Nam vào tháng 10/2020, bị chậm 2 tháng so với kế hoạch ban đầu).
Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 còn chậm và phải điều chỉnh nhiều lần làm ảnh hưởng đến việc giao vốn hàng năm cho Dự án. Theo quy định của Luật Ngân sách từ năm 2016 giải ngân vốn ODA phải theo kế hoạch giao. Tuy nhiên, kế hoạch vốn ODA cấp phát giai đoạn 2016-2020 được giao lần đầu từ năm 2016 là chưa đủ theo nhu cầu thực hiện các dự án, dẫn đến việc triển khai và giải ngân dự án bị chậm (Trong những năm qua, Tư vấn và các nhà thầu đã có văn bản gửi Chủ đầu tư về việc giảm tiến độ thực hiện do chậm thanh toán. Việc tư vấn tạm dừng một số dịch vụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công của các gói thầu xây lắp, thiết bị, đồng thời các nhà thầu giảm tỷ lệ công việc do thiếu vốn).
Liên quan đến việc bổ sung chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, hiện UBND Tp. Hà Nội đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Kiểm toán Nhà nước xem xét giải quyết vướng mắc trong việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và bổ sung chi phí do kéo dài thời gian của các gói thầu thuộc Dự án để có văn bản hướng dẫn thực hiện.
Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội có mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt đô thị chạy trên đường dành riêng với tổng chiều dài tuyến chính 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5km, đoạn đi ngầm khoảng 4,0km. Đây là tuyến đường sắt khổ đôi 1.435 mm: ray/ghi tiêu chuẩn Châu Âu UIC 60 hoặc tương đương; hệ thống nhà ga của tuyến 8 ga trên cao (ga S1 đến ga S8), 4 ga ngầm (ga S9 đến ga S12); phương tiện vận tải gồn có đầu máy toa xe lựa chọn loại kích thước “trung bình”- Loại xe B (theo tiêu chuẩn Châu Âu) có chiều rộng từ 2,75-3,00m; chiều dài đoàn tàu khoảng 80m (với đoàn tàu 4 toa), khoảng 100m (với đoàn tàu 5 toa); số toa của đoàn tàu theo giai đoạn phân kỳ đầu tư từ 4 toa đến 5 toa/đoàn tàu.
Tổng mức đầu tư Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 1970/QĐ-UBND ngày 27/4/2009 với Tổng mức đầu tư là 783 triệu Euro (vốn vay ODA là 653 triệu Euro, vốn đối ứng là 130 triệu Euro). Ngày 5/12/2014 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2186/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh danh mục dự án với tổng mức đầu tư là 1.176 triệu Euro (vốn ODA là 957,99 triệu Euro; vốn đối ứng trong nước là 218,01 triệu Euro).
Có thể bạn quan tâm
20:26, 04/08/2015
00:00, 07/01/2015