Khi nào cần ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh?

Diendandoanhnghiep.vn Nếu các biện pháp chống dịch COVID-19 đạt tới giới hạn, Việt Nam có thể ban hành Tình trạng khẩn cấp nhằm tạo điều kiện pháp lý chắc chắn, an toàn cho các biện pháp điều hành của chính quyền.

Đó là quan điểm của PGS TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc chương trình Chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Trong phiên họp Quốc hội mới đây, Chính phủ đề xuất chống dịch COVID-19 như trong điều kiện "tình trạng khẩn cấp".

- Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề COVID-19 hiện nay có phải là tình trạng khẩn cấp hay không? Dưới góc nhìn pháp luật, ông lý giải tình trạng này như thế nào?

Về thực tế, đại dịch COVID-19 đã và đang là một tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh nguy hiểm. Các biện pháp đang được thực hiện không khác gì quy định tại các Điều 21-29 của Nghị định 71/2002/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp ban hành năm 2000. Ví dụ: điều tra dịch tễ, phân loại người bệnh, huy động các nguồn lực y tế công và tư, cách ly, cấm di chuyển, đóng cửa cơ sở kinh doanh. Như vậy, hầu hết các địa phương đang ở trong tình trạng khẩn cấp.

Chỉ có điều, về mặt pháp luật, cho đến nay Nhà nước Việt Nam không tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo đúng quy trình của Pháp lệnh năm 2000. Điều này có nghĩa là, Bộ Y tế chưa đề xuất, Chính phủ chưa trình và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước ta chưa ban bố tình trạng khẩn cấp. Hệ thống pháp luật, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người dân, và bộ máy công quyền, về cơ bản vẫn hoạt động trong hệ thống pháp luật tựa như ở tình trạng bình thường.

Sự vênh lệch giữa thực tế đại dịch và tình trạng pháp luật bình thường có thể sẽ đặt ra những rắc rối trong quản lý điều hành nền kinh tế, ứng xử của người dân, và điều hành đất nước.

- Theo thống kê của Bộ Y tế trong những ngày vừa qua, bình quân mỗi ngày Việt Nam ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm COVID-19 mới. Vậy thời điểm này liệu đã đến lúc Việt Nam nên kích hoạt tình trạng khẩn cấp chưa, thưa ông?

Nếu tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cán bộ, công chức sẽ được giải phóng khỏi các ràng buộc của tình trạng bình thường để hành xử nhanh trong tình huống cấp bách.

Theo cập nhật mới nhất, Chính phủ vừa đề xuất chống dịch COVID-19 như trong điều kiện "tình trạng khẩn cấp". Cách đây 2 ngày, ở một diễn biến khác, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh F0 chưa có triệu chứng chưa phải là bệnh nhân, nhưng cần được cách ly tránh không lây nhiễm ra cộng đồng để thay đổi cách quản lý, chăm sóc. Điều này cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh, giúp nhanh chóng ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh, xã hội.

 Một số địa phương hiện đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. (Ảnh: Chốt phong tỏa tại phường Hố Nai, TP Đồng Nai.)

Một số địa phương hiện đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. (Ảnh: Chốt phong tỏa tại phường Hố Nai, TP Đồng Nai.)

Trên thực tế doanh nghiệp chấp nhận đóng cửa, người dân chấp nhận ở nhà, các giai tầng trong xã hội đại đa số ủng hộ mọi chính sách chống dịch của chính quyền các cấp.

Về tình trạng khẩn cấp, như đã nói ở trên, Pháp lệnh về Tình trạng khẩn cấp đã được ban hành từ năm 2000. Hiến pháp 2013 cũng ghi nhận các thẩm quyền ban hành Tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, hai năm nay dịch bệnh COVID-19 hoành hành, song Nhà nước Việt Nam chưa cần ban bố Tình trạng khẩn cấp, chắc là ngoài vấn đề pháp lý còn có những lý do khác nữa, làm cho việc tuyên bố như vậy chưa trở nên cần thiết.

Tuy nhiên, nếu các biện pháp như hiện nay đạt tới giới hạn, Việt Nam cần tổng động viên các nguồn lực toàn quốc, các quyền tự do dân sự bị hạn chế khắt khe hơn nữa, và quyền chỉ huy được trao tập trung hơn cho một bộ tư lệnh chống giặc, khi đó để tạo ra giới hạn pháp lý cho các bên liên quan, có lẽ khi đó nước ta cần ban hành Tình trạng khẩn cấp nhằm tạo điều kiện pháp lý chắc chắn, an toàn cho các biện pháp điều hành của chính quyền.

- Vậy, nếu tình trạng khẩn cấp được ban bố, thì cách ứng xử của Việt Nam với đại dịch sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?

Tôi muốn lấy một ví dụ đơn giản để bạn đọc dễ hình dung. Ví dụ, trong tình trạng bình thường, việc mua sắm công tuân theo quy trình chặt chẽ, và vì thế tốn thời gian. Một quy trình như vậy là tốt, tăng hiệu quả sử dụng tiền công và phòng ngừa được tham nhũng.

Tuy nhiên, trong tình trạng dịch bệnh khẩn cấp, quy trình này cản trở việc ra quyết định nhanh. Không chỉ mua sắm thiết bị y tế, việc đặt mua vaccine mà tôi từng chia sẻ cũng như vậy, nếu vẫn buộc nhà quản lý các cấp hành xử theo quy trình bình thường, thì khó lòng đạt được mục đích trong bối cảnh các nước đều tranh mua vaccine trong một thị trường khan hiếm và độc quyền nhóm.

Tương tự, việc trợ cấp cho người nghèo cũng vậy, nếu cứ theo quy trình bình thường, thì sẽ tốn nhiều thời gian và thủ tục, tiền mới tới tay được người cần trợ giúp. Cuối cùng, cứu dân cũng như cứu doanh nghiệp, các hỗ trợ cho doanh nghiệp, nếu không nhanh chóng kịp thời, thì khó có thể cứu được các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Tóm lại, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp đôi khi cần thiết cho công tác quản lý điều hành của Chính quyền.

- Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Khi nào cần ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1710857020 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1710857020 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10