Trước đề xuất chuyển đổi công năng Cảng Tiên Sa Đà Nẵng thành cảng hành khách vào năm 2026, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng việc chuyển đổi cần thực hiện sau năm 2030.
>>Miền Trung: Tập trung thu hút đầu tư logictics để phát triển kinh tế
Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về việc chuyển đổi công năng bến cảng Tiên Sa gắn với tiến trình đầu tư cảng Liên Chiểu. Trong đó, đơn vị này không chấp thuận đề xuất chuyển công năng bến cảng Tiên Sa thành cảng hành khách trước 2030, cũng như đề xuất xin chỉ định thầu hai hạng mục tại dự án bến cảng Liên Chiểu của Công ty cổ phần cảng Đà Nẵng.
Theo thông tin, vào tháng 4/2022, Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất về chủ trương và có ý kiến chỉ đạo để công ty hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt “Đề án di dời, chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa gắn với tiến trình đầu tư khai thác khu bến Liên Chiểu”.
Tại văn bản này, Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đề xuất từ 2026 sẽ bắt đầu thực hiện chuyển đổi công năng bến cảng Tiên Sa thành cảng hành khách. Cùng với đó, đơn vị này cũng xin chấp thuận được chỉ định là nhà đầu tư, khai thác hai bến khởi động khu bến cảng Liên Chiểu.
Tuy nhiên, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng theo quy hoạch khu bến Tiên Sa cần thực hiện từng bước chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa thành cảng hành khách từ sau năm 2030. Việc này đã được phê duyệt tại Quyết định số 1579/2021/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng có trách nhiệm tuân thủ nội dung quy hoạch khu bến Tiên Sa được phê duyệt tại Quyết định 1579-TTg. Đồng thời, tuân thủ quy định của pháp luật đối với việc chỉ định đầu tư các hạng mục hai bến cảng khởi động tại khu cảng Liên Chiểu và việc lựa chọn nhà đầu tư.
Cũng tại vấn đề này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho rằng việc đề xuất tiến trình chuyển đổi công năng bến cảng Tiên Sa bắt đầu từ năm 2026 chưa phù hợp với thực tế triển khai đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu và tiến độ chuyển đổi công năng bến cảng này theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với việc chỉ định nhà đầu tư, theo phân loại, bến cảng thuộc công trình phục vụ giao thông vận tải và không thuộc dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng khu đô thị, xây dựng công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng gồm nhà ở thương mại, trụ sở, văn phòng làm việc, công trình thương mại dịch vụ nên đề nghị doanh nghiệp liên hệ UBND thành phố và các cơ quan liên quan để hướng dẫn thực hiện theo quy định pháp luật.
Hiện tại, cảng biển Đà Nẵng bao gồm khu bến cảng Liên Chiểu là cảng biển loại 1. Trong đó, khu bến cảng Liên Chiểu có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng và cả nước, tiềm năng cảng cửa ngõ quốc tế tại duyên hải miền Trung.
Theo ước tính, giá trị tài sản cố định chuyển từ cảng Tiên Sa qua cảng Liên Chiểu năm 2025-2026 là 500 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đề nghị doanh nghiệp giải thích làm rõ nội dung này và đề nghị làm rõ phương án tăng vốn điều lệ và khả năng huy động vốn của công ty để bảo đảm vốn góp nhà đầu tư vào dự án.
Có thể bạn quan tâm