Sau những hậm hực, lung túng… khi bị Uber, Grab nhảy vào chiếm lĩnh thị trường, giải pháp "liên minh" chính là câu trả lời cho khát vọng "muốn đi xa" của các hãng taxi truyền thống.
Liên minh Taxi Việt - liên minh taxi truyền thống lớn nhất Việt Nam vừa chính thức ra đời tụ hội tới 17 công ty taxi truyền thống trên cả nước như Thanh Nga, Vạn Xuân, Thăng Long... với số lượng gần 12.000 đầu xe. VIC, Open99 (thương hiệu mới của Mai Linh Đông Đô) sẽ gia nhập vào tháng 12, đưa số lượng xe tại Hà Nội lên con số 4.000 xe.
Trong năm 2019, liên minh đặt kế hoạch tăng độ phủ lên 63 tỉnh thành, đồng thời kết nạp thành viên để đạt số lượng trên 20.000 xe hoạt động. Với việc ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Viettel, Momo, VN Pay, Liên minh Taxi Việt dự kiến sẽ triển khai hoạt động thanh toán online trong thời gian tới.
Liên minh ra đời dưới sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hoạt động trên nền tảng công nghệ Emddi, do các nhà khoa học của Đại học quốc gia Hà Nội nghiên cứu và phát triển. Đây là nền tảng kết nối giữa các đơn vị vận tải và không tham gia điều hành kinh doanh như Grab.
Nhấn mạnh tại sự kiện ra mắt chính thức của liên minh, ngày 10/12, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, trước đây có chiến dịch "người Việt dùng hàng Việt" thì giờ đã đến thời điểm "Người Việt đi taxi Việt". Tuy nhiên, để có thể chinh phục người dùng, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, điều quan trọng là các hãng taxi phải tạo ra chất lượng dịch vụ tốt hơn, phải liên kết lại, áp dụng kinh tế chia sẻ và công nghệ số. "Emddi không thua bất kỳ nền tảng công nghệ số nào, cộng với sự đoàn kết giữa các bên, tôi tin Liên minh Taxi Việt sẽ thành công và chiến thắng trên thị trường taxi", Chủ tịch VCCI dự đoán đầy lạc quan.
Trước đó, tròn một tháng, liên minh G7 ra đời, gồm Thành Công, Ba Sao, Sao Hà Nội với khoảng 3.000 đầu xe, dưới mô hình là đơn vị chỉ phát triển thương hiệu mà không sở hữu một phương tiện nào – đã như một lời tuyên bố thách thức với Grab tại thị trường Việt Nam về việc taxi truyền thống sẵn sàng phát huy nội lực, giành lại thị phần. Nay, với Liên minh Taxi Việt, thị trường taxi trong nước sẽ cạnh tranh mang tính quy mô hơn, công bằng hơn để đẩy mạnh hoạt động vận tải bằng taxi, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đứng về người sử dụng dịch vụ, điều này đem lại sự tiện lợi.
"Chúng tôi cam kết khách hàng sẽ được kết nối với lái xe trong thời gian từ 1 đến 2 phút và sẽ không tăng giá trong giờ cao điểm", ông Lê Vinh Quang - Phó Chủ tịch Liên minh taxi Việt cho biết.
Dẫn lại câu ngạn ngữ của châu Phi tại lễ ra mắt Liên minh taxi Việt: "Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” - ông Quang một lần nữa khẳng định kỳ vọng cũng như khát vọng "muốn đi xa" của các hãng taxi truyền thống trong thời đại số.
Mỗi doanh nghiệp taxi trên thị trường, cũng như mỗi người trong cuộc sống, đôi khi chúng ta muốn đi thật nhanh, đi một mình để giải quyết vấn đề nhanh, gọn theo ý định chủ quan của bản thân vì lúc đó không có sự cân nhắc, suy đi tính lại của nhiều người. Tuy nhiên, với một số người còn hạn chế về năng lực thì đi một mình không thể nhanh, không thể xa, chúng ta cần phải di cùng nhiều người, nhiều bạn, để họ bổ khuyết cho những mặt hạn chế của mình. Đi cùng nhau để cùng chia sẻ những khó khăn, vất vả của nhau.
Có thể nói, sự hợp tác giữa các taxi truyền thống đã tận dụng được đúng quy tắc quản trị của Uber, Grab đã áp dụng, trong đó đề cập đến việc chia sẻ quyền truy cập vào hàng hóa và dịch vụ (phối hợp thông qua các dịch vụ trực tuyến dựa vào cộng đồng). Đó là một mô hình kết nối để các hãng taxi truyền thống có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau.
Câu ngạn ngữ của Châu phi rất phù hợp với xu thế phát triển của thời đại ngày nay, thời đại mà yêu cầu hoạt động nhóm là một hoạt động tất yếu để mang lại lợi ích cho tập thể cũng như cá nhân. Trong đó, hoạt động taxi là một minh chứng điển hình.