Khó chồng khó ở PPI

Hà Phương 29/04/2019 05:01

Lỗ ròng 3 năm liên tiếp (2016- 2018), cộng với tín dụng bất động sản bị siết... khiến CTCP Phát triển hạ tầng & bất động sản Thái Bình Dương (HoSE: PPI) gặp rất nhiều khó khăn.

Là thương hiệu lớn trong ngành xây dựng PPI mở màn rời sân chơi niêm yết 2019

Dự án khu dân cư trung tâm thị trấn Bến Lức của PPI

Bắt buộc bị hủy niêm yết

PPI tiền thân là Chi nhánh Công ty xây dựng công trình 120 phía Nam thuộc Công ty xây dựng công trình 120 (Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 – Cienco1 - Bộ Giao thông Vận tải). Nhiệm vụ của PPI là thực hiện xây dựng, sửa chữa nâng cấp hệ thống đường sắt tại khu vực phía Nam, từ Nha Trang trở vào TP.HCM. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý 1/2019 vừa công bố cho thấy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này ngày càng bết bát, doanh thu thuần chưa đến nửa tỷ đồng, giảm gần 84% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu ít ỏi, nhưng kinh doanh dưới giá vốn nên PPI lỗ gộp 20 triệu đồng.

Doanh thu từ hoạt động tài chính gần như không có, trong khi chi phí tài chính hơn 5 tỷ đồng, chi phí lãi vay gần 870 triệu đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cộng lại hơn 20 tỷ đồng. PPI cho biết, do vốn ngân sách bố trí chậm nên các công trình giao thông trong quý 2 mới được tiếp tục triển khai. Trong khi đó, Công ty phải duy trì chi phí quản lý doanh nghiệp để phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm. Kết thúc quý 1/2019, PPI lỗ hơn 26 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/01/2019, tiền và tương đương tiền của PPI giảm hơn 35% so với đầu kỳ, chỉ còn 155 tỷ đồng. Đối với các khoản nợ, nợ phải trả tính đến cuối kỳ ghi nhận gần 366 tỷ đồng, vượt 118 tỷ đồng so với vốn chủ sở sở hữu.

Có thể bạn quan tâm

  • HoREA: Siết tín dụng là chưa phù hợp với thị trường

    HoREA: Siết tín dụng là chưa phù hợp với thị trường

    18:29, 28/09/2018

  • Siết tín dụng vào bất động sản: Ngân hàng

    Siết tín dụng vào bất động sản: Ngân hàng "vừa đấm vừa xoa"?

    11:15, 03/07/2018

  • Doanh nghiệp trong ngành xây dựng được lắng nghe và tháo gỡ khó khăn

    Doanh nghiệp trong ngành xây dựng được lắng nghe và tháo gỡ khó khăn

    09:56, 30/03/2018

Trước đó trong báo cáo tài chính tự lập năm 2018, PPI ghi nhận khoản thua lỗ gần 92 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên BCTC kiểm toán, công ty lại lỗ 153 tỷ đồng, tương đương với việc lỗ thêm 61 tỷ sau kiểm toán.

Năm 2017, PPI lỗ 84,7 tỷ đồng. Như vậy, năm 2018 công ty đã tăng lỗ so với năm 2017 là 68 tỷ đồng. PPI cho biết nguyên nhân do kiểm toán tăng trích lập dự phòng các khoản phải thu theo quy định dựa trên tuổi nợ các khoản phải thu 118 tỷ đồng, trích lập dự phòng lỗ do đầu tư vào các đơn vị khác là 20,4 tỷ đồng, đồng thời chi phí vật tư tăng cao trong khi chi phí tài chính và chi phí quản lý vẫn phải duy trì gây ra khoản lỗ trên.

Về phương án khắc phục, PPI cho biết sẽ tăng cường thu hồi công nợ để được hoàn nhập dự phòng các khoản đã trích lập. Đồng thời, công ty sẽ nâng cao chất lượng của hệ thống kiểm toán nội bộ, giảm thiểu chi phí hoạt động, chi phí tài chính, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, tái cấu trúc lại tài chính doanh nghiệp để tiến tới ổn định sản xuất kinh doanh.

Như vậy, PPI đã lỗ liên tiếp 3 năm vừa qua (2016-2018) với con số lần lượt là lỗ 37,2 tỷ đồng, 84,7 tỷ đồng và 152,9 tỷ đồng. Theo quy định, doanh nghiệp có 3 năm lỗ liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có thông báo chính thức về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu PPI. Theo đó, cổ phiếu PPI sẽ hủy niêm yết bắt buộc vào ngày 20/05/2019 và ngày 17/05/2019 sẽ là giao dịch cuối cùng. Đây là đơn vị xây dựng niêm yết mở màn cho việc rời khỏi sàn chứng khoán trong năm 2019.

Thách thức khi nguồn vốn tín dụng bị siết

Theo VDSC, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2019, nên tốc độ tăng trưởng xây dựng cũng sẽ chững lại. Theo đó, ngành xây dựng dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 7,1% trong năm 2019 và tỷ trọng đóng góp của ngành vào GDP cả nước sẽ giảm xuống còn 6,2% trong năm nay.

Theo phân tích của VDSC về 148 công ty xây dựng đã công bố kết quả tài chính quý 1/2019, chỉ có 57% tổng số công ty có dòng tiền dương từ hoạt động kinh doanh. Do đó, nguồn tài chính sẽ là một trong những khó khăn của doanh nghiệp ngành xây dựng trong năm 2019. Có thể thấy, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành, cùng với những khó khăn trong việc phát triển phân khúc nhà ở và thương mại buộc các công ty xây dựng phải thâm nhập sâu vào ngành và thi công các dự án có tỷ suất lợi nhuận gộp thấp hơn, như phân khúc xây dựng công nghiệp hoặc cơ sở hạ tầng. Và trường hợp của PPI không là ngoại lệ.

Ông Lý Hải Sinh-Chuyên viên phân tích VPBS, phân tích trong xây dựng cơ bản, các thủ tục nghiệm thu thanh toán thường phức tạp, việc nghiệm thu được thực hiện từng phần và việc giải ngân của chủ đầu tư đôi khi không đúng thời hạn dẫn đến quá trình hoàn tất hồ sơ hoàn công và phê duyệt quyết toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu thường mất nhiều thời gian. Điều này ảnh hưởng đến tình hình tài chính của PPI, đặc biệt các khoản về công nợ phải thu, phải trả khiến thời gian quay vòng vốn lâu.

Bên cạnh đó, việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của TCTD từ 45% về 40% từ 2019, và 30% từ năm 2021 hoặc 2022 theo Thông tư 36 của NHNN sẽ hạn chế dòng tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản, gián tiếp làm giảm các khoản vay cho ngành xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh phân phối bất động sản. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình hình kinh doanh của PPI gặp khó khăn và dòng tiền liên tục âm trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khó chồng khó ở PPI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO