Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam và Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết chưa nhận được văn bản nào liên quan hợp đồng "đổi" sản phẩm trị giá 3 tỷ đồng lấy máy bay Boeing 727-200.
Trước thông tin công ty TiffSon đề nghị trao đổi chiếc máy bay Boeing B727, số hiệu XU-RKJ lấy hàng hóa thuộc sở hữu của công ty, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết chưa nhận được bất cứ văn bản nào liên quan.
Trao đổi Dân trí sáng ngày 1/10, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Cục chưa nhận được bất kỳ văn bản nào liên quan tới đề xuất đổi bánh, kẹo, rượu, bia lấy máy bay Royal Khmer Airlines. Nếu có thông tin về việc này, chắc chắn Cục sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền”.
Lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định, việc xử lý chiếc máy bay của Royal Khmer Airlines phải thực hiện theo quy định của pháp luật về việc đấu giá.
Tuy nhiên, do chiếc máy bay không có đủ hồ sơ, tài liệu để định giá nên Cục Hàng không Việt Nam không có cơ sở đưa ra giá khởi điểm để thực hiện đấu giá tài sản...
“Có rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài ngành hàng không cũng từng có văn bản gửi Cục xin sử dụng chiếc máy bay vào nhiều mục đích như làm giáo cụ giảng dạy, phòng cháy chữa cháy, diễn tập chống khủng bố… Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì chưa đủ cơ sở để quyết định việc xử lý chiếc máy bay này”, ông Cường nói.
Trước đó vài ngày, TiffSon - một công ty chuyên cung cấp giải pháp xử lý hàng tồn kho (Any Exchange) bằng phương pháp trao đổi hàng hóa, dịch vụ cho biết đã gửi công văn đến Cục Hàng không Việt Nam đề nghị được phối hợp xử lý máy bay Boeing B727-200 bị bỏ quên 12 năm tại sân bay Nội Bài.
Chiếc máy bay Boeing B727-200 mang tên Air Dream thuộc Hãng Hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), số hiệu đăng ký XU-RKJ. Máy bay này gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài suốt 12 năm tính từ ngày 1/5/2007.
Trong công văn, doanh nghiệp này đề nghị trao đổi chiếc máy bay Boeing B727, số hiệu XU-RKJ lấy hàng hóa thuộc sở hữu của công ty. Chiếc máy bay Boeing B727-200 mang tên Air Dream thuộc Hãng Hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), số hiệu đăng ký XU-RKJ.
Máy bay này bị bỏ tại sân bay Nội Bài trong khoảng thời gian 12 năm tính từ ngày 1/5/2007 đến nay.
Trong thời gian đó, đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, Cảng đã chịu nhiều tổn thất về chi phí quản lý, sân đỗ chiếc máy bay “vô chủ” này. Đến nay, chiếc máy bay vẫn chưa được xử lý và số tiền “phục vụ” cho chiếc máy bay Boeing 727 vẫn tăng lên.
“Bản thân Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cũng tính tới việc sử dụng chiếc máy bay làm phương tiện huấn luyện, diễn tập hàng không. Cảng đã đề xuất nhiều lần với Cục Hàng không về việc xin sử dụng chiếc máy bay này, lần đề gần nhất cách đây 6 tháng, trong đó chúng tôi sẽ không tính tiền lưu trú, quản lý chiếc máy bay trong 12 năm qua nữa. Chúng tôi được biết Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc này” , đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết.
Máy bay Boeing 727-200 bị “bỏ rơi” ở Nội Bài sau khi được Hãng hàng không Royal Khmer Airlines - Campuchia khai thác được vài chuyến bay trên chặng Siêm Riệp - Hà Nội thì gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007.
Sau đó, Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia đã cho biết máy bay Boeing 727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Cơ quan này đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xử lý chiếc máy bay Boeing 727 theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Công ty TiffSon theo đó đã đưa ra các loại hàng hóa sẽ được sử dụng để đổi lấy chiếc máy bay bao gồm bia, rượu, bánh kẹo và một số hàng hóa khác thuộc sở hữu của doanh nghiệp này.
Đại diện Công ty TiffSon cho rằng giải pháp hàng đổi hàng giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng được nguồn sản phẩm do chính họ sản xuất, giúp giải phóng một lượng hàng tồn, tiết kiệm tiền mặt.
TiffSon lập luận, về phía cơ quan chủ quản - đơn vị sở hữu chiếc máy bay cũ cũng có thể sử dụng các sản phẩm đổi được phục vụ cho các hoạt động của mình tại các điểm kinh doanh thương mại ở sân bay hay địa điểm khác.
Cùng với đó, chiếc Boeing B727-200 sẽ không phải nằm phơi nắng, phơi sương vô nghĩa ở sân bay Nội Bài mà sẽ được khai thác, sử dụng với mục đích kinh doanh, tạo ra nhiều giá trị thương mại khác.
CEO TiffSon cũng hiến kế về việc sửa chữa, khai thác chiếc máy bay cũ. Theo đó Boeing B727-200 sẽ được sơn lại theo thiết kế. Vỏ ngoài máy bay có thể sẽ được dùng để quảng cáo thương hiệu, nhân vật, sản phẩm. Bên trong có thể sẽ trở thành một quán cà phê hay một nhà hàng.
Nếu đạt được các thỏa thuận với đơn vị chủ quản, doanh nghiệp sẽ lên kế hoạch di dời máy bay về một khu vui chơi hay khu vực kinh doanh của tư nhân nào đó. Chuyên gia xử lý hàng tồn kho nhấn mạnh, thực tế Boeing B727-200 là một vật thể mang tính đặc thù, đặc biệt. Nếu biết khai thác hết các tiềm năng, đây sẽ là một địa điểm kinh doanh độc đáo, giá trị.
Chiếc máy bay Boeing B727-200 mang tên Air Dream thuộc Hãng Hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), số hiệu đăng ký XU-RKJ. Máy bay này gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007. Cách đây nhiều năm, Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia đã có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam và cho biết giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, máy bay Boeing 727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Cơ quan này đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xử lý chiếc máy bay Boeing 727 theo các quy định của pháp luật Việt Nam. Năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo xác lập quyền sở hữu Nhà nước và phương án xử lý đối với máy bay Boeing B727-200 của Campuchia tại Nội Bài, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc bán đấu giá tài sản theo đúng quy định pháp luật. |