Khó kiểm soát chống rửa tiền từ bất động sản

Hồng Hương 05/08/2019 05:00

Trước yêu cầu của Bộ Xây dựng về việc kiểm soát giao dịch bất động sản có tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên, các chuyên gia cho rằng sẽ khó khăn trong triển khai thực tế.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị Sở xây dựng các tỉnh, thành phố đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thực hiện báo cáo theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.

p/Dòng tiền bẩn được chuyển qua các tài khoản ngân hàng đi vào thị trường, dùng để chi trả cho các hoạt động mua bán khác, tiền bẩn sẽ trở thành tiền sạch.

Dòng tiền bẩn được chuyển qua các tài khoản ngân hàng đi vào thị trường, dùng để chi trả cho các hoạt động mua bán khác, tiền bẩn sẽ trở thành tiền sạch.

Theo đó, các doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật, phải thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, chống rửa tiền, lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên.

Tuy nhiên trao đổi với Báo DĐDN ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính-Ngân hàng cho rằng, đây là việc làm cần thiết nhưng nếu chỉ đơn thuần yêu cầu các chủ đầu tư, các công ty bất động sản hoặc các sàn giao dịch nộp báo cáo thì không hiệu quả.

Ông Hiếu cho biết, thông qua việc giao dịch mua bán bất động sản để rửa tiền là một việc làm phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam. Việc Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo các giao dịch đáng ngờ, các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng - chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), điều này giúp cho việc kiểm soát các giao dịch đáng ngờ tốt hơn, tuy nhiên về hiệu quả sẽ không cao.

Sở dĩ như vậy bởi theo ông Hiếu, từ trước tới nay Luật phòng chống rửa tiền cũng chỉ áp dụng cho các ngân hàng, mà tại các ngân hàng định chế tài chính được kiểm soát còn rất chặt chẽ. Việc kiểm soát các giao dịch đáng ngờ hoặc việc các ngân hàng báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước cũng còn tương đối lỏng lẻo.

“Nay Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị đầu tư làm việc này thì tôi e rằng trong 10 đơn vị có lẽ chỉ có 1 đơn vị tuân thủ mà thôi” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiếu, vấn đề mà chúng ta cần thực hiện ở đây đó là cần ngăn chặn ngay từ khâu đầu vào của việc rửa tiền. Ví dụ, khi một chủ đầu tư nhận được một số tiền trên 300 triệu đồng có nghĩa họ phải báo cáo, và nếu họ nộp số tiền đó vào ngân hàng cũng phải báo cáo với Ngân hàng. Tuy nhiên, những người thuộc đối tượng rửa tiền họ có thể dùng các hình thức khác để giao dịch.

Ở góc nhìn khác, mặc dù ủng hộ quy định của Bộ Xây dựng, nhưng ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng khẳng định sẽ rất khó thực hiện. Thực tế, quy định này không phải mới mà đã có từ lâu. Việc thực hiện công tác phòng chống rửa tiền là quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Các nhà môi giới trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề phải học và thi sát hạch, đảm bảo đủ kiến thức về lĩnh vực này. Tuy nhiên, để phát hiện ra hành vi rửa tiền trong các giao dịch bất động sản cũng không hề đơn giản, bởi các giao dịch mua bán ở Việt Nam vẫn chủ yếu dùng tiền mặt, chưa bắt buộc giao dịch phải thông qua ngân hàng. 

Trong khi đó, nếu giao dịch bằng tiền mặt sẽ không thể phát hiện được nguồn gốc của số tiền đó. Việc phát hiện rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố trong các giao dịch bất động sản của môi giới, sàn giao dịch để báo cáo kịp thời lên sở xây dựng là khó khả thi.

Cũng theo ông Đính, để thực hiện quy định về chống rửa tiền còn phải đi song hành với nhiều quy định khác, như kê khai đóng thuế, quy định giao dịch qua tài khoản ngân hàng... Vì thế, ông kiến nghị các quy định này phải có sự điều chỉnh theo hướng chặt chẽ, rõ ràng và làm quyết liệt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khó kiểm soát chống rửa tiền từ bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO