Ngày 15/03/2019 Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG) đã bắt đầu hoạt động đầu tiên trong chuỗi hành động quyết tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp sinh viên: Kick Off tinh thần khởi nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Quang Thuận – Phó chủ nhiệm Khoa Quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, tính đổi mới sáng tạo khởi nghiệp đã được xếp là một trong năm yếu tố để bắt kịp xu thế của các trường Đại học tiên tiến trên thế giới, bao gồm: Tính Quốc tế hóa, tính tự chủ, kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo năng lực thích nghi và tính đổi mới sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên. Trong đó, thời gian gần đây tính đổi mới sáng tạo khởi nghiệp đã được nhà trường quan tâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
“Khoa Quốc tế rất quan tâm về vấn đề làm thế nào để động viên, lan tỏa tất cả ý tưởng về đổi mới sáng tạo khởi nghiệp đến các bạn sinh viên. Lần đầu tiên tổ chức rất khó để lan tỏa đến tất cả các bạn sinh viên, thì chúng ta sẽ lan tỏa đến một nhóm sinh viên, nhưng nhóm đó phải là nhóm cốt lõi, để từ đó sẽ lan tỏa đến các bạn khác” TS. Nguyễn Quang Thuận khẳng định.
Cũng theo TS. Nguyễn Quang Thuận: “Để tạo điều kiện cho các bạn sinh viên cùng hòa chung vào phong trào khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ra văn bản chính thức, theo đó, bắt đầu từ năm 2019 sẽ đưa điểm đánh giá rèn luyện vào bảng điểm. Những hoạt động tham gia khởi nghiệp sẽ được đánh giá cao và điều đó sẽ giúp các bạn sinh viên có một bộ hồ sơ tốt, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên xin việc sau này”.
Trao đổi với anh Nguyễn Văn Tánh - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cho biết: Mặc dù đây là lần đầu Khoa phát động cuộc thi nhưng sự phản hồi từ phía sinh viên là rất khả quan khi các bạn sinh viên luôn chủ động đưa ra những câu hỏi cho Ban tổ chức và sự tương tác trên trang page cũng rất tốt.
Thử thách và cơ hội
“Được tổ chức lần đầu tiên và không có nhiều thế mạnh về công nghệ kỹ thuật, nên đó là những khó khăn bước đầu của sinh viên Khoa Quốc tế khi muốn khởi nghiệp. Nhưng ngược lại, thế mạnh của các bạn là ngôn ngữ, từ những ý tưởng kinh doanh các bạn hoàn toàn có thể chuyển sang tiếng Anh để tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài. Lợi thế nữa của sinh viên Khoa Quốc tế - Đại học Quốc Gia là Nhà trường có mạng lưới doanh nghiệp nước ngoài khá lớn, từ đó sẽ tạo điều kiện tốt cho các dự án tiếp cận và kêu gọi vốn” anh Tánh chia sẻ.
Kết hợp với các bạn sinh viên khối ngành công nghệ của các trường Đại học khác là một giải pháp đã được anh Tánh đưa ra để giải quyết khó khăn về khả năng công nghệ kỹ thuật của các bạn sinh viên Khoa Quốc tế.
Ngoài ra, từng vòng thi, từng phần giao lưu Nhà trường sẽ mời những cố vấn phù hợp ở nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể giải đáp được hết những thắc mắc và khó khăn ban đầu ở trong ngành nghề mà các bạn khởi nghiệp. Sau đó, sẽ tổ chức nhiều hơn các khóa tập huấn, huấn luyện để tiếp tục truyền lửa, truyền ý chí khởi nghiệp cho các bạn sinh viên.
Đừng ngại nếu có những ý tưởng điên rồ
Tại lễ phát động, Ban tổ chức đã mời đến các nhà đầu tư và những doanh nhân khởi nghiệp thành công giao lưu với các bạn sinh viên, với mong muốn tiếp thêm động lực và truyền cho các bạn sinh viên những kinh nghiệm thực tế nhất. Trao đổi với phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Tuấn Hà, CEO Vinalink chia sẻ quan điểm khá độc đáo khi đưa ra lời khuyên: Khởi nghiệp đầu tiên phải có ý tưởng điên rồ.
“Mọi người cứ tập trung vào tính khả thi nên các ý tưởng không xuất sắc và không quá khác biệt. Đừng nghĩ các ý tưởng là điên rồ, xã hội phát triển như bây giờ là do những ý tưởng điên rồ ngày xưa mới có. Chúng ta không thể tưởng tượng một ngày con người có thể bay trên bầu trời, nhưng thiết bị bay cá nhân bây giờ đã có rồi,… Các bạn sinh viên có những ý tưởng bay bổng, rất xa thực tế sợ không dám triển khai, nhưng những nhà đầu tư có khả năng làm lại rất cần những ý tưởng đó để mở hướng đi cho nhân loại. Và chỉ có các bạn sinh viên mới có thể nghĩ ra những ý tưởng bất ngờ và sáng tạo như vậy” CEO Tuấn Hà chia sẻ.
Để có được những ý tưởng sáng tạo và đầy bất ngờ hoàn toàn nằm trong khả năng của những bạn trẻ đang khát khao khởi nghiệp. Tuy nhiên, làm thế nào để những ý tưởng đó có thể tiếp cận đến nhà đầu tư có khả năng thực hiện thì đó vẫn là một bài toán khó. Vậy làm sao để những ý tưởng đó được khả thi ? CEO của Vinalink đã có những lời khuyên giúp các bạn sinh viên tiếp cận được với các Shark tiềm năng:
Thứ nhất, tăng khả năng tiếp cận được các nhà đầu tư, các bạn sinh viên cần mạnh dạn đăng ký tham gia các cuộc thi, từ cấp trường cho đến các cuộc thi lớn hơn, thậm chí sinh viên có thể đăng ký tham gia cuộc thi của nhiều trường khác nhau, ngoài ra các dự án xuất sắc mạnh dạn tham gia các thuộc thi lớn như Shark Tank, Start Up Việt, … thậm chí hãy ra nước ngoài thi. Như vậy, các bạn sẽ tiếp cận được với nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư và các diễn giả, từ đó tăng cơ hội được đầu tư cho dự án của mình.
Thứ hai, đừng ngại đưa ý tưởng của mình lên các sàn gọi vốn, Logo Idea hay FundStart… đều là các sàn gọi vốn kết nối với các dự án và các nhà đầu tư toàn cầu. Thực tế, trên các sàn gọi vốn đa phần cũng là ý tưởng hoặc các sản phẩm mẫu. Thậm chí, các bạn sinh viên chủ động đến các quỹ khởi nghiệp để kêu gọi đầu tư, ở đó sẽ kết nối các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư mạo hiểm,… hoặc ít nhất các bạn sẽ được hướng dẫn làm một bộ hồ sơ gọi vốn hoàn chỉnh.
Thứ ba, cần có một bộ hồ sơ tốt, để làm được điều này các bạn cần phải học một số các chỉ số tài chính, đặc biệt là phải lập được bảng gọi vốn thật chuẩn.
Tự tin vào bản thân mình
Chị Khuất Thị Thùy Dung, Giám đốc Công ty TNHHTM An Du, cũng là một Start up khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. Sau khi đã thành lập công ty cùng với một người bạn, nhưng sau 3 tháng không có doanh thu và đi vào bế tắc thì người bạn của chị đã rút vốn khỏi công ty.
“Mặc dù rơi vào tình trạng khủng hoảng, nhưng mình vẫn tiếp tục chấp nhận chịu lỗ quyết tâm làm. Càng những lúc khủng hoảng các bạn càng phải bình tĩnh để xem khách hàng của mình quan tâm đến vấn đề gì? Với ngành dịch vụ đưa đón học sinh, điều phụ huynh quan tâm nhất là sự an toàn và bảo đảm cho con em mình, do đó bảo hiểm chính là điều họ cần nhất. Sau khi công bố chế độ bảo hiểm với phu huynh thì công ty đã bắt đầu vực dây và đi vào ổn định” Chị Dung chia sẻ.
Qua câu chuyện khởi nghiệp của chính mình, chị Dung đã đưa ra những lời khuyên cho các bạn sinh viên khi đã xác định được ngành mà mình sẽ theo đuổi:
Thứ nhất, cần phải biết khách hàng của mình quan tâm đến điều gì nhất, đặc biệt khi kinh doanh các ngành nghề dịch vụ di chuyển thì bảo hiểm là điều quan trọng nhất.
Thứ hai, các bạn cần xác định nếu đã khởi nghiệp không thể tránh những lúc khó khăn, nản chí và đôi khi chấp nhận phải đi một mình. Những lúc như thế hãy nghĩ tại sao các bạn bắt đầu, xác định làm việc đó là cho bản thân mình chứ không phải cho một ai khác. Đặc biệt là phải có niềm tin bản thân mình làm được.