Chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, không thể ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, mà chỉ có thể “khoác tấm áo” pháp lý mới cho hộ kinh doanh.
Trên tinh thần đó, để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh và cũng nhằm bảo đảm thực thi nguyên tắc nền tảng trong Hiến pháp, đó là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân và tổ chức phải được quy định trong văn bản luật chứ không phải chỉ ở cấp thông tư, nghị định như tình trạng của hộ kinh doanh hiện nay.
Xung quanh vấn đề này, PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi bên hành lang Quốc hội với ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương).
- Ông đánh giá thế nào về việc cần phải “khoác tấm áo mới” cho các hộ kinh doanh?
Việc các hộ kinh doanh có lên doanh hay không do họ quyết định, chúng ta không thể ép buộc họ. Hộ kinh doanh thấy có khả năng quản lý, tổ chức được sản xuất và nhìn thấy tương lai phát triển khi lên doanh nghiệp thì hộ kinh doanh sẽ tự quyết vấn đề đó.
Nhưng định hướng của nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, đó là phải làm cho hộ kinh doanh hiểu rằng, khi chuyển lên doanh nghiệp họ sẽ có nhiều cơ hội được “nâng tầm”, như kinh nghiệm, khoa học quản lý… nhằm mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh. Cũng sẽ dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn và giao lưu với các doanh nghiệp, cùng nhau liên kết tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
18:12, 15/11/2019
04:50, 15/11/2019
20:48, 23/10/2019
10:25, 20/10/2019
Do đó, vai trò định hướng của nhà nước trong vấn đề này là không thể thiếu, nhà nước không bắt ép các hộ lên thành doanh nghiệp mà phải thuyết phục, tuyên truyền, vận động, chỉ ra hướng đi cho các hộ kinh doanh.
Người xưa từng ví “một người lo bằng cả kho người làm”. Hộ gia đình chiếm số lượng rất lớn, nhưng nhà nước giữ vai trò như kim chỉ nam định hướng chiến lược và cách thức kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể. Việc nhà nước đưa ra hướng đi đúng sẽ thúc đẩy hộ kinh doanh sẽ phát triển nhanh.
- Ông có nói về việc cần có sự định hướng của nhà nước. Nhưng việc “khoác tấm áo mới” cho các hộ kinh doanh phải bằng những quy định như pháp lý cần tối giản hơn, minh bạch, bình đằng thì mới hấp dẫn các hộ kinh doanh tự nguyện chuyển lên doanh nghiệp, thưa ông?
Đúng như vậy, trong luật sẽ phải nói đến những điều đó. Tuy nhiên, trọng thực tiễn có được rõ ràng như thế hay không thì còn tùy thuộc vào các cơ quan quản lý. Các hộ kinh doanh chỉ đặc biệt quan tâm đến thủ tục hành chính, thuế và các tác động khác như môi trường kinh doanh, khả năng cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp có thông suốt hay không, có hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp không, có nhìn nhận doanh nghiệp như “người nhà” của mình hay không. Tất cả những khâu này chắp nối lại sẽ được gọi là minh bạch, công bằng. Sẽ phải xóa bỏ tư duy và tầm nhìn “thân thiết thì hỗ trợ”, hay “có chia chác” thì mới nhiệt tình.
- Để thúc đẩy sự phát triển hộ kinh doanh, bảo đảm thực thi một nguyên tắc nền tảng trong Hiến Pháp là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân và tổ chức, thì phải được quy định trong văn bản luật chứ không phải chỉ ở cấp thông tư, nghị định như tình trạng của hộ kinh doanh như hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Vấn đề hiện nay là nên làm theo luật khung hay luật cần đi vào cụ thể, mong muốn của người thi hành luật là đi vào cụ thể. Vì chờ nghị định, thông tư và các quy định sau đó thường rất lâu, đôi khi có những quy định bị “biến dạng”, không đúng theo tư tưởng của luật.
Chính vì thế, luật càng cụ thể thì càng thuận lợi cho doanh nghiệp. Chỉ khi “khống chế” và “triệt tiêu” được hết các thủ tục rườm rà, thì mới giúp cho các hộ kinh doanh nhìn thấy, tin tưởng, nắm bắt và tiếp cận nhanh để chủ động vươn mình lên thành doanh nghiệp.
-Xin cảm ơn ông!
ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP HCM): "Khoác tấm áo" mới giúp hộ kinh doanh trưởng thành "Khoác tấm áo mới" cho các hộ kinh doanh, tức là phải tạo điều kiện cho họ trưởng thành và phát triển. Đơn cử, cho các hộ kinh doanh tiếp cận nhiều hơn với phương thức quản lý, tổ chức của một doanh nghiệp, trong đó có những định hướng như kinh doanh phải có tính chiến lược, dài hạn và ngắn hạn, minh bạch sổ sách của một doanh nghiệp sẽ phản ánh thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh… Khi trở thành doanh nghiệp sẽ giúp hoạt động kinh tế của hộ kinh doanh mạnh lên rất nhiều. Chính vì vậy, nhà nước cần thông tin, tuyên truyền về tính ưu việt của loại hình doanh nghiệp để hộ kinh doanh dần nhận thức và tự hình thành việc cần thiết phải chuyển mình lên thành doanh nghiệp. ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang): Lấy lại sự công bằng cho hộ kinh doanh Xét về mặt luật pháp, các chủ thể kinh tế phải bình đẳng trước pháp luật. Hộ kinh doanh và doanh nghiệp đều là những chủ thể độc lập và bình đẳng trước pháp luật. Sẽ không có lý do gì để phân biệt giàu - nghèo, lớn - nhỏ. Với nhiều người, hộ kinh doanh thường rất “bé nhỏ” nên bị gạt ra thành một nhóm, doanh nghiệp lớn có “sân chơi” riêng. Chính sự bất bình đẳng này, khi đưa ra chính sách thường có sự thiên lệch khi ưu đãi chỗ này, lúc ưu đãi chỗ kia; lúc quản chặt chỗ này khi buông lỏng chỗ kia. Điều này dẫn đến các chủ thể trong nền kinh tế cạnh tranh không bình đẳng. Đây là hạn chế lớn nhất của luật doanh nghiệp hiện nay, chúng ta đang tập trung vào một số doanh nghiệp có quy mô lớn, còn với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ hay hộ kinh doanh thì bị buông bỏ. Do đó, khi khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp trước tiên sẽ tạo ra sự bình đẳng. Thực tế, có hộ những kinh doanh lớn gấp nhiều doanh nghiệp. |