Nhờ nguồn vốn Agribank, nhiều người đã thành công với mô hình chăn nuôi đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Những chiếc nhà lưới trồng rau sạch của gia đình chị Đặng Thị Cuối ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội trải dài một màu xanh mơn mởn đang góp phần thay đổi diện mạo những miền quê.
Tự hào khoe với chúng tôi, chị Cuối cho biết đây là kết quả của nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và có phần không nhỏ của "bà đỡ" ngân hàng.
Nhớ lại năm 2017, sau khi đi xuất khẩu lao động về, chị Cuối cùng chồng quyết định khởi nghiệp bằng trồng rau sạch.
"Khi đặt vấn đề này, chồng tôi bảo có ai giàu bằng nghề trồng rau đâu nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Mở đầu tôi cứ làm thử, vốn không có nhiều, nhưng thấy nhiều người đặt rau quá tôi mạnh dạn vay ngân hàng. Đúng lúc ấy, tôi được các anh chị cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) động viên và hướng dẫn các thủ tục vay rất đơn giản, tôi vay 500 triệu đồng mở rộng vườn và thuê thêm đất", chị Cuối hồ hởi nói.
Giới thiệu với chúng tôi 20 chiếc nhà lưới trồng các loại rau ăn lá, mỗi cái rộng hơn 4 ha với những luống rau tươi xanh, chị Cuối phấn khởi cho hay đây là kết quả của hơn chục năm chị đi xuất khẩu lao động và tình cờ học được công nghệ trồng rau sạch của nước bạn.
Chị Cuối kể, ngày ấy người ta đi nước ngoài gửi tiền, gửi đô la Mỹ về nhà còn chị chỉ gửi đinh, ốc vít và dụng cụ làm nhà lưới để thực hiện giấc mơ làm giàu trên chính quê hương mình.
Vườn rau của gia đình chị Cuối hiện áp dụng công nghệ trồng rau của Đài Loan (Trung Quốc) có cải tiến để phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện sẵn có của Việt Nam.
Hệ thống nhà lưới được làm theo kỹ thuật của Nhật Bản, lắp ghép bằng những chốt móc, có thể đàn hồi, xê dịch khi có gió bão.
Đồng thời, áp dụng hệ thống tưới tự động có 3 chế độ tưới: Phun sương, phun tỏa, phun mưa, nước tưới rau luôn được xử lý kỹ qua bể lọc.
Theo chị Cuối, hiện nhu cầu về các sản phẩm sạch hữu cơ ngày càng cao là tín hiệu vui với những người nông dân sản xuất nông sản hữu cơ. Các sản phẩm rau hữu cơ của gia đình chị Cuối được các đơn vị đặt hàng ngay từ vườn với giá thành ổn định.
Chính vì vậy, ngày càng nhiều hộ nông dân tìm đến cơ sở của vợ chồng chị Cuối để học hỏi kinh nghiệm. Đây có thể coi là một hướng đi mới, giúp người nông dân phát triển kinh tế.
Khác với chị Cuối, anh Bùi Tuấn Hải ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội làm giàu bằng nghề trồng hoa.
Những ngày đầu khởi nghiệp, anh Hải trồng hoa ly với quy mô nhỏ nên thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống.
Anh Hải nhớ lại, những ngày đầu dù biết mở rộng thêm vườn hoa thì lợi nhuận sẽ cao nhưng anh chưa biết xoay đâu ra vốn bởi nghề trồng hoa ly đòi hỏi vốn lớn.
Năm 2014, anh được biết đến nguồn vốn của Agribank có lãi suất ưu đãi và bắt đầu vay vốn để mở rộng diện tích trồng hoa. Vừa vay vừa làm và trả nợ, hiện dư nợ của anh Hải tại Agribank là 1 tỷ đồng.
Nhờ sự trợ giúp vốn đó, cộng với chăm chỉ siêng năng, đến nay, gia đình anh Hải đã có 8 mẫu trồng hoa ly với thu nhập từ 700-800 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ đi chi phí thuê đất đai, giống, nhân công.
Anh Hải chia sẻ thêm: "Năm nào kém cũng được một vài trăm triệu. Hai năm trước tôi thu hơn 1 tỷ đồng. Còn ngày đầu khởi nghiệp chỉ được 200-300 triệu đồng thôi”.
Câu chuyện của anh Hải hay chị Cuối là minh chứng cho thấy, nguồn vốn tam nông thực sự như 'bà đỡ" cho nhiều tỷ phú nông dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới.
Đặc biệt, nhờ nguồn vốn Agribank, nhiều người đã thành công với nhiều mô hình chăn nuôi đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo, trở thành những tấm gương điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Dấu ấn Agribank thể hiện trên khắp các nẻo đường của các xã, huyện và đang trong tiến trình thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo của Agribank, sau gần 10 năm thực hiện cho vay thí điểm Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai cho vay xây dựng nông thôn mới rộng rãi trên toàn quốc và thực hiện cho vay tại 8.939 xã; trong đó tập trung chủ yếu vào vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Nhìn chung, dư nợ cho vay nông thôn mới tăng trưởng tốt, nợ xấu ở mức thấp, kiểm soát được và luôn thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành.
Từ năm 2013 đến nay, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn đạt xấp xỉ 70% tổng dư nợ, chiếm 50% trong tổng mức cấp tín dụng nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng.
Agribank đã tích cực triển khai 9 chương trình, chính sách cụ thể của Chính phủ, đặc biệt Agribank dành hơn 487 nghìn tỷ đồng cho vay xây dựng nông thôn mới với gần 2,7 triệu khách hàng.
Nguồn vốn vay của Agribank tập trung chủ yếu vào các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân tại địa phương, bám sát 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, Agribank đã giúp diện mạo nông thôn từng bước thay đổi, một số địa phương đã xây dựng các trường học đạt chuẩn, kiên cố hóa đường giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng trụ sở xã, xóa nhà tạm, dạy nghề cho lao động nông thôn.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững.
Các hộ gia đình đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, thu nhập, góp phần ổn định đời sống.
Nguồn vốn cho vay của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa như vùng cây ăn quả ở Bắc Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, vùng lúa xuất khẩu ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng cây cao su, cây điều, cây cà phê ở Tây Nguyên; xóa bỏ cơ bản tình trạng du canh, du cư, thay đổi tập quán sản xuất, từng bước chuyển từ nền sản xuất tự cung, tự cấp thành nền sản xuất hàng hóa.