Xuất phát từ nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, một cá nhân tại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) đã hình thành ý tưởng khởi nghiệp từ các loại hạt dinh dưỡng.
>>Quảng Nam cần mở rộng không gian du lịch về phía Nam
Là một dược sĩ, chị Phạm Thị Duy Mỹ trú tại thôn Kiệu Châu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) hiểu rất rõ về sự cần thiết của chế độ dinh dưỡng đối với cơ thể mỗi người. Đặc biệt hơn, các thực phẩm được bổ sung vào cơ thể cần được xác định rõ là đủ chất, sạch và lành tính.
Từ nhu cầu sử dụng cho bản thân và gia đình, chị Mỹ đã bắt tay vào việc sản xuất bột ngũ cốc dinh dưỡng với các loại hạt có sẵn trên địa bàn. Để tạo ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, chị Mỹ đã nhiều lần nhờ người thân và bạn bè kiểm nghiệm, qua đó thứ ngũ cốc có thương hiệu Duy Oanh đã được hình thành từ 8 năm về trước.
“Với mong muốn làm ra một sản phẩm sạch, an toàn và giàu dinh dưỡng để bản thân và gia đình, khách hàng sử dụng, tôi đã chọn ngũ cốc từ những loại hạt có sẵn tại địa phương như gạo lứt đỏ, những hạt đậu, hạt sen,... Đây là những loạt hạt giàu chất dinh dưỡng, được xác minh là nông sản sạch, an toàn để sử dụng là ngũ cốc”, chị Mỹ chia sẻ.
Từng bước, ngũ cốc Duy Oanh được nhiều người tìm đến để mua về sử dụng, được đánh giá là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, sử dụng được cho cả trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người bị tiểu đường. Tùy từng đối tượng, các sản phẩm ngũ cốc sẽ được chế biến theo công thức phù hợp để được lựa chọn.
Với sự kết hợp 14 loại hạt như đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, mè đen, gạo lứt, hạt sen, óc chó, hạnh nhân, yến mạch,... ngũ cốc Duy Oanh đã hội tụ đủ các dưỡng chất cần thiết đáp ứng cho cơ thể người. Sau công đoạn chọn hạt, các lao động tại cơ sở sẽ sử dụng phương pháp rang thủ công bằng chảo gang trên than củi nhằm tăng độ thơm của hạt, giữ nguyên dưỡng chất.
Nói về cơ sở sản xuất, chị Phạm Thị Duy Mỹ cho hay từ khi bắt đầu đến nay đã chi khoảng 3 tỷ đồng để nâng dựng công xưởng, nhập nguyên liệu và đầu tư thiết bị, hiện tại vẫn đang tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô. Cùng với đó, cơ sở của chị Mỹ cũng đang có 5 nhân công tại địa phương làm việc với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người.
“Năm 2021, sản phẩm ngũ cốc Duy Oanh được UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá đạt chuẩn OCOP 3 sao, đây chính là một nguồn động lực lớn để cá nhân tôi tiếp tục đầu tư cho sản phẩm. Khi tham gia Chương trình OCOP, với khâu kiểm định sản phẩm khá khắt khe từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất cho đến hình thức bên ngoài,… đã tạo điều kiện quan trọng để bột ngũ cốc Duy Oanh ngày càng nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường”, chị Mỹ nói.
Được sự hỗ trợ của địa phương, một cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm phẩm OCOP của chị Mỹ đã ra đời trên chính quyê hương mình. Thông qua đó, ngũ cốc Duy Oanh dần được khách hàng biết đến nhiều hơn, thị trường tiêu thụ được mở rộng và ổn định.
Ngoài ngũ cốc, cơ sở của chị Phạm Thị Duy Mỹ còn đầu tư phát triển 11 loại sản phẩm dinh dưỡng mới như bột và trà gạo lứt đậu đen xanh lòng quê, hạt sen tươi và khô Trà Lý, thanh gạo lứt hạt và rong biển, ngũ cốc hạt Granola,... Định hướng trong thời gian tới, các sản phẩm dinh dưỡng này sẽ tiếp tục được phát triển thành sản phẩm OCOP và chị Mỹ đang dốc toàn lực để hoàn thiện.
“Sản phẩm dinh dưỡng là phải đặt sức khỏe của người tiêu dùng làm tiêu chuẩn, có thể lãi ít, nhưng phải an toàn, chiếm được lòng tin của khách hàng. Ngoài ra, cần luôn nhớ rằng chúng ta đang bán niềm tin, bán sự tư vấn tận tình để người mua hiểu rõ hơn về sản phẩm trước khi sử dụng và tin dùng chúng chứ không bán theo doanh số để rồi mất khách hàng.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, hiện nay, cơ sở đã liên kết với hơn 50 đại lý trong và ngoài tỉnh từ TP. Đà Nẵng, Gia Lai, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội,... Ngoài ra, định hướng trong năm tới Ngũ cốc Duy Oanh sẽ phấn đấu xây dựng thành công sản phẩm OCOP xếp hạng 4 - 5 sao cấp tỉnh”, chị Mỹ nói.
Hiện nay, các sản phẩm ngũ cốc Duy Oanh đang bán hàng theo hình thức truyền thống kết hợp trực tuyến để mở rộng thị trường khách hàng. Cùng với đó, cơ sở này cũng chú trọng đầu tư cho quảng bá, xây dựng thương hiệu từ việc tham gia các hội chợ, phiên chợ giới thiệu sản phẩm, tăng cường các kênh truyền thông như facebook, zalo, youtube, website,... để khách hàng tiếp cận.
Theo chia sẻ, mỗi tháng cơ sở của chị Mỹ tung ra thị trường tiêu thụ hơn 1000 sản phẩm dinh dưỡng, những tháng cuối năm, giáp Tết có thể tăng lên đến 2000-3000 sản phẩm/ tháng. Chưa kể đến, chị Mỹ còn sáng tạo nên túi quà Tết độc đáo từ các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện để khách hàng mua làm quà tặng ý nghĩa trong dịp này.
Quan điểm về phát triển sản phẩm, chị Mỹ cho rằng cộng đồng khởi nghiệp phải cùng nhau kết hợp để giúp nhau cùng đi lên, mang lại giá trị cho cộng đồng tại địa phương. Do đó, một ý tưởng táo bạo đã nảy nở, khi người này muốn phát triển một chuỗi gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP và kết nối các cơ sở sản xuất lại với nhau để phục vụ khách du lịch.
Thông qua gian hàng, khách du lịch khi đến với huyện Duy Xuyên sẽ được tham quan, trải nghiệm hoạt động sản xuất ngay tại các cơ sở. Đây cũng được xem như một sản phẩm du lịch mới cho địa phương, đặc biệt là thu hút khách quốc tế vì đây là những đối tượng thích trải nghiệm và sẵn sàng trả chi phí để tham gia hoạt động, mua quà kỷ niệm.
“Giai đoạn đầu của khởi nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên cộng đồng khởi nghiệp cần vững tin với mục tiêu của mình. Đối với Ngũ cốc Duy Oanh, tôi muốn định hướng sản phẩm của mình gắn liền với sức khỏe của người tiêu dùng. Hơn hết là tạo ra một sản phẩm khác biệt tại quê hương, khi mà khi nhắc tới Duy Xuyên mọi người có thể gợi nhớ đến ngũ cốc Duy Oanh”, chị Phạm Thị Duy Mỹ chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm