Chứng khoán

Khối ngoại "gom" cổ phiếu NVB

Dương Thuỳ 08/04/2025 04:26

Trong mấy phiên giao dịch gần đây, khối ngoại mua vào cổ phiếu (HoSE: NVB) Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) bất chấp diễn biến không thuận lợi của thị trường.

DHCD NCB 2025
Cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân được khối ngoại mua vào nhờ kết quả kinh doanh từng bước được cải thiện rõ rệt

Dù thị trường chứng khoán đỏ lửa do Mỹ áp mức chính sách thuế quan mới đối với hàng hoá nhập khẩu, tuy nhiên cùng với nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung, cổ phiếu NVB vẫn được khối ngoại mua vào.

Cụ thể phiên giao dịch ngày 24/3 khối ngoại mua vào 11.900 cổ phiếu NVB; phiên giao dịch 25/3 khối ngoại mua vào 51.800 cổ phiếu NVB; Phiên ngày 3/4 khối ngoại vẫn duy trì đà mua với 72.500 đơn vị cổ phiếu NVB. Đặc biệt phiên giao dịch ngày 4/4 khi thị trường đỏ lửa nhưng khối ngoại duy trì đà mua ròng 123.000 đơn vị cổ phiếu NVB...

Vậy điều gì khiến khối ngoại mua ròng cổ phiếu NVB sau nhiều năm cổ phiếu này không nằm trong danh mục mua ròng của khối này?

Được biết mới đây tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của ngân hàng, tổ chức ngày 29/3, ông Tạ Kiều Hưng- Tổng giám đốc ngân hàng NCB cho biết, NCB dự kiến có lãi ngay từ quý I/2025. Kết quả này có được nhờ ngân hàng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nhờ áp dụng chiến lược mới song song với tích cực tái cơ cấu ngân hàng theo đúng lộ trình tại Phương án cơ cấu lại (PACCL) tầm nhìn tới 2030 đã được NHNN phê duyệt.

Theo đó, dự kiến quý 1/2025, NCB ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 125 tỷ đồng. Các chỉ tiêu tăng trưởng tích cực, cụ thể: Vốn huy động (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) ước đạt hơn 107.000 tỷ đồng, tăng trưởng 6,8% so với cuối năm 2024; cho vay khách hàng ước đạt hơn 78.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9,6% so với cuối năm 2024, tương ứng mức tăng hơn 6.800 tỷ đồng. Đặc biệt, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt mức cao nhất trong 9 quý liên tục, ước đạt gần 510 tỷ đồng.

Các hoạt động kinh doanh khác như hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của NCB đều có lãi trong quý 1/2025. Tính đến 31/03/2025 tổng tài sản của NCB đạt gần 131.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với năm 2024.

Nhờ đà kinh doanh tích cực, năm 2025, NCB đặt kế hoạch kinh doanh cả năm với tổng tài sản đạt 135.500 tỷ đồng, huy động khách hàng đạt 118.500 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 14,6% và 23,2% so với thực hiện 2024; cho vay khách hàng tăng trưởng 35% lên hơn 96.000 tỷ đồng. NCB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước phương án tái cơ cấu đạt 59 tỷ đồng và cam kết dùng toàn bộ lợi nhuận để thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt. Ngoài ra, NCB cũng đặt mục tiêu quy mô khách hàng tăng thêm 424.000 so với 2024.

Đặc biệt, trong những năm vừa qua, NCB đã đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng và giải pháp công nghệ, đổi mới chất lượng sản phẩm, dịch vụ và kiện toàn bộ máy, xây dựng và triển khai chiến lược mới. NCB là tổ chức tín dụng đầu tiên hoàn thành việc xây dựng và được phê duyệt phương án cơ cấu lại tầm nhìn tới 2030 theo “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của NHNN, triển khai quyết liệt phương án cơ cấu lại (PACCL) và đáp ứng tốt công cuộc tái cấu trúc toàn diện.

NCB đã thực thi từng bước theo định hướng chiến lược Quản lý Gia sản hỗn hợp Số và triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số từ đầu năm 2024. Nhờ đó, NCB liên tục khẳng định năng lực cạnh tranh và vị thế mới với hàng loạt dấu ấn: là ngân hàng đầu tiên triển khai tính năng mở tài khoản thanh toán ngân hàng từ ứng dụng định danh điện tử VNeID của Bộ Công An, giúp người dân có thêm lựa chọn đơn giản, an toàn, thuận tiện trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số theo chủ trương của Chính phủ.

Năm 2025, NCB đặt mục tiêu tiếp tục tăng vốn lên 19.280 tỷ đồng và đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua. Nếu thực hiện thành công, đây là lần tăng vốn thứ 3 trong vòng 4 năm liên tiếp (2022 - 2025) của ngân hàng này. Theo lộ trình, quy mô vốn điều lệ của NCB dự kiến sẽ đạt hơn 29.000 tỷ đồng vào năm 2028 theo đúng PACCL đã được phê duyệt, giúp NCB củng cố nguồn lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Việc tăng vốn điều lệ thể hiện quyết tâm của NCB trong việc nâng cao năng lực tài chính cho mục tiêu hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, đáp ứng các mục tiêu phát triển mới trong giai đoạn tới…

Có thể nói, những bước tiến mới trong kinh doanh của ngân hàng đã cải thiện rõ rệt cộng với chỉ số về ngân hàng được công khai minh bạch đã giúp cổ phiếu NVB từng bước được khối ngoại để ý, tiếp tục mua vào. Điều này cũng cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu tư theo chiến lược sàng lọc doanh nghiệp và đầu tư dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khối ngoại "gom" cổ phiếu NVB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO